Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

WTO: Thương mại toàn cầu ngày càng phân mảnh

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bước sang năm thứ 3, có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang bị phân chia thành hai khối riêng biệt do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu, theo báo cáo nghiên cứu của Tổ chức Thương mại thế giới. Đồng thời, các quy tắc đa phương, vốn là nền tảng thương mại toàn cầu trong gần 30 năm qua, đang bị đe dọa.

Theo báo cáo nghiên cứu của WTO, thương mại toàn cầu ngày càng phân mảnh kể từ sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: Foreign Policy

Căng thẳng địa chính trị gia tăng, bao gồm cả ở Trung Đông, và những mối lo ngại về an ninh kinh tế đang dẫn đến các lệnh trừng phạt, hạn chế thương mại và dấu hiệu chia rẽ ngày càng gia tăng giữa nhóm nước ủng hộ Nga và nhóm nước đứng về Ukraine.

Tuần tới, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ chủ trị hội nghị cấp bộ trưởng hai năm một lần ở Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) để tranh luận về các quy tắc thương mại toàn cầu. WTO đã cảnh báo rằng sự phân chia thương mại toàn cầu thành hai khối đối thủ rõ rệt sẽ khiến quy mô kinh tế thế giới thu hẹp 5%, với các nước đang phát triển chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Trong kịch bản cực đoan này, Mỹ, Trung Quốc và các đồng minh của họ sẽ tham gia vào một cuộc chiến thương mại lưỡng cực, với các khối thương mại kình địch sẽ đặt ra các quy tắc riêng và phớt lờ các thỏa thuận đa phương.

Thế giới vẫn chưa rơi vào kịch bản đó, nhưng các nhà kinh tế của WTO chỉ ra rằng, kể từ chiến sự Ukraine nổ ra vào ngày 24-2-2022, có hai khối thương mại đang dần tách rời nhau.

“Chúng tôi đã thấy bằng chứng ban đầu về xu hướng liên kết mạnh mẽ hơn giữa các dòng chảy thương mại và mối quan hệ địa chính trị kể từ khi cuộc chiến tranh diễn ra ở Ukraine. Phát hiện của chúng tôi chỉ ra những dấu hiệu đầu tiên của sự phân mảnh trong thương mại toàn cầu”, họ cho biết trong một báo cáo gần đây.

Các nhà kinh tế của WTO phân chia các khối thương mại của thế giới dựa trên các mô hình bỏ phiếu tại Liên hợp quốc, bao gồm nhưng không giới hạn ở các nghị quyết về cuộc chiến ở Ukraine.

Họ nhận thấy các dấu hiệu dịch chuyển chuỗi cung ứng đến các nước thân thiện về mặt chính trị hoặc kinh tế (friend-shoring). Tuy nhiên, họ chưa tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ về sự dịch chuyển sản xuất về gần thị trường quê nhà (near - shoring).

Thuật ngữ “friend shoring” được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sử dụng để khuyến khích các công ty toàn cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nền dân chủ có định hướng thị trường như Ấn Độ.

Xét riêng Mỹ và Trung Quốc, các nhà kinh tế của WTO nhận thấy căng thẳng thương mại song phương, vốn bùng phát kể từ khi chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan đối với khoảng 2/3 hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Dù vậy, dòng chảy thương mại Mỹ-Trung lại tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào năm 2022 khi nhu cầu của Mỹ đối với hàng tiêu dùng Trung Quốc tăng lên và nhu cầu của Bắc Kinh đối với các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Mỹ cũng tăng. Tuy nhiên, theo báo cáo nghiên cứu của WTO, thương mại song phương Mỹ-Trung có dấu hiệu chậm lại khi đặt lên bàn cân so sánh thương mại hàng hóa của mỗi nước này với các đối tác khác.

Căng thẳng địa chính trị là một phần nguyên nhân dẫn đến WTO và Ngân hàng Thế giới (WB) cắt giảm các ước tính tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là trong năm ngoái. WTO cắt giảm ước tính tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2023 từ 1,7% xuống 0,8%. Trong khi đó, WB chỉ đưa ra con số 0,2%, tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 50 năm qua nếu không tính các cơn suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ayhan Kose, Phó kinh tế trưởng của WB, nói với Reuters rằng sự suy yếu này xảy ra trong bối cảnh chính sách thương mại có những thay đổi mạnh mẽ sau quá trình hội nhập trước đó.

"Kỷ nguyên hội nhập đó về cơ bản đã biến mất. Giờ đây, chúng ta có một kỷ nguyên mới với đặc điểm là các nước không muốn ký kết thỏa thuận thương mại đa phương rộng lớn. Bên cạnh đó, số lượng các hạn chế thương mại trên toàn thế giới đang tăng vọt”, Ayhan Kose nói.

Tổ chức giám sát thương mại toàn cầu Global Trade Alert, có trụ sở tại Thụy Sĩ, chỉ ra ra rằng, kể từ đầu năm 2020, thế giới chứng kiến hàng loạt biện pháp bóp méo thương mại, từ kế hoạch tăng thuế xuất khẩu đậu nành của Argentina đến động thái tăng thuế nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ cũng như chính sách trợ cấp của Washington dành cho các công ty đưa chuỗi cung ứng chip về Mỹ.

Theo Global Trade Alert, sự gia tăng trợ cấp tương tự cũng diễn ra trong các lĩnh vực khác như thực phẩm, thuốc men và chuỗi giá trị toàn cầu. Dữ liệu của tổ chức này cho thấy, không chỉ số lượng các biện pháp trợ cấp gia tăng, mà còn số lượng nước thực hiện chúng cũng tăng.

Những biện pháp hạn chế và bóp méo thương mại phản ánh động thái thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ. Điều này làm suy yếu các quy tắc toàn cầu ủng hộ thương mại mở và hạn chế mức độ các nước có thể hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước bằng chính sách trợ cấp và các biện pháp khác.

Mới đây, Viện Tài chính quốc tế (IIF) cảnh báo rủi ro đối với nợ toàn cầu khi các chính phủ chi tiêu nhiều hơn để giảm thiểu tác động bất lợi lên chuỗi cung ứng từ chính sách bảo hộ thương mại và xung đột địa chính trị ngày càng tăng.

Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh cái giá phải trả của sự phân mảnh thương mại toàn cầu và ủng hộ “tái toàn cầu hóa”. Bà cho rằng sự hồi sinh của chủ nghĩa đa phương có thể thúc đẩy nền kinh tế thế giới lên khoảng 3%.

Georg Riekele, Phó giám đốc của Trung tâm chính sách châu Âu, cho biết, đối với một nền kinh tế phụ thuộc thương mại bên ngoài như châu Âu, điều tốt nhất có thể hy vọng là thế giới chuyển sang trạng thái cân bằng mới, giúp duy trì thương mại mở, ít nhất là với các đối tác thân thiện.

“Sự thoái lui của toàn cầu hóa do sự thận trọng hơn đối với Trung Quốc và sự gián đoạn của các chuỗi giá trị, chẳng hạn như liên quan đến cuộc khủng hoảng hàng hải hiện nay ở Biển Đỏ, có thể được bù đắp bằng sự đa dạng hóa lớn hơn và cởi mở thương mại hơn ở những nơi khác”, ông nói.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới