Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xâm nhập mặn tăng cao, các địa phương chủ động tích trữ nước ngọt

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dự báo các đợt xâm nhập mặn ở mức cao tại cửa sông Cửu Long, sông Vàm Cỏ, Cái Lớn tập trung vào tháng 3 và tháng 4-2024, nhiều địa phương đã chủ động tích trữ nước ngọt, kiểm tra hệ thống các công trình thủy lợi... để ứng phó với tình hình hạn, xâm nhập mặn trên.

Cống Cái Lớn thuộc hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé, giúp kiểm soát xâm nhập mặn. Ảnh: Huy Phong.

Theo TTXVN, đại diện Phòng dự báo thủy văn Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ thông tin, từ ngày 1 đến 10-3, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long dao động ở mức cao trong những ngày đầu, sau đó giảm dần và tăng lại ở 2 ngày cuối. Độ mặn cao nhất tại các trạm thấp hơn so với độ mặn cao nhất hồi tháng 3-2023. Một số trạm ở TPHCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang có độ mặn lớn hơn.

Về chiều sâu ranh mặn 4‰, phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 50-60 km, sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 40-45 km, sông Hàm Luông là 42-50 km, sông Cổ Chiên là 43- 50 km, sông Hậu là 45-50 km và sông Cái Lớn là 37-45 km.

Các đợt xâm nhập mặn ở mức cao tại cửa sông Cửu Long tập trung từ 7-3 đến 13-3 và từ  24 đến 28-3. Ngoài ra, ở sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, các đợt xâm nhập mặn tăng cao từ 7 đến 13-3, 24 đến 28-3, 7 đến 12-4 và từ 22 đến 28-4.

Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở khu vực này là cấp 2. Một số giải pháp được đưa ra để ứng phó với tình hình trên như địa phương tích trữ nước ngọt khi triều thấp để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém thì trước khi tưới nước, nông dân cần kiểm tra nồng độ mặn.

Tại một số địa phương như ở Sóc Trăng, từ nay đến ngày 10-3, dự báo độ mặn tại các điểm đo trên sông Mỹ Thanh có khả năng ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước từ 1,8-7,7‰. Trước tình hình trên, người dân huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Trần Đề… chủ động đắp gia cố các bờ bao cục bộ, nạo vét hệ thống kênh để ngăn mặn trữ ngọt. Ngành chức năng kiểm tra hệ thống các công trình thủy lợi để kịp thời sửa chữa công trình bị xuống cấp, đắp đập ngăn mặn…

Một thông tin khác liên quan, theo TTXVN, từ cuối tháng 2, mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa rất thấp và tình trạng xâm nhập mặn khu vực hạ lưu sông diễn biến phức tạp. Điều này nguy cơ xảy ra thiếu nước cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của các địa phương ở hạ du.

Vì vậy, Cục Quản lý tài nguyên nước yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa, nhà máy nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phối hợp vận hành các hồ chứa, đảm bảo cấp đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt ở hạ du.

Đối với nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng), cục yêu cầu theo dõi độ mặn tại cửa lấy nước nhà máy nước Cầu Đỏ, mực nước sông tại trạm bơm An Trạch; phối hợp với đơn vị quản lý vận hành đập An Trạch, các hồ chứa Đăk Mi 4, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, nhà máy nước Hòa Liên nhằm đảm bảo cấp nước cho thành phố Đà Nẵng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới