Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xanh hóa sản xuất không chỉ ở mỗi doanh nghiệp

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Quy định từ thị trường xuất khẩu và nhãn hàng liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững ngày càng khắt khe. Điều này buộc doanh nghiệp dệt may Việt Nam cải tiến quy trình “xanh hóa” mạnh mẽ hơn nữa.

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở từng doanh nghiệp thực hiện mà đòi hỏi cả ngành vào cuộc để tạo cộng đồng doanh nghiệp xanh; xây dựng hình ảnh chuỗi cung ứng bền vững trong mắt người tiêu dùng, nhà mua hàng quốc tế.

Ảnh: Website Dệt may Thành Công

"Xanh hóa" để tăng tính cạnh tranh

Trước yêu cầu về bền vững và cạnh tranh đã thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam không ngừng nỗ lực chuyển đổi xanh để thích ứng.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cho biết, khi nhận được những tín hiệu từ khách hàng của 7-8 năm trước, TCM đã nhanh chóng có những bước đi để "xanh hóa" sản xuất.

Đó là lý do Trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh (R&BD) để sản xuất vải thân thiện với môi trường, vải tái chế của TCM ra đời. Công ty còn lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại các nhà xưởng hay sử dụng mô hình xử lý nước thải thông qua hệ thống tuần hoàn nước.

Ngoài ra, TCM đã và đang có kế hoạch thay đổi chất đốt lò hơi từ than đá sang nguyên liệu sinh khối Bio-mass hoặc sử dụng các nồi hơi điện thay thế các lò hơi công suất thấp để giảm khí thải CO2 ra môi trường tại một số nhà máy.

Đối với vấn đề xã hội, các chính sách cho người lao động vẫn được TCM tuân thủ theo những yêu cầu từ khách hàng, đặc biệt xem trọng vấn đề con người, môi trường làm việc.

Vì thế mà TCM là số ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể hưởng các lợi thế về ưu đãi thuế quan trong xuất khẩu cũng như các ưu đãi khác theo cam kết của Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA bằng lợi thế với quy trình sản xuất khép kín từ sợi – dệt/đan – nhuộm – may.

Còn ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết, VitaJean “xanh hoá” nhà máy và sản phẩm bằng cách lắp đặt điện mặt trời gắn trên mái nhà xưởng để phục vụ sản xuất, góp phần giảm chi phí và phát thải. Nguyên liệu vải cũng được chọn lọc theo các tiêu chí thân thiện với môi trường và có khả năng tái sử dụng, kéo dài vòng đời sử dụng của sản phẩm.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn áp dụng công nghệ tự động cắt, công nghệ laser tạo hiệu ứng trên mặt vải, công nghệ nano nhuộm màu, công nghệ giặt xả EU… Những máy móc, công nghệ hiện đại này giúp VitaJean đạt được chứng nhận Oeko-Tex - một xác nhận sự an toàn về mặt sinh thái và con người của các sản phẩm dệt, đồ da, từ tất cả các giai đoạn sản xuất dọc theo chuỗi giá trị dệt may.

Việc đầu tư vào công nghệ hiện đại cũng giúp doanh nghiệp cắt giảm đáng kể chi phí nhân công, hạ được giá thành sản phẩm để cạnh tranh trong giai đoạn khó khăn.

Ở vai trò vừa là nhà sản xuất vừa là nhà bán lẻ đồ thể thao lớn trên thế giới, ông Benoit Fournier, CEO Tập đoàn Decathlon Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia sản xuất lớn thứ hai của tập đoàn. Khoảng 40% giày dép, 22% hàng may mặc, hơn 15% sản phẩm khác được sản xuất tại Việt Nam.

Decathlon Việt Nam làm việc 100 nhà cung cấp địa phương và tập đoàn có trung tâm thiết kế sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam. “Năm ngoái tập đoàn đã đạt được kết quả giảm 34% tác động của CO2”, ông Benoit Fournier nói, và cho biết đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo là quan trọng.

Decathlon Việt Nam không sử dụng than đá trong chuỗi giá trị của mình. Ngoài ra, việc đầu tư làm chủ các thành phần, nguyên liệu thô tại địa phương giảm tác động đến môi trường và giúp sản phẩm hấp dẫn hơn.

“Chúng tôi đang hướng đến mua nguồn nguyên liệu ít nhất 70% các thành phần bền vững tại địa phương với trị giá 1 triệu đô la. Qua đó, vừa giúp giảm phát thải, giảm tồn kho", ông Fournier nói.

Cần tạo cộng đồng doanh nghiệp xanh

Để có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ thị trường quốc tế, giúp lấy lại đà tăng trưởng cho các ngành hàng như dệt may, việc chuyển đổi xanh song song với áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu. Xu thế này đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên bình diện toàn cầu.

Bởi lẽ những yêu cầu về "xanh hóa" mang tính định tính ngày càng được cụ thể hóa qua các chính sách mang tính định lượng của các nước nhập khẩu thông qua các sắc thuế, chính sách với nhà sản xuất, thuế xử lý chất thải, khí thải...

Ảnh minh họa: TL

Trên thực tế, nếu như trước đây theo đuổi tính xanh là sự đánh đổi chi phí, thì bây giờ xanh hóa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế. Khi doanh nghiệp có sản phẩm "xanh", có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm đến nhiều thị trường trên thế giới, theo bà Võ Thị Liên Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Secoin, khi ra thế giới khách hàng quan tâm đến sản phẩm Việt chứ không quan tâm đến từng thương hiệu.

“Đến Secoin, họ chỉ biết là hàng Việt Nam, quan tâm xem hàng Việt Nam có tốt? Một mình chúng tôi không thể kể câu chuyện Việt Nam được. Cần thêm rất nhiều thương hiệu khác nữa để tạo sức mạnh tổng hợp của hàng Việt, để “nước lên thì thuyền lên”, bà Hương nói.

“Trường hợp cộng đồng ngành dệt may Bangladesh đã nhanh chân trong chuỗi xanh hóa khiến dệt may của chúng ta bị mất cơ hội”, bà Hương dẫn chứng tại Hội thảo Giải pháp phát triển nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thương mại xanh diễn ra tại TPHCM gần đây.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cũng cho rằng, ngành dệt may Bangladesh đã thành công trong xây dựng thương hiệu “dệt may xanh”, kéo về được nhiều đơn hàng.

Ông đặt vấn đề cần tìm cho sản phẩm Việt nhân tố mới, tạo nét mới cho sản phẩm Việt, thương hiệu Việt để đi xa hơn. Nhân tố mới này, theo ông Hòa chính là yếu tố “xanh”. "Chúng ta cần một "rừng xanh" - cả một cộng đồng Việt Nam đồng tâm hiệp lực, chứ không phải chỉ vài doanh nghiệp đơn lẻ”, ông Hòa nêu.

Trên thực tế với dệt may, không chỉ dừng lại các doanh nghiệp nêu trên, hàng loạt doanh nghiệp dệt may khác trên cả nước đã và đang nỗ lực cải tiến xanh hóa để đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng, quy định của các nước nhập khẩu.

May mặc Bangladesh được biết nhiều đến với quy trình sản xuất xanh.

Điều này cũng được ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ với KTSG Online rằng rất nhiều doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam đã đạt được các chuẩn mực về "xanh hóa". Chỉ những doanh nghiệp ở quy mô nhỏ, bị áp lực về tài chính chưa đầu tư kịp.

"Chúng ta là một nước tuân thủ cao trong chiến lược mà các nhãn hàng và các nước nhập khẩu đặt ra và doanh nghiệp Việt Nam thích ứng rất nhanh, đặc biệt là đầu tư cho các dòng sản phẩm có tính ổn định bền vững và an toàn cho người tiêu dùng", ông Giang nói.

Dù vậy, thông tin việc cải tiến sản xuất "xanh hóa" của dệt may Việt Nam trên thế giới được cho là còn mờ nhạt. Do đó, theo giới phân tích, bên cạnh các doanh nghiệp chủ động thực hiện xanh hóa, thì việc truyền thông ngành phát triển bền vững và thân thiện với người tiêu dùng, nhà mua hàng trên thế giới cần phải phát huy.

Điển hình ngành dệt may Bangladesh đã quảng bá tương đối thành công việc này dù nhiều nhà máy dệt may ở nước này còn bị nợ lương công nhân, hay trả mức lương cho người lao động không đủ sống… Do đó, theo các chuyên gia, bản thân mỗi doanh nghiệp nỗ lực thực hiện không chưa đủ mà cần cả ngành, cơ quan quản lý vào cuộc hỗ trợ xây dựng thương hiệu ngành, sản phẩm uy tín, nếu không sẽ bị mất lợi thế.

Rõ ràng việc áp dụng quy trình sản xuất xanh giúp nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, tạo niềm tin với khách hàng và đối tác. Tuy nhiên, để doanh nghiệp "tự bơi" cho xanh hóa là rất khó, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ không có nhiều vốn, trong khi đầu tư cho xanh hóa thì cần nhiều vốn. Cần có giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và cạnh tranh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới