Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Xanh hóa’ thương mại điện tử

Hải Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng những năm gần đây kéo theo nhiều tác động tiêu cực đến môi trường như làm tăng rác thải bao bì, tăng lượng khí thải carbon. Làm thế nào để thúc đẩy “xanh hóa” thương mại điện tử là vấn đề đặt ra với các nhà hoạch định chính sách nước ta.

Nói đến thương mại điện tử, nhiều người thường hình dung đây là một ngành kinh tế góp phần bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, mua sắm trực tuyến giúp giảm lượng khí thải nhà kính vì người dùng không cần đến cửa hàng để mua sản phẩm; giảm rác thải giấy do các hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu trên môi trường điện tử, không phải in ấn hóa đơn như trước.

Điều này đúng nhưng mới chỉ là một phần của thực tế. Tác động tiêu cực từ các hoạt động của thương mại điện tử đến môi trường đã được đề cập tại Diễn đàn “Hoàn tất đơn hàng 2023 - hướng tới thương mại điện tử xanh” diễn ra tuần trước. Theo đó, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến có hai khâu chính tác động xấu tới môi trường, gồm giao hàng - liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon và đóng gói - hộp carton, bao bì nylon, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần. Giải pháp giao hàng siêu tốc cũng gây nhiều quan ngại vì làm gia tăng phát thải khí carbon.

Một báo cáo công bố cuối năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự báo, đến năm 2030, số lượng phương tiện giao hàng tại 100 thành phố hàng đầu trên toàn cầu sẽ tăng 36% để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến, nếu không có biện pháp can thiệp nào. Kéo theo đó là nhiều hệ quả với môi trường. Cụ thể là, lượng khí thải từ các phương tiện này ước tăng sáu triệu tấn CO2. Giao thông tắc nghẽn ước tăng hơn 21%, tương đương việc mỗi người sẽ tốn thêm 11 phút bình quân đi làm mỗi ngày. Hoạt động giao hàng chặng cuối cũng gây ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là phân khúc vận tải hàng hóa, vốn chiếm khoảng hai phần ba số lượng xe giao hàng nội thành hiện nay.

Nhằm giảm tác động tiêu cực của thương mại điện tử đến môi trường, EU đã ban hành tiêu chuẩn về bao bì và vận chuyển cho các nhà bán lẻ trực tuyến, cụ thể là yêu cầu các nhà bán lẻ sử dụng bao bì tái chế và vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, rác thải bao bì từ hoạt động thương mại điện tử mới là mối lo lớn nhất. Theo số liệu từ Statista - một nền tảng trực tuyến chuyên về dữ liệu thị trường và người tiêu dùng - đưa ra vào tháng 3 năm nay, rác thải bao bì nhựa của thương mại điện tử toàn cầu đã lên tới một triệu tấn vào năm 2019. Con số này chắc chắn tăng theo thời gian; và rác thải bao bì cũng vậy!

Một báo cáo của Fast Company cho biết Mỹ mỗi năm có khoảng 165 tỉ gói hàng được vận chuyển tới tay người tiêu dùng, số lượng thùng carton dùng để đóng gói tương đương với hơn 1 tỉ cây xanh. Trước đây, một nhà sản xuất sẽ gửi một kiện hàng gồm nhiều sản phẩm tới cửa hàng bán lẻ, mở hộp và đóng lại hộp rỗng để tái chế. Nhưng ngày nay, từng sản phẩm sẽ được vận chuyển trực tiếp tới người tiêu dùng nhờ thương mại điện tử và nhà sản xuất phải làm hộp đựng cho từng sản phẩm. Các hộp này nhỏ hơn so với một kiện hàng to nhưng vấn đề là chúng hầu như không được tái chế!

Việt Nam dường như chưa có con số thống kê chi tiết nhưng chắc chắn không thể nằm ngoài diễn biến kể trên, nhất là khi đại dịch Covid-19 trong hai năm 2021-2022 đã góp phần tạo ra làn sóng tăng trưởng kinh doanh trực tuyến. Các doanh nghiệp vận chuyển cho biết, với những đơn hàng dễ vỡ, nhiều cửa hàng chèn xốp, đóng gói rất nhiều lớp, làm tăng lượng rác thải rất lớn ra môi trường. Bên cạnh đó, do tỷ lệ hàng móp méo nhiều nên các nhà bán hàng thay vì sử dụng bìa carton ba lớp thì phải dùng bìa năm lớp. Đặc biệt, tiêu chuẩn đóng gói của nước ta còn kém. Trong khi các nước phát triển có quy định về kích cỡ hộp đóng gói thì ở nước ta mỗi loại hàng đóng gói một kiểu.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), sáu tháng đầu năm 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Quy mô của thương mại điện tử được dự báo đạt 32-39 tỉ đô la vào năm 2025. Bên cạnh những tác động tích cực, sự phát triển của thương mại điện tử cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Quyết định 645/2020/QĐ-TTg đã đề ra mục tiêu tổng quát “Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững”. Tuy nhiên, kế hoạch này không nêu ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu tổng quát này. Tại Diễn đàn Bưu chính Thế giới diễn ra mới đây, chủ yếu vẫn là các nước phát triển như Pháp, Anh nói về bưu chính xanh, còn với các nước đang phát triển, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện tại, ở trong nước, một số doanh nghiệp thương mại điện tử và bưu chính, chuyển phát đã triển khai một số giải pháp nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Ví dụ: tiết giảm số lượng thùng carton và chuyển sang dùng 100% bao bì có thể tái chế; giảm thải rác thải nhựa; khuyến khích khách hàng chờ giao hàng chậm nhưng ít hại môi trường thay vì đẩy mạnh quảng bá hình thức giao hàng “ngay và luôn” để cạnh tranh với nhau…

Dù vậy giải pháp bền vững hơn có lẽ là cần bổ sung quy định “xanh” trong pháp luật về thương mại điện tử. Luật Thương mại điện tử năm 2018 của Trung Quốc có những điều khoản quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp thương mại điện tử phải tuân thủ các yêu cầu môi trường, sử dụng vật liệu đóng gói thân thiện. Luật này cũng ràng buộc trách nhiệm của Chính phủ và cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ phát triển hoạt động vận tải, kho bãi và đóng gói thân thiện với môi trường.

Nhằm giảm tác động tiêu cực của thương mại điện tử đến môi trường, EU đã ban hành tiêu chuẩn về bao bì và vận chuyển cho các nhà bán lẻ trực tuyến, cụ thể là yêu cầu các nhà bán lẻ sử dụng bao bì tái chế và vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện tiết kiệm năng lượng. Cùng với đó, EU yêu cầu các nhà bán lẻ trực tuyến phải thông tin rõ cho người tiêu dùng về những tác động đến môi trường để họ ra quyết định…

1 BÌNH LUẬN

  1. Tại sao giao chậm lại ít ảnh hưởng môi trường hơn giao ngay???
    1. Giao chậm thì Shop sẽ phải đóng gói nhiều lớp hơn, đối với hàng nặng và dễ bể vỡ thường bao gồm: 1 lớp nilon + 1 lớp bóng khí + 1 lớp thùng giấy + 1 tem nhãn. Chưa kể nếu hàng bể vỡ khách trả lại sẽ đóng gói thêm 1 lần nữa.
    Trong khi giao ngay hoặc mua tại CH thì ko cần đóng gói, chỉ cần bỏ vào bọc nilon là xong.
    2. Giao chậm sẽ phải đi qua 7749 quy trình và bưu cục của đơn vị vận chuyển, shipper chạy đi lấy hàng đưa về bưu cục > xe tải gom hàng đưa đi 3,4 bưu cục nữa > giao lại cho shipper đưa đi giao tới tay khách. Vừa tốn xăng, vừa gấp 4,5 lần lượng xe phải lưu thông và thải CO2
    Trong khi giao ngay thì shipper chạy thẳng 1 mạch tới chỗ khách là xong.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới