(KTSG Online) – Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chính sách thuế cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định mới, theo hướng khuyến khích, hỗ trợ người chuyên môn cao, sử hữu nhiều tài sản phát triển sản xuất - kinh doanh để đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Kịp thời, nhưng cần nâng cao tính hiệu lực
Bộ Tài chính đang hoàn thiện các nội dung sửa đổi tại dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), để kịp trình Quốc hội khoá XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10, dự kiến bắt đầu vào tháng 10-2025.
Việc sửa luật sẽ tập trung điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC), nhằm phàn ánh kịp thời mức sống của người dân và điều kiện vĩ mô. Các khoản chi phí đặc biệt, như giáo dục và y tế, có thể được bổ sung vào mức GTGC để hỗ trợ người dân.
Hơn nữa, biểu thuế cũng được nghiên cứu, thiết kế theo hướng thu gọn, đơn giản hơn, thay vì bảy bậc như hiện hành.

Đón nhận thông tin này, bà Vũ Thu Hà, Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế và pháp lý (Deloitte Việt Nam) nhận định việc điều chỉnh là thực sự cần thiết, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt đã thay đổi rõ rệt và biểu thuế suất lũy tiến, mức thu nhập tính thuế từng bậc của Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia đánh thuế TNCN cao tại khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, Cụ thể, mức thuế suất cao nhất của Việt Nam là 35%, trong khi tại Singapore là 24%, Malaysia và Myanmar là 30%.
“Dữ liệu của Numbeo cho thấy chi phí sinh hoạt hàng tháng tại Hà Nội ước khoảng 12,6 triệu đồng với mỗi người độc thân, 43,9 triệu đồng mỗi hộ gia đình có bốn người tính tới tháng 6-2025, chưa gồm tiền thuê nhà. Trong khi tổng mức GTGC cho một gia đình bốn người chỉ 30,8 triệu đồng mỗi tháng” bà Hà nói và cho rằng mức GTGC hiện tại không còn phù hợp với cuộc sống tại thành phố lớn.
Hướng tới một chính sách thuế phù hợp trong dài hạn, chuyên gia này cho rằng bên cạnh việc giảm trừ chi phí khám sức khỏe và tiền học, có thể cân nhắc áp dụng những mức giảm trừ khác nhau cho người phụ thuộc, dựa vào độ tuổi, khả năng lao động, mức thu nhập và địa bàn sinh sống.
Một yếu tố cũng cần lưu tâm là bổ sung thêm một số thành tố khác vào nhóm tiêu chí đánh giá mức GTGC định kỳ 1-2 năm một lần, như: lương tối thiểu vùng, mức tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, mức thu nhập bình quân đầu người theo khu vực, chi tiêu hộ gia đình, tỷ lệ lạm phát dự kiến hàng năm.
Theo bà Hà, cơ quan quản soạn thảo có thể tham khảo mức tham chiếu - là mức tiền do Chính phủ quyết định, dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội – quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 158/2025.
“Khi mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu được Chính phủ điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Do vậy, Luật thuế TNCN cũng nên xem xét mức tham chiếu tương tự để Chính phủ có thể quyết định và điều chỉnh phù hợp theo tình hình phát triển kinh tế xã hội từng thời kỳ”, bà Hà lưu ý.
Bổ sung, PGS.TS Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết nhóm có thu nhập khoảng 18-23 triệu đồng mỗi tháng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lực lượng lao động. Do đó, cần xác định mức thu nhập nào được coi là cao để bắt đầu áp thuế khi xây dựng chính sách. Bởi nếu xác định sai, có thể khiến người lao động thu nhập trung bình phải chịu thuế suất cao, gây áp lực tài chính lớn.
“Mức thu nhập bị đánh thuế cao nên cân nhắc được điều chỉnh từ 20-25 triệu đồng mỗi tháng để phản ánh đúng thực trạng thu nhập và tránh đánh thuế nặng vào nhóm thu nhập trung lưu, tạo sự ổn định theo thời gian bên cạnh tập trung quản lý nhóm siêu giàu”, ông Nghị đề xuất.
Về thang bậc tính thuế, Thay vì mức thuế suất khởi điểm từ 5% với thu nhập 5 triệu đồng, có thể thiết lập lại với hệ số giãn cách là hai. Cụ thể:
Bậc | Khoảng thu nhập (đvt: triệu đồng) | Thuế suất (đvt: %) |
1 | 0-10 | 5 |
2 | 10-30 | 10 |
3 | 30-70 | 15 |
4 | 70-150 | 20 |
5 | >150 | 25 |
“Mức thuế suất nên tối đa là 25% đối với Việt Nam để tạo động lực cho người lao động trong bối cảnh thu nhập bình quân không cao, nền kinh tế cần tích lũy và đầu tư, thuế TNDN đang ở mức 20%”, ông Nghị giải thích.
Hướng tới thu hút nhân tài, người thu nhập cao đóng góp cho xã hội
Bên cạnh việc bảo đảm đời sống nhân dân, một điểm mới trong lần sửa luật này là cơ quan soạn thảo sẽ xác định các khoản thu nhập chịu thuế, miễn thuế tại một số lĩnh vực như phát triển nhân lực công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng xanh... để thu hút nhân tài.

Qua nghiên cứu về các cơ chế ưu đãi, miễn giảm thuế TNCN cho các cá nhân, chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, bà Vũ Thu Hà cho rằng bên cạnh việc xem xét xây dựng một biểu thuế TNCN hấp dẫn, cơ quan quản lý và lập pháp cũng có thể kham khảo kinh nghiệp từ một số quốc gia khác và cân nhắc áp dụng các cơ chế ưu đãi miễn, giảm thuế TNCN cho các chuyên gia, nhà khoa học.
Chẳng hạn, tại Hà Lan, Chính phủ xây dựng cơ chế “30% tax ruling” (tạm dịch là cơ chế giảm trừ thuế 30%) nhằm thu hút chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Theo đó, chuyên gia nước ngoài, với các chuyên môn và trình độ đặc biệt, sẽ được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế trực tiếp trên 30% thu nhập từ tiền lương tiền công trong 20 tháng đầu tiên và giảm dần về 10% thu nhập trong thời hạn kéo dài năm năm.
Ngoài ra, có thể kết hợp thêm chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và các ngành công nghệ cao khác. Tại Hàn Quốc, Chính phủ đã ban hành cơ chế để các doanh nghiệp trong các lĩnh vực trọng điểm, gồm vi mạch bán dẫn, có thể được giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên mức độ đầu tư.
Mở rộng vấn đề ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI), trong xu hướng mức chịu thuế TNDN giảm dần để khuyến khích doanh nghiệp phát triển, thì mức chịu thuế TNCN phải giảm tương ứng. Việc này góp phần hạn chế rủi ro chủ doanh nghiệp và nhân sự cấp cao chuyển phần thu nhập của họ vào chi phí của doanh nghiệp, để giảm phần thu nhập phải đóng thuế.
“Dòng thu nhập hàng năm của những người giàu thường chỉ ở mức vừa phải, do doanh nghiệp dùng phần lớn lợi nhuận để chi đầu tư phát triển, thay vì chi trả cổ tức ở mức cao. Trong trường hợp đánh thuế quá cao, sẽ gây ảnh hưởng tới những người làm chuyên môn, nắm giữ tài sản có giá trị thấp hơn, nhưng có dòng thu nhập hàng năm ở mức cao”, ông Minh lưu ý.
Bên cạnh đó, chuyên gia này gợi ý giải pháp đánh thuế người thu nhập cao ở ngưỡng nhất định nhằm khuyến khích nhóm này phát triển. Thậm chí, miễn, hoặc giảm một phần thuế nếu họ chi tiền cho hoạt động từ thiện.
“Chính phủ sẽ khuyến khích nhóm này tham gia hoạt động kinh doanh, thành lập các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là cách gián tiếp khuyến khích sự phát triển của khu vực này, nhờ sự tham gia của nhiều người có chuyên môn cao, qua đó phát triển kinh tế. Đây là triết lý của các quốc gia thực hiện giảm thuế cho người thu nhập cao”, ông Minh nói.