Bà Rịa-Vũng Tàu hội tụ đầy đủ lợi thế để trở thành trung tâm ngành công nghiệp hóa dầu của Việt Nam và khu vực. Do đó, cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ từ thượng nguồn đến hạ nguồn, đồng thời hình thành tổ hợp, KCN hóa chất chuyên sâu và những giải pháp để lĩnh vực này "bứt phá", tiếp tục đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của tỉnh trong tương lai.
Đó là những nhận định được nêu ra tại hội nghị Kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm hóa dầu giữa DN sản xuất với DN trung và hạ nguồn do UBND tỉnh tổ chức, chiều 15-12.
Bà Rịa-Vũng Tàu hội tụ nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp hóa dầu
Tại hội thảo, ông Thanwa Udom-Piriyasak, Giám đốc thương mại của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) nhận định, Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi hoàn hảo để phát triển thành trung tâm hóa dầu của Việt Nam. Đầu tiên là vị trí địa lý lý tưởng, hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, trong đó có hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải. Nguồn điện và nước đầy đủ, ổn định cũng rất quan trọng cho ngành công nghiệp hóa dầu.
“Một điểm quan trọng là với môi trường sống lý tưởng, các DN trong tỉnh có điều kiện và sức hút với lực lượng lao động có tay nghề cao. Sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền cũng giúp cho DN, nhà đầu tư có điều kiện phát triển thuận lợi. Các nhà đầu tư lớn như LSP, Hyosung Vina Chemical, AGG Chemical đang đầu tư vào tỉnh các dự án hơn 6 tỉ đô la Mỹ là minh chứng”, ông Thanwa Udom-Piriyasak nhận định.
Còn ông Toshio Kazama, cố vấn của Japan Desk tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ cho biết, trong những năm gần đây, việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh đã hỗ trợ tăng cường chuỗi cung ứng tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải DN có có thể nhập nguyên liệu thô từ nước ngoài qua cảng container, cảng hàng lỏng, cảng tổng hợp/hàng rời hoặc LNG/LPG. Khi đó, các nhà máy trong các khu công nghiệp gần cảng có thể sản xuất, gia công các nguyên liệu cơ bản, các sản phẩm hạ nguồn hóa dầu như PP, PE hay các sản phẩm thép hoặc thậm chí sản xuất điện từ nhà máy điện LNG. Từ đó, các nguyên liệu, hóa chất cơ bản từ các công ty này sẽ cung cấp cho các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn các tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… để sản xuất, lắp ráp thành phẩm cuối cùng. Sau đó, những thành phẩm này lại được đưa về cảng CMTV để xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, công nghiệp hóa chất và sản phẩm hóa chất có tỷ trọng cao trong hoạt động trong ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn trong KCN với tổng vốn đầu tư 646,5 triệu đô la Mỹ (FDI) và 13.273 tỉ đồng (vốn trong nước). Đặc biệt hơn, Bà Rịa-Vũng Tàu có 2 dự án “siêu lớn” trong lĩnh vực này là Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (vốn đầu tư 5,4 tỉ đô la Mỹ) và nhà máy nhà máy Polypropylene và kho ngầm chứa LPG của Hyosung (vốn đầu tư 1,3 tỉ đô la Mỹ).
Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, tỉnh định hướng tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu, đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, trong đó có công nghiệp hóa dầu, sản phẩm hạ nguồn của hóa dầu. “Các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập ttrung trong KCN, có hệ thống xử lý nước thải đúng quy định. Quan điểm của tỉnh là hình thành các KCN hóa chất chuyên sâu, tổ hợp công nghiệp hóa chất với quy mô lớn, hiện đại, an toàn theo hướng hóa học xanh và kinh tế tuần hoàn”, ông Lê Văn Danh thông tin.
Tạo ra chuỗi liên kết và lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm hóa dầu nội địa
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương nhận định, tỷ lệ nội địa hoá của các DN lĩnh vực sản xuất hóa dầu tại vùng kinh tế phía Nam còn thấp, chưa hình thành được chuỗi cung ứng xuyên suốt từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn. Hiện nay, dự án của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có khả năng đáp ứng cho các dự án trong khu vực, nơi tập trung các ngành công nghiệp nhẹ trong Vùng kinh tế phía Nam.
Còn theo một số DN, cần có những chính sách để hỗ trợ các DN đang sản xuất trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Bà Đinh Thị Mỹ Huyền, Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina dự báo, với ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, nhu cầu về hạt nhựa PP được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, các DN sản xuất trong nước đang chịu sự cạnh tranh lớn từ hàng nhập khẩu. Cụ thể, mức thuế cho nhựa PP vào Việt Nam là rất thấp, khiến các nhà sản xuất trong nước mất đi lợi thế cạnh tranh. Điều này về lâu dài làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành nhựa Việt Nam và lệ thuộc vào nước ngoài.
Bà Mỹ Huyền cho biết: “Do đó, DN mong lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Chính phủ tăng mức thuế nhập khẩu các mặt hàng PP để tạo lợi thế cạnh tranh cho DN nội địa; có chính sách đột phá thúc đẩy xuất khẩu hạt nhựa cũng như khuyến khích DN sản xuất trên địa bàn tỉnh sử dụng sản phẩm nội địa”.
Còn theo TS. Huỳnh Minh Thuận, chuyên gia lọc hóa dầu-Đại học Dầu khí Việt Nam, ở khâu thượng nguồn, tỉnh cần tiếp tục thu hút các nhà máy sản xuất nguyên liệu hóa dầu để bảo đảm chuỗi cung ứng nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đồng thời, tỉnh có thể phát triển các sản phẩm hóa dầu phù hợp mới phù hợp điều kiện sản xuất hiện có của địa phương hoặc có tiềm năng lớn về thị trường tiêu thụ như các loại keo dán, cao su, hóa chất, phân bón thông minh, hữu cơ. Ở khâu hạ nguồn, tỉnh có thể mở rộng chuỗi giá trị phát triển các sản phẩm sau hóa dầu có nhu cầu lớn trên thị trường như các loại bao bì, vật liệu dùng trong xây dựng, đồ nội thất từ các nguyên liệu có sẵn tại địa phương.