(KTSG Online) - Dù là cảng biển quan trọng, kết nối giao thương đường thủy của các tỉnh Nam bộ, song Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn chưa được khai thác đúng, cần xây dựng chính sách phù hợp để "mở khóa" hết tiềm năng.
- Ngành gỗ xuất khẩu hơn 9 tỉ đô la Mỹ trong 7 tháng
- Bà Rịa-Vũng Tàu: nghiên cứu bổ sung vật liệu sang lấp từ dự án vét hồ
Trang thông tin điện tử Logistics Việt Nam đưa tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, 80% lượng container thông qua khu vực Cái Mép - Thị Vải lại được vận chuyển về các cảng đích tại TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Hoàng Hồng Giang đề xuất cần đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, tăng cường kết nối với TPHCM và các tỉnh lân cận để thu hút vốn đầu tư và hàng hóa.
Theo chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn, việc phân chia nhỏ các bến cảng cũng đang hạn chế khả năng tiếp nhận tàu, giảm hiệu quả hoạt động.
Hiện, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải gồm 6 cảng riêng lẻ, phân bố rải rác với các bến nhỏ dài khoảng 600 m. Đa số các bến đều đang hoạt động độc lập với 12 cổng ra vào.
Theo các chuyên gia, để phát huy tối đa tiềm năng, Cái Mép – Thị Vải cần khắc phục tình trạng trên bằng cách liên kết chặt chẽ các bến cảng, có một chính sách thống nhất, tạo ra cảng tổng hợp có quy mô lớn, hiện đại hơn.
Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng thông tư mới, đơn giản hóa thủ tục với hàng hóa nội địa trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và rút ngắn thời gian thông quan.
Đồng thời, dựa trên ý kiến của các bộ, ngành và doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung quy định, quy trình quản lý hàng hóa qua các cảng thống nhất trên toàn quốc, tối giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cơ quan này cũng sẽ kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp cảng bằng hệ thống kỹ thuật, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình quản lý. Bên cạnh đó, nhà quản lý cũng xây dựng hệ thống tự động cập nhật tình trạng hàng hóa xuất nhập khẩu dựa trên dữ liệu từ cảng, tích hợp các thiết bị kỹ thuật để giám sát trực tuyến.