(KTSG Online) - Việc thúc đẩy các doanh nghiệp dược trong nước hợp tác các “ông lớn” ngành dược trên thế giới để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dược - sinh học, sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn thuốc chữa bệnh trong bối cảnh rủi ro dịch bệnh trên toàn cầu vẫn hiện hữu.
- Chủ tịch Newtechco Group: Thời điểm tốt để thu hút đầu tư phát triển dược phẩm
- Nhiều doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ muốn đầu tư vào Việt Nam
Ngành dược Việt Nam trước 'bước ngoặt' toàn cầu hoá
Chiều nay (31-7), tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã phối hợp cùng Tập đoàn Newtechco tổ chức tọa đàm "Công nghiệp Dược Việt Nam và hành trình tham gia toàn cầu hóa".
PGS. TS. Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, công nghiệp dược Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Thách thức đầu tiên và khó vượt qua nhất là cơ sở vật chất - kỹ thuật - công nghệ còn thấp, với chỉ 17/250 nhà máy đạt GMP tiên tiến (EU, PIC/S, JAPAN, TGA), hơn 200 nhà máy còn lại đã đạt WHO GMP nhưng không có nhà máy nào được WHO tiền thẩm định (WHO pre-qualification). Điều này khiến các nhà máy chưa thể tham gia đấu thầu và cung cấp thuốc cho các chương trình y tế toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
“Đây là yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất gia công và sản xuất theo hợp đồng”, ông Truyền nói.
Chẳng hạn, thị trường Nhật Bản chiếm 23,7% tổng kim ngạch xuất khẩu dược phẩm hàng năm của Việt Nam nhưng phần lớn trong giá trị dược phẩm xuất khẩu sang thị trường này tới từ các nhà máy có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản.
“Họ sản xuất dược phẩm ở Việt Nam và đem về Nhật Bản”, ông nói.
Về năng lực tài chính, đa số các công ty dược phẩm trong nước có quy mô nhỏ, với tổng vốn đầu tư xây dựng nhà máy chỉ khoảng 500-1.000 tỉ đồng trong khi yêu cầu với nhà máy dược - sinh học cao hơn con số này.
“Chưa có tập đoàn dược phẩm quốc gia khiến việc đầu tư dự án lớn rất khó. Điều này khiến tôi suy nghĩ: ‘liệu Vinapharm có thể trở thành tập đoàn dược phẩm quốc gia không?’. Nếu không, 250 doanh nghiệp buộc phải tự đầu tư ở quy mô chấp nhận được”, ông Truyền nói.
Về hoạt động nghiên cứu - sản xuất, việc chưa có các KCN dược - sinh học tập trung với một hệ sinh thái, gồm trung tâm R&D; thử nghiệm BA/BE; thử nghiệm lâm sàng; kiểm nghiệm; nhà máy sản xuất dược phẩm, bao bì đóng gói; các trung tâm cung cấp dịch vụ liên quan, đặc thù cho công nghiệp dược phẩm cũng là một điểm yếu của Việt Nam.
“Các hãng dược hàng đầu rất muốn chuyển giao phát minh mới về Việt Nam nhưng cần một KCN dược – sinh học và các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn”, bà Võ Thị Tuấn Anh, Chủ tịch Newtechco Group nói.
Cơ hội nào cho ngành dược Việt Nam?
Đứng trước những thách thức này, PGS. TS Lê Văn Truyền cho rằng, cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy dược phẩm hiện có. Đồng thời, cơ quan quản lý cần hỗ trợ các doanh nghiệp dược xây dựng nhà máy mới, đặc biệt các nhà máy sản xuất thuốc sinh học/sinh học tương tự.
Bà Trần Thị Thư, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam (VNPCA), cho rằng các chính sách của Nhà nước, như Quyết định 376/QĐ-TTg của Thủ tướng về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rất rõ về quan điểm, mục tiêu và lộ trình phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng nội lực để vươn lên.
“Có thể tận dụng nguồn lực qua hợp tác đầu tư, thu hút nguồn lực từ các công ty đa quốc gia, nhà phát triển sản phẩm dược tiên tiến”, bà Thư nói và gợi ý doanh nghiệp nên tận dụng các FTA nhằm hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài, qua đó sản xuất dược phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao.
Bà cũng khuyến nghị, doanh nghiệp nên dựa vào định hướng của Chính phủ, ngành và địa phương để xây dựng kế hoạch và nguồn lực từ ngắn hạn đến dài hạn, đồng thời cơ cấu lại danh mục đầu tư phù hợp theo thế mạnh và phân khúc hướng tới.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất sản phẩm chủ lực, tránh trùng lặp với doanh nghiệp khác có thế mạnh và dây chuyền sản xuất hiện đại hơn. Doanh nghiệp mới thành lập/doanh nghiệp EU – GMP có thể hướng tới phân khúc thị trường ETC với sản phẩm thuốc chuyên khoa, thuốc đặc trị, biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tham vấn kỹ lưỡng với các cơ quan quản lý và chuyên gia, tránh vấp phải sai lầm như một số đơn vị trong quá khứ.
Về dài hạn, bà Võ Thị Tuấn Anh, Chủ tịch Newtechco Group cho biết, trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp ngành dược có tiềm lực tài chính thấp và phân tán tài nguyên như hiện nay thì việc xây dựng hệ sinh thái từ nghiên cứu sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất các sản phẩm dược đến phát triển các kênh phân phối rộng khắp là rất cần thiết.
Theo đó, tập đoàn đã dành nguồn lực tài chính và mời gọi nhà đầu tư quốc tế, chuyên gia công nghệ tham gia đầu tư vào dự án Khu công nghiệp dược - sinh học tại tỉnh Thái Bình. Đây sẽ là dự án đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho không gian phát triển ngành dược - sinh học, là nơi hội tụ các chuyên gia về công nghệ sinh học và hóa dược phẩm, đầu tư sản xuất, chuyển giao công nghệ, giáo dục - đào tạo và ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của ngành dược - sinh học Việt Nam. Hiện thủ tục thực hiện dự án đang được thực hiện, dự kiến năm 2025 có thể khởi công và xúc tiến đầu tư.
Chiều nay (31-7), tại trụ sở Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có buổi làm việc với liên danh các nhà đầu tư của dự án Khu công nghiệp (KCN) dược - sinh học tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Các nhà đầu tư trong liên danh gồm Quỹ Makara Capital Partners Pte.,Ltd, Sakae Corporate Advisory Pte., Ltd và Công ty cổ phần Newtechco Group. Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 150-200 triệu đô la Mỹ. Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án thứ cấp dự kiến khoảng 2,8 tỉ đô la.
Ông Ali Ijaz Ahmad, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Makara Capital cho biết, liên danh các nhà đầu tư đã làm việc với đối tác liên quan về việc thu hút đầu tư thứ cấp trong KCN. Đến năm 2025, nhà đầu tư có thể khởi công và xúc tiến đầu tư vào khu này.
Ông Douglas Foo, Chủ tịch Sakae Holdings cho biết, KCN không chỉ cung cấp thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ tại Việt Nam mà sẽ hướng đến việc sản xuất các sản phẩm dược có giá trị cao để xuất khẩu sang các nước trong ASEAN. Việc này sẽ được thực hiện qua các thương vụ hợp tác, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về y tế.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện một số doanh nghiệp Đức như Cermed GmbH và RadioVaxX GmbH, cho biết muốn thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phương pháp điều trị ung thư, các loại thuốc mới để hỗ trợ điều trị cho người bệnh tại Việt Nam, xây dựng trung tâm quốc tế về ưng thư tuyến giáp tương tự như mô hình đã triển khai ở nhiều quốc gia như Đức, Nam Phi và Ấn Độ.
Phản hồi ý kiến của các nhà đầu tư, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị liên danh nhà đầu tư nghiên cứu, xây dựng thêm các trung tâm nghiên cứu phòng bệnh.
Hoàng Thắng