(KTSG Online) - Bộ Tài chính vừa hoàn thành dự thảo nghị định trình Chính phủ về quy định quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý. Nghị định này ra đời sẽ thiết lập hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng và khai thác các loại tài sản công, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Nghị quyết về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT
- Mâu thuẫn về quản lý BĐS trong Luật quản lý tài sản công
Bộ Tài chính cho biết, sự hình thành quỹ nhà chuyên dùng được bắt nguồn từ việc tiếp quản các quỹ nhà sau năm 1954 và 1975, được xác lập quyền sở hữu toàn dân, sau đó Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý để cho thuê.
Một phần nhà, đất được hình thành sau này do tiếp nhận quỹ nhà, đất dôi dư khi Nhà nước thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất hoặc tiếp nhận từ các chủ đầu tư để bố trí cho các đơn vị của tỉnh, thành phố sử dụng, cho các tổ chức, cá nhân thuê làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Vì thế đến nay, khối lượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên cả nước rất lớn, 31/63 địa phương có quỹ nhà, đất giao cho các tổ chức khác nhau quản lý (doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước) để khai thác, cho thuê hoặc tạm quản lý với 87.664 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất là 23.706.619 m2, tổng diện tích sàn là 5.237.139,6 m2.
Nhiều năm qua, dù pháp luật chuyên ngành đã có quy định về nguyên tắc quản lý chung cho nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, nhưng chưa có quy định riêng đối với việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng hiện giao cho các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý.
Bên cạnh đó, quỹ nhà, đất công qua nhiều năm, nhiều cấp, nhiều ngành quản lý sử dụng, hồ sơ nhà đất bị thất lạc hoặc không đầy đủ, công tác quản lý bị buông lỏng trong thời gian dài cũng khiến các địa phương lúng túng trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và xử lý đối với quỹ nhà, đất công.
Hệ quả của những bất cập đó dẫn đến nhiều cơ sở nhà, đất sau khi thu hồi hoặc chuyển giao về địa phương quản lý đã chưa thể xử lý được ngay do phải điều chỉnh quy hoạch. Số lượng cơ sở sử dụng không đúng mục đích cũng khá lớn như cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở, song các đơn vị quản lý tài sản vẫn đề xuất phương án giữ lại tiếp tục sử dụng, hoặc đưa ra các phương án để đối phó nhằm giữ lại mặt bằng cho đơn vị, khiến việc rà soát xử lý, sắp xếp mất nhiều thời gian.
Có một số đơn vị cũng chưa quan tâm đến việc triển khai thực hiện phương án sắp xếp đã được Bộ Tài chính và địa phương phê duyệt nên còn cho thuê, liên doanh liên kết, để trống hoặc chưa di dời xong hộ dân ở trong khuôn viên trụ sở làm việc v.v...
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, dự thảo nghị định lần này quy định cụ thể đối tượng áp dụng là UBND cấp tỉnh, cơ quan giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Trong đó, để bảo đảm quỹ nhà, đất được quản lý chặt chẽ, bảo đảm tính chất “công”, dự thảo quy định tổ chức được giao quản lý, khai thác quỹ nhà, đất này phải là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp hiện có do UBND cấp tỉnh nắm giữ 100% vốn điều lệ. Không thành lập mới tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà. Việc giao tài sản được thực hiện theo hình thức ghi tăng tài sản, không ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Sau khi nghị định được ban hành, các địa phương phải nắm được tổng thể quỹ nhà, đất làm cơ sở quyết định tiếp tục giữ lại để quản lý, khai thác, cho thuê hay dự trữ phục vụ các nhu cầu của địa phương; hoặc xử lý bán, chuyển nhượng để thu tiền cho ngân sách nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, dự thảo cũng quy định các nguyên tắc về quỹ nhà, đất do UBND cấp tỉnh giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý; xác định UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý quỹ nhà, đất này ở địa phương. Các Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan được thực hiện theo quy định tại nghị định này và phân công, phân cấp của UBND cấp tỉnh.
Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương có trách nhiệm quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất được giao theo quy định tại nghị định, đảm bảo duy trì và phát triển quỹ nhà, đất được giao, không làm thất thoát tài sản. Tổ chức, cá nhân được thuê nhà phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết; nộp tiền thuê nhà, đất đầy đủ, đúng hạn, trả lại nhà, đất khi hết thời hạn thuê hoặc để xử lý theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.
Theo Bộ Tài chính và TTXVN