(KTSG Online) – Nhu cầu về tín chỉ carbon có xu hướng tăng lên trong bối cảnh nhiều quốc gia cam kết về lộ trình giảm phát thải ròng về mức 0 (Net Zero), và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu xây dựng thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng có ba rào cản lớn cần phải vượt qua.
- Thị trường tín chỉ carbon: Tiềm năng không chỉ đến từ ‘rừng vàng biển bạc’
- Tiềm năng từ mua bán tín chỉ carbon: ai chi tiền ai thu lợi?
Tín chỉ carbon của tôi trị giá bao nhiêu?
Khi được giao dịch trên thị trường, tín chỉ carbon trở thành một loại hàng hóa, nhưng để xác định chất lượng hàng hóa này thì không hề dễ dàng. Hầu hết các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực phát triển bền vững, đều đánh giá rằng việc khó khăn nhất trong câu chuyện xây dựng thị trường tín chỉ carbon là định giá tín chỉ carbon đó.
“Tín chỉ carbon sẽ dựa trên cơ sở hoạt động phát thải khí nhà kính. Nếu anh thay đổi hoạt động để giảm thải thì có thể quy thành tín chỉ carbon. Tín chỉ này phải đủ chất lượng, được xác nhận thì mới có thể thành hàng hóa. Khi thị trường nhiều bên tham gia, nhiều quy trình thì sẽ rất phức tạp”, TS. Phạm Khánh Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), Giám đốc Trung tâm Môi trường cho Phát triển Việt Nam (EfD-Vietnam), Đại học UEH, bình luận.
Việc định giá gặp khó còn nằm ở chỗ đánh giá và xác minh giá trị tín chỉ carbon đó theo từng năm, vì chất lượng tài nguyên còn thay đổi tương đối theo thời gian. Chẳng hạn, các nhà khoa học có thể tín ra một héc-ta rừng ngập mặn có thể hấp thụ bao nhiêu carbon, nhưng vấn đề là phải theo dõi hàng năm vì biết đâu rằng đến năm sau cây bị chặt để nuôi tôm, hay chỉ đơn giản một cơn bão đi ngang qua làm cả mảnh rừng biến mất?
“Vấn đề của Việt Nam là nhiều khi có dự án nhưng không được hoặc rất khó xác minh”, TS. Nam nhìn nhận. Bài toán này sẽ được giải quyết bằng việc hình thành các tổ chức trung gian, chuyên đi đánh giá và xác minh tín chỉ carbon.
Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch của Công ty kiểm toán và tư PwC Việt Nam, định giá tín chỉ carbon là một câu chuyện rất phức tạp, ngay cả trên thị trường quốc tế. Muốn “dư thừa” hạn ngạch phát thải để đóng gói và đem bán tín chỉ carbon trên thị trường, doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ, rồi phải tính toán xem liệu đầu tư xong thì có thể bán được tín chỉ carbon này hay không và bán với giá bao nhiêu. Vấn đề nằm ở chỗ giá bán mà doanh nghiệp mong muốn chưa chắc đã được các bên mua đồng ý, nhưng nếu bán thấp quá thì doanh nghiệp lại không có động cơ để đầu tư, dễ dẫn đến cái vòng luẩn quẩn.
Tôi có mua bán tín chỉ được hay không?
Phát hành tín chỉ carbon có thể thấy ở rất nhiều hoạt động liên quan đến tài nguyên (sử dụng thủy điện năng lượng tái tạo thay nhiệt điện, xử lý rác thải, cải tiến kỹ thuật canh tác lúa,…), tuy nhiên, điểm mấu chốt vẫn là số lượng tín chỉ này có ai mua hay không? Hiện nay đa phần đều là dự án thí điểm, các tín chỉ carbon mang bắt buộc ở quy mô quốc gia và tín chỉ carbon tự nguyện ở một số tập đoàn, chứ chưa hình thành được thị trường mua bán.
Một điểm nhấn có thể kể đến gần đây là Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA vùng Bắc Trung Bộ) giai đoạn 2018-2024. Sau hai năm ký kết, đến cuối năm 2022 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 107 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính ERPA.
Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 và bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 (nếu có) tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ cho Quỹ Đối tác Carbon Lâm nghiệp (FCPF) với tổng số tiền 51,5 triệu đô la. Ngược lại, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD - thuộc World Bank) sẽ chuyển cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khoảng 95% lượng giảm phát thải ký kết và lượng bổ sung (nếu có) để sử dụng cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam (tức cam kết giảm khí thải nhà kính của quốc gia).
Đây được đánh giá là chính sách quan trọng giúp tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng được hưởng lợi từ dịch vụ giảm phát thải khí nhà kính từ rừng. Theo đó, nhóm cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân được chi trả 68,4%, tương đương 35,22 triệu đô la.
Bên cạnh việc chuyển nhượng, các hoạt động “phái sinh” có thể có như huy động thêm nguồn vốn cho nhà sản xuất từ trái phiếu liên kết bền vững, các hoạt động tín dụng xanh,… sẽ giúp cho thị trường trở nên sôi động hơn, huy động được nhiều người tham gia vì mang đến lợi ích thực sự cho tất cả các bên.
Theo đại diện PwC Việt Nam, việc có thị trường giao dịch tín chỉ carbon là đặc biệt quan trọng. Vì khi có thị trường, các doanh nghiệp mới có thể xác lập được kế hoạch đầu tư, trong tương lai, thậm chí tính toán được phần doanh thu có thể có từ việc bán tín chỉ carbon.
Tuy nhiên, mấu chốt của việc xây dựng thị trường giao dịch nằm ở chỗ tiêu chuẩn của tín chỉ carbon đó. Đây là vấn đề khó khăn mà thế giới đối diện, ngay cả ở thị trường quốc tế thì thị trường carbon vẫn chỉ hoạt động trong lĩnh vực hẹp, chủ yếu ở nhóm đối tượng là quốc gia.
Việc xác định tiêu chuẩn là rất quan trọng vì nếu không đúng chuẩn thì không bán được cho thế giới, mà ở thị trường trong nước nguồn nhu cầu là có nhưng nguồn lực tài chính thì khó mà cung cấp cho thị trường. “Đối với thị trường tín chỉ carbon bắt buộc thì Việt Nam nên theo tiêu chuẩn chung của quốc tế. Đây là cuộc chơi toàn cầu, phải theo tiêu chuẩn quốc tế và minh bạch thì mới trao đổi mua bán được”, ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG của tập đoàn VinaCapital nói.
Tôi được xả thải bao nhiêu?
Thế giới có hai hình thức để quản lý phát thải. Một là hệ thống giao dịch phát thải (ETS), cho phép người phát thải thấp hơn bán các hạn ngạch (hay tín chỉ carbon) cho những người phát thải cao hơn, giá thị trường từ đó sẽ được thiết lập. Cách thức thứ hai là sự can thiệp trực tiếp của chính phủ khi đánh thuế carbon đối với khí thải.
Hệ thống ETS hoạt động theo nguyên tắc đặt ra hạn mức giới hạn đối với tổng lượng phát thải của một doanh nghiệp, một hay nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Theo lý thuyết, hạn mức này sẽ giảm dần theo thời gian để có thể đảm bảo tính hiệu quả của hệ thống.
Từ đó, việc xây dựng hệ thống này có hai điểm đáng chú ý. Một là đặt ra hạn mức là bao nhiêu và hai là phân bổ chúng như thế nào cho hợp lý. Hai là hạn ngạch được phân bổ miễn phí hay phải đấu giá, cơ chế giao dịch sẽ như thế nào?
Nhìn chung, việc xây dựng định mức phát thải tiêu chuẩn cho từng lĩnh vực, từng cơ sở là không hề dễ dàng, vì thực tế có một số ngành rất khó để đo lường lượng phát thải.
Mặt khác, nếu yêu cầu về hạn ngạch quá cao thì ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa đủ “giàu” thì khó mà “sạch” được. Còn nếu yêu cầu quá thấp thì lại gây hiệu ứng ngược khi doanh nghiệp không có động cơ giảm thải, và lộ trình Net-zero từ đó cũng bị ảnh hưởng theo.
Bản chất của hệ thống kiểm soát phát thải là buộc các doanh nghiệp phải tăng đầu tư vào công nghệ sản xuất để giảm phát thải trong dài hạn, hoặc có cơ chế để doanh nghiệp tối ưu chi phí giảm phát thải nếu khó đầu tư trong ngắn hạn.
Rắc rối có thể nằm ở việc một công ty thay vì đầu tư vào công nghệ sản xuất để giảm phát thải trong dài hạn, thì lại ưu tiên chi tiền để mua thêm hạn ngạch hay tín chỉ carbon từ thị trường tự nguyện. Thực tế cũng cho thấy trong quá khứ ở khu vực châu Âu, đã có trường hợp hạn ngạch phát thải cũng như số lượng hạn ngạch dư thừa tăng lên, dẫn đến việc các doanh nghiệp không có động cơ đổi mới công nghệ sản xuất mà chỉ mua bán trên thị trường là đủ.
Theo World Bank, việc áp dụng hệ thống ETS và thuế carbon đang gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi. Ngày càng có thêm nhiều quốc gia triển khai các công cụ định giá carbon mới. Chẳng hạn như Úc dự kiến bắt đầu hệ thống ETS vào tháng 7-2023, trong khi các quốc gia như Chile, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan tiếp tục nỗ lực thực hiện định giá carbon trực tiếp.
Đầu năm 2022, Chính phủ đưa ra danh mục lĩnh vực hoạt động và 1.912 cơ sở sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, được xác định dựa trên các tiêu chí như mức độ tiêu thụ năng lượng. Danh sách không chỉ có tên các nhà máy sản xuất ở địa phương, các lĩnh vực như điện, gang thép, may mặc, điện tử,… mà còn là các tòa nhà, trung tâm thương mại, khách sạn.
Hoạt động “đo đạc” này là bước đầu tiên trong lộ trình xây dựng hệ thống giao dịch tín chỉ carbon, vốn còn rất mới với nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ còn chưa tới 5 năm để vận hành thị trường tín chỉ carbon chính thức là một mục tiêu rất thách thức.