Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xe buýt tại TPHCM ngày càng vắng khách

Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – TPHCM có 126 tuyến xe buýt với gần 2.100 xe hoạt động. Cơ quan quản lý hạ tầng giao thông cũng đã tập trung khá nhiều cho giao thông công cộng nhưng lượng khách sử dụng loại hình vận tải này đang giảm qua các năm.

Hành khách đón xe buýt ở trạm trung chuyển trên đường Hàm Nghi, quận 1, TPHCM. Ảnh: MH

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT), từ năm 2014 đến nay, lượng khách đi xe buýt giảm dần theo từng năm. Trong giai đoạn 2014-2018, lượng khách đi xe buýt giảm bình quân 6,65%/năm.

Đến năm 2019, lượng khách sử dụng xe buýt đạt khoảng 255 triệu lượt, giảm 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt hành khách so với năm 2018. Năm 2020, lượng khách chỉ còn hơn 148 triệu lượt. Năm 2021 lại giảm mạnh hơn, còn có 53 triệu lượt. Tình hình trong 5 tháng đầu năm nay cũng không mấy sáng sủa.

Trao đổi với KTSG Online, một số người dân cho biết, rất ủng hộ việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhưng loại hình vận tải này hiện vẫn còn nhiều hạn chế như phải chờ đợi lâu, chưa đáp ứng các tiêu chí rẻ, sạch, đẹp...

Theo ông Nguyễn Hữu Thông, ở quận 8, TPHCM, đi xe buýt tốn thời gian hơn nhiều so với sử dụng xe máy. Cụ thể, quãng đường từ nhà đến chỗ làm chỉ khoảng 12 km nhưng đi xe buýt phải mất hơn 1 giờ 30 phút trong khi đó đi xe máy chỉ mất hơn 30 phút.

Tương tự, bà Võ Thị Kim Thoa, quận 12, TPHCM, cho rằng do xe buýt đang bị xe máy và ô tô "bủa vây tứ phía" nên không thể chạy nhanh và đúng giờ nên nhiều người chưa muốn đi.

Việc bán vé cũng chưa thuận tiện, nhiều khi với những quãng đường gần nhưng do trái tuyến nên hành khách phải mua vé đến 2 lần. Thêm nữa, việc nhiều chiếc xe buýt có vỏ xe rỉ sét và phà khói đen mù mịt trên đường cũng khiến nhiều hành khách chưa muốn đi.

"Với tôi, xe buýt vẫn chưa đáp ứng được 3 tiêu chí rẻ-sạch-đẹp", bà Thoa nói và cho rằng nên giảm giá thêm cho học sinh, sinh viên để những người này sử dụng buýt nhiều hơn.

Hiện giá vé xe buýt từ 5.000 - 7.000 đồng/vé/lượt, vé tập từ 112.500 -157.000 đồng/30 vé và 3.000 đồng/vé/lượt cho học sinh, sinh viên.

Sở GTVT đã lên nhiều kế hoạch như xây thêm trạm dừng, bãi giữ xe cá nhân, thậm chí đề nghị công chức, viên chức sử dụng phương tiện gia thông này. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều kế hoạch vẫn chưa được thực hiện.

Trong đó, hồi tháng 3, cơ quan này đề xuất xây dựng các trạm dừng xe buýt, bến xe buýt, bãi giữ xe cá nhân, lối đi bộ tại 11 nhà ga của tuyến metro số 1 trên địa bàn quận Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức.

Một tháng sau đó, sở GTVT  tiếp tục lên kế hoạch xây dựng tuyến buýt nhanh BRT dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, chiều dài 23 km, với 28 trạm dừng, dự kiến hoàn thành quí 1 và vận hành quí 2-2024.

Sở cũng có văn bản đề nghị công chức, viên chức, người lao động tại TPHCM đi xe buýt. Đây là chương trình nằm trong đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM".

Trong đề án, TPHCM đặt mục tiêu ra đến năm 2025 giao thông công cộng đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại người dân, đến năm 2030 là 25%.

2 BÌNH LUẬN

  1. Muốn xe buýt đông khách rất đơn giản. Yếu tố kinh tế quyết định. Thí dụ, ở các bãi giữ xe khổng lồ của các trường đại học, giá giữ xe máy chỉ có hai ngàn một chiếc, nếu sinh viên đi xe buýt, giá vé SV ba ngàn một chặng, đi tới trường hai chặng, về nhà hai chặng, tổng cộng mười hai ngàn, nếu tôi là sv tôi cũng chọn xe máy. Nên tăng giá giữ xe lên năm ngàn một giờ để buộc người dân đi xe buýt.

  2. Tôi đi tuyến xe Chợ Lớn -Củ Chi giá vé 20.000 đ / lươt . Với giá trên 1 ngày đi về hết 40.000 đ nếu đi làm hàng ngày 1 tháng phải chi tiền triệu quá cao
    Trong khi kêu gọi sử dụng phương tiện công cộng mà đưa ra giá vé như thế làm sao phục vụ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới