Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xe đạp… ôm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xe đạp… ôm

Minh Giảng

Ông Năm, 76 tuổi, vẫn hàng ngày chạy xe đạp ôm để kiếm sống. Ảnh: Minh Giảng.

(TBKTSG) – Khi xe gắn máy giá rẻ ồ ạt tràn vào Việt Nam, những chiếc xe đạp cũng thưa dần trên đường phố. Thế nhưng ngay giữa lòng Tây Đô vẫn còn một nghề mà thoạt nghe, nhiều người sẽ ngạc nhiên: xe đạp ôm.

Ngay cả việc đi xe đạp nhiều người đã ái ngại vậy mà mỗi ngày, nhiều người ở ngay giữa Cần Thơ vẫn hành nghề xe đạp ôm để mưu sinh. Hầu hết họ đều nghèo, không có tiền “lên” xe gắn máy nên vẫn chấp nhận “cày” với chiếc xe đạp lấy sức làm lời. Giá mỗi cuốc xe chỉ từ 2.000 – 6.000 đồng!

Xe đạp ôm, đã xa rồi còn đâu…

Thành phố Cần Thơ, trưa, trời nắng như đổ lửa. Ông Năm mồ hôi nhễ nhại gồng đôi chân già nua gầy guộc đạp xe chở cậu học sinh tiểu học về nhà giữa dòng người vội vàng tránh cái nóng oi ả.

Ông cho biết, hàng ngày ngoài việc đưa đón, vợ chồng ông còn nhận nấu cơm cho hai học sinh này bởi cha mẹ các cháu đi làm xa. Đó cũng là cách để vợ chồng ông cải thiện thu nhập. 76 tuổi, ông đã có 50 năm hành nghề xe đạp ôm. Ông bắt đầu chạy xe từ năm 1959.

Lúc đó bến xe Cả Đài (góc đường Ngô Quyền – Trương Định bây giờ) có hàng chục chiếc xe đạp xếp hàng chờ tài. Thời đó chưa có honda ôm nên khách đi xe đạp rất nhiều. Không chỉ đi trong nội ô, ông còn chở khách tận Cái Răng, Bình Thủy.

Với thu nhập từ những cuốc xe lấy sức làm lời ấy, ông “lên đời” xe lôi đạp, xe mobilet, honda. Sau nhiều biến cố trong gia đình, ông bán chiếc honda và quay về rong ruổi với chiếc xe đạp cà tàng.

Bốn giờ sáng ông đã có mặt ở bến đậu để chở những người bạn hàng đi chợ sớm. Hầu hết đó là những người khách quen, lớn tuổi đi chợ, đi chùa. Mỗi cuốc xe có giá từ 2.000 – 6.000 đồng. Một ngày dãi dầu ông kiếm được chừng 30.000 đồng, “cũng đủ cho hai vợ chồng già cơm mắm qua ngày”, ông trầm ngâm.

Ít thâm niên hơn nhưng ông Lê Minh Tuấn, 53 tuổi, cũng đã 15 năm chạy xe đạp ôm. Rít một hơi thuốc dài, ông nheo mắt trầm tư: “Lúc trước bến này cũng nhiều người chạy xe đạp lắm nhưng làn sóng xe gắn máy giá rẻ xuất hiện, nhiều người đã lên đời. Tui không có điều kiện nên phải gắn với chiếc xe đạp kiếm sống qua ngày. Giờ thả ra cũng không biết làm gì để sống. Già cả, không có nghề nghiệp, đâu ai thuê mướn làm gì. Nghề này chở tới đâu khách trả tiền tới đó nên cũng sống được”.

Không nhớ được mình đã chở bao nhiêu khách, đã đi bao xa nhưng ông nhớ như in mình đã thay năm chiếc xe đạp. Mùa nắng, các cuốc xe thưa hơn mọi khi. Phần vì khách ngại ra đường, phần vì “họ tội nghiệp người đạp xe”. Thường ông chỉ chở khách đi những đoạn đường gần, đi xa vừa không có sức vừa sợ chuyện gì bất trắc. “Hầu hết khách đi xe đều là người lớn tuổi. Hoặc họ sợ không dám đi xe honda ôm hoặc họ muốn đi giá rẻ với khoảng cách gần. Nghề này không tốn chi phí, lấy sức làm lời thôi, khách nào honda ôm chê mới tới lượt mình”, ông Tuấn nói.

Để tăng thu nhập, anh Nguyễn Văn Tý, ngoài việc chạy xe còn kiêm luôn bán vé số dạo. Lúc không có khách, anh lại rảo bước vào những con hẻm, khu chợ gần đó để bán vé số. Mỗi ngày cũng bán được khoảng 40 tờ, kiếm được 20.000 đồng. Anh học hết lớp 2 thì nghỉ, sau đó theo cha đi làm nước đá. Năm 1978, nhà máy giải thể, anh ra chạy xe đạp ôm tới giờ.

“Khách bây giờ cũng ít người chịu đi lắm, họ đi honda hết. Mỗi cuốc cũng chỉ vài ngàn nhưng chở nhiều lần thì cũng sống được. Lúc không chạy, ngồi không cũng uổng nên đi bán vé số được thêm đồng nào đỡ đồng đó”, anh Tý cho hay.

Theo hoài những vòng xe

Ngồi lặng lẽ ở một góc bến phà, anh Dương Hùng Minh mắt dõi xa xăm chờ khách. Chuyến phà vừa cập bến, anh nhanh nhảu ra tận cầu phà mời khách. Những cái lắc đầu ái ngại. Tiu nghỉu trở về bên chiếc xe đạp dựng hững hờ bên gốc cây, anh nhìn qua bên kia sông chờ chuyến phà tiếp theo. Anh nói: “Nhiều khi cũng mặc cảm lắm. Mình mời khách chịu đi, đến khi mang xe tới thì họ nhìn trân trân “xe đạp hả” rồi không đi. Cũng tủi thân lắm nhưng biết làm sao bây giờ, phải chịu để mà kiếm sống thôi. Tuy vậy, cũng có nhiều người thấy tội nghiệp nên đi giùm”.

Những chuyến phà lần lượt đến rồi đi nhưng khách đi xe của anh chẳng có ai. Lời mời mọc chân tình dường như cũng không đủ để những người qua đường đồng cảm. Anh nói như trách thân: “Hồi nào giờ dựa vào nó để kiếm sống và chắc còn gắn bó với nó tới lúc hết đạp xe nổi thì thôi. Lớn tuổi, không nghề nghiệp, không có tiền lên đời xe gắn máy, phải chịu thôi”.

Thời “hoàng kim”, bến phà Cần Thơ có đến gần 50 chiếc xe đạp ôm, giờ chỉ còn 10 chiếc. Xe ít hơn nhưng những cuốc xe không vì thế mà nhiều lên. Dẫu vậy, 20 năm qua, những cuốc xe lấy sức làm lời ấy đã giúp anh Phạm Văn Ngọc (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) nuôi hai con khôn lớn. Vợ mất cách nay 10 năm, anh hàng ngày sang Cần Thơ đạp xe nuôi con ăn học. Người con lớn hiện đang học kế toán, đứa nhỏ cũng đã xong lớp 12.

“Đứa lớn học xong lớp 12 thì đi làm công nhân một thời gian. Mình khổ quen rồi nhưng thấy con cực quá không đành. Tui vay tiền cho con đi học. Mình còn sức thì ráng tới đâu hay tới đó. Con còn trẻ, học hành may ra sau này mới đỡ khổ. Nhiều khi bị khách chê cũng tủi lắm nhưng điều đó không còn ý nghĩa nữa. Bữa cơm no, con chữ cho con mình mới quan trọng. Mình kiếm tiền bằng mồ hôi và sức lao động của mình thì đâu có gì phải ngại”, anh Ngọc chia sẻ.

Hầu hết những người chạy xe đạp ôm đều nghèo. Chiếc xe gắn máy là niềm mơ ước của họ để có một công việc nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, cơm còn phải chạy từng bữa, ăn bữa sáng đã tất bật lo cho bữa tối nên ước mơ ấy vẫn còn mông lung và xa xôi lắm. Cũng tính mua xe gắn máy trả góp trong một năm rưỡi nhưng ông Tuấn lo lắng “biết mình có đóng hàng ngày được không. Giờ phải chạy cơm từng bữa thì lấy đâu ra tiền để trả góp nên thôi. Cứ chạy xe đạp, tới đâu hay tới đó. Trước kia kiếm tiền ít nhưng đồng tiền giá trị lắm. Giờ tiền nhiều hơn nhưng cái gì cũng tăng nên nghèo vẫn hoàn nghèo”.

Ông Năm thì lạc quan “nhờ đạp xe mà bảy mấy tuổi rồi vẫn khỏe re. Bây giờ tui chở bao xi măng và một người là chuyện bình thường”! Bất chợt ông xuống giọng: vì cuộc sống nên phải ráng thôi, còn làm gì được thì làm cho đỡ con cháu. Chắc tụi tui là những người cuối cùng chạy xe đạp ôm ở cái xứ này…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới