(KTSG Online) - Tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ giảm dần trong những năm tới do làn sóng xe điện tăng tốc và các nền kinh tế phát triển nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng sạch, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
- Xung đột Nga-Ukraine có thể khiến nhu cầu nhiên liệu hóa thạch đạt đỉnh
- IEA: Người tiêu dùng sẽ mua thêm gần 14 triệu xe điện trong năm 2023
Báo cáo của IEA, công bố hôm 14-6, dự đoán mức tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2024 chỉ bằng một nửa so với tốc độ trong hai năm trước đó. Báo cáo nhận định đỉnh cao nhất của nhu cầu dầu sẽ đến vào cuối thập niên này khi làn sóng phổ cập xe điện khiến số lượng xe chạy xăng trên đường giảm xuống. Đồng thời xu hướng làm việc từ xa kéo dài kể từ sau đại dịch Covid-19 cũng khiến lượng xe cộ lưu thông giảm ở các nước phương Tây.
IEA cho biết doanh số xe điện đang tăng bùng nổ và dự kiến chiếm gần 20% doanh số xe mới trên toàn cầu trong năm nay. Tổ chức này dự báo làn sóng phổ cập xe điện nhanh chóng sẽ loại bỏ nhu cầu cầu khoảng 5 triệu thùng/ngày vào cuối thập niên 2020.
“Xe điện là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế năng lượng sạch nổi lên nhanh chóng trên toàn cầu”, Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol nói.
Trong nhiều năm qua, các nền kinh tế phát triển tiêu thụ nhiều dầu đã tăng tốc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch để hạn chế phát thải khí nhà kính và ngăn chặn các hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu thảm khốc. Tham vọng đó càng được củng cố do giá dầu tăng vọt sau khi Nga phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine vào đầu năm 2022.
Fatih Birol nói: “Việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch đang tăng tốc, với nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trước cuối thập niên này”.
Triển vọng ngắn hạn và dài hạn của nhu cầu dầu toàn cầu sẽ khác nhau rất nhiều. IEA nhận định thị trường dầu thế giới có thể thắt chặt đáng kể trong vài tháng tới nhờ mức tiêu thụ nhiên liệu của Trung Quốc phục hồi ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, trong khi các nhà sản xuất dầu thuộc liên minh OPEC+ do Saudi Arabia dẫn đầu đã cắt giảm sản xuất nhiều đợt kể từ năm ngoái.
Năm tới, thị trường dầu có thể còn thắt chặt do trong nửa cuối năm 2024, dự trữ dầu toàn cầu sẽ giảm ngay cả khi tăng trưởng nhu cầu chậm lại chỉ còn 860.000 thùng/ngày, so với mức tăng 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Tuy nhiên, những năm tiếp theo, thế giới sẽ ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hơn. Theo báo cáo của IEA, tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ chậm lại, chỉ còn tăng 400.000 thùng/ngày vào năm 2028. Nhu cầu toàn cầu sẽ đạt 105,7 triệu thùng/ngày vào thời điểm đó.
IEA dự báo nhu cầu sử sử dụng xăng toàn cầu sẽ giảm ngay trong năm 2023 và nhu cầu dầu diesel, nhiên liệu của ngành vận tải, cũng giảm vào năm 2027. Động lực tăng trưởng nhu cầu dầu trong những năm tới chủ yếu đến từ ngành hóa chất và nhiên liệu hàng không.
Các dự báo về xu hướng năng lượng khác nhau rõ rệt giữa nhóm nền kinh tế phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu và nhóm nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, chủ yếu là các nước châu Âu.
Các nền kinh tế châu Á sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu trong những năm tới và nhu cầu về nhiên liệu máy bay, naphtha và các sản phẩm dầu khác dùng trong công nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao, IEA nhận định. Nhưng ngay cả ở Trung Quốc, nơi từ lâu là cường quốc về nhu cầu dầu toàn cầu, sức tiêu thụ nhiên liệu này sẽ chậm lại rõ rệt trước cuối thập niên này. IEA cho biết Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành động lực chính cho tăng trưởng dầu sau năm 2027.
Theo IEA, nhu cầu dầu của các nền kinh tế tiên tiến thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ đạt đỉnh ngay trong năm nay nhờ chi tiêu lớn của chính phủ nhằm tái cấu trúc nền kinh tế tránh xa nhiên liệu hóa thạch.
Nhu cầu dầu của các nền kinh tế đó dự kiến giảm xuống 44,3 triệu thùng/ngày vào năm 2028 từ mức đỉnh 46,2 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Nhu cầu dầu tại các nền kinh tế không thuộc OECD sẽ tăng hơn 7% từ nay đến năm 2028, lên 61,4 triệu thùng/ngày.
Trong khi nhu cầu dầu toàn cầu tăng chậm lại, đầu tư vào nguồn cung mới đang tăng. Theo dự báo của IEA, chi tiêu thượng nguồn (thăm dò và khai thác dầu khí) sẽ tăng 11% vào năm 2023 lên mức cao nhất trong 8 năm là 528 tỉ đô la Mỹ.
Sản lượng dầu sẽ tăng thêm 5,9 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 6% nhu cầu dầu toàn cầu mỗi ngày trong 2028. Công suất sản xuất dầu sẽ tăng mạnh ở Mỹ, Brazil và Guyana. Công suất của liên minh OPEC+ sẽ chỉ tăng thêm 800.000 thùng/ngày vào năm 2028, dẫn đầu là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.
Dù mức tiêu thụ dầu dự kiến chững lại trong những năm tới, điều này vẫn chưa đủ để các chính phủ trên thế giới đáp ứng tham vọng hạn chế lượng khí thải carbon. Trong một báo cáo vào năm 2021, IEA cho rằng ngành năng lượng toàn cầu cần phải tạm dừng đầu tư vào tất cả các dự án dầu khí mới để đạt được mức phát thải zero ròng vào năm 2050.
Tuy nhiên, các dự báo của IEA thường bị hoài nghi vì các cảnh báo lặp đi lặp lại của tổ chức này trong suốt thập niên qua về một “cuộc khủng hoảng nguồn cung” không bao giờ thành hiện thực. Dự đoán của IEA cho rằng sản lượng dầu của Nga sẽ ngay lập tức sụp đổ sau cuộc cuộc xung đột ở Ukraine hồi năm ngoái cũng tỏ ra quá bi quan.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bác bỏ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu giảm dần của IEA. OPEC nhấn mạnh rằng cần đầu tư nhiều hơn vào nguồn cung để ngăn chặn giá dầu tăng đột biến và đảm bảo khả năng chi trả năng lượng cho các nền kinh tế đang phát triển.
Tuy nhiên, phân tích của IEA chỉ ra rằng quá trình chuyển đổi năng lượng đã đạt được động lực khi cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến các nước tiêu thụ nhiều dầu cảnh giác về sự phụ thuộc của họ vào dầu nhập khẩu. Theo báo cáo của IEA, hơn 2 nghìn tỉ đô la đầu tư vào năng lượng sạch đã được lên kế hoạch cho đến năm 2030.
“Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm tăng giá dầu và đặt mối quan tâm về an ninh nguồn cung lên hàng đầu, giúp đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch”, báo cáo của IEA cho hay.
Theo WSJ