Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xe điện làm tăng căng thẳng giữa EU và Trung Quốc

Ngân Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc giới chức châu Âu tuyên bố điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc đã làm gia tăng những lo ngại về một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới.

EU gây sức ép lên xe điện Trung Quốc

Tham vọng xuất khẩu hơn 2 triệu xe điện/năm sang châu Âu vào năm 2030 của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức lớn. Hôm thứ Tư tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã tuyên bố bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra về xe điện do Trung Quốc sản xuất, bị nghi ngờ hưởng lợi từ trợ cấp chính phủ, gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh châu Âu.

“Thị trường toàn cầu hiện tràn ngập ô tô điện giá rẻ. Và giá của chúng được giữ ở mức thấp một cách giả tạo nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ,” Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết trong bài phát biểu thường niên trước Nghị viện châu Âu.

Phản ứng sau quyết định trên, Bộ Thương mại Trung Quốc đã “bày tỏ sự quan ngại cao độ và sự không hài lòng mạnh mẽ” về cuộc điều tra và cho rằng, điều này “sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc – EU”.

EC dự kiến sẽ mất tới 13 tháng để đánh giá xem liệu có nên áp dụng thuế quan bổ sung đối với xe điện Trung Quốc – vốn đang dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới trong năm nay, đặc biệt là tại các thị trường Đông Nam Á và Mỹ Latinh.

Các quan chức thương mại sẽ phải chứng minh được rằng Trung Quốc đang trợ cấp cho các công ty xuất khẩu xe điện sang EU và điều này đang gây tổn hại cho ngành công nghiệp châu Âu.

Châu Âu có lý do để lo ngại

Động thái cứng rắn của giới chức EU diễn ra trong bối cảnh xe điện Trung Quốc đang hiện diện ngày càng mạnh mẽ trên thị trường thế giới. Các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc đã giúp nước này trở thành nhà sản xuất thống trị công nghệ pin cho ô tô.

Doanh số bán xe điện trên toàn cầu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng gần 1/3 chỉ riêng trong năm 2023 lên hơn 14 triệu chiếc - trị giá 560 tỉ đô la. Do vậy, giới chức châu Âu lo ngại, nếu không có sự cạnh tranh công bằng, EU sẽ chứng kiến ngành công nghiệp của mình bị thua thiệt ngay trên chính sân nhà.

Các chuyên gia ước tính, xe điện do Trung Quốc sản xuất hiện có giá rẻ hơn trung bình 20% so với các sản phẩm cùng loại của EU.

Một báo cáo của Sinolink Securities cho biết, các hãng xe Trung Quốc đã bán tổng cộng 89.000 xe điện tại EU trong bảy tháng đầu năm nay, chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu ô tô của Trung Quốc trong cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này được dự báo sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới.

Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ hồi đầu tháng này dự báo, ô tô do Trung Quốc sản xuất được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng toàn diện và kỹ thuật sản xuất được cải tiến, sẽ kiểm soát 33% thị trường toàn cầu vào năm 2030, cao gần gấp đôi so với mức 17% của năm ngoái. Trong đó, sự gia tăng mạnh mẽ của doanh số ô tô điện được coi là một động lực quan trọng.

Cũng theo UBS, đến năm 2030, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ chiếm 20% thị phần, tương đương khoảng 2 triệu chiếc ở châu Âu – nơi hầu hết lượng xe bán ra sẽ là xe điện chạy pin.

Mối đe dọa này trở nên nghiêm trọng tới mức tại triển lãm ô tô Munich mới diễn ra gần đây, một cuộc họp thường kỳ của các giám đốc điều hành ô tô hàng đầu trong khu vực hầu như chỉ tập trung vào mối đe dọa từ các thương hiệu Trung Quốc, sở hữu những gian hàng hào nhoáng thống trị triển lãm thương mại năm nay.

Sau khi cuộc họp kết thúc, Sigrid de Vries – người đứng đầu Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu cho biết “các quy tắc của bàn cờ quốc tế đã được thay đổi. Châu Âu cần phải củng cố sân chơi của mình”.

Xe điện Trung Quốc đối mặt với thách thức lớn

Các chuyên gia dự báo, nếu cuộc điều tra của EC dẫn tới quyết định tăng thuế, các hãng xe điện Trung Quốc sẽ đối mặt với thách thức không nhỏ. David Zhang, giáo sư thỉnh giảng tại Trường cao đẳng Khoa học và Công nghệ Hoàng Hà cho biết: “Mức thuế cao hơn có thể cản trở tăng trưởng xuất khẩu ô tô điện Trung Quốc sang thị trường châu Âu”.

Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Ngân hàng Đầu tư và Doanh nghiệp Natixis, đã cảnh báo vào tháng trước rằng mục tiêu vươn ra toàn cầu của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang gặp rủi ro.

Bà cho biết trong một báo cáo nghiên cứu: “Căng thẳng địa chính trị và các biện pháp bảo hộ sẽ làm phức tạp thêm quá trình này. Do hoạt động sản xuất xe điện của Trung Quốc vẫn có tính cạnh tranh cao, câu hỏi quan trọng là liệu làn sóng giảm thiểu rủi ro ngày càng tăng từ Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ xanh như xe điện, có thể làm suy yếu các nỗ lực khử carbon toàn cầu hay không”.

Cuộc điều tra của EC được kỳ vọng sẽ mang lại cho các doanh nghiệp ô tô châu Âu khoảng thời gian cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh của mình. Theo Financial Times, mặc dù xe điện Trung Quốc đang có sự thâm nhập mạnh mẽ vào châu Âu, sẽ phải mất nhiều năm để các tập đoàn Trung Quốc tăng doanh số bán hàng và củng cố nhận diện thương hiệu tại khu vực có nhiều nhà sản xuất ô tô nổi tiếng nhất thế giới.

Philippe Houchois, nhà phân tích ô tô tại Jefferies cho biết: “Phải mất hai năm, họ mới thực sự có mặt. Đó là khoảng thời gian hai năm để ngành công nghiệp châu Âu cùng nhau hành động”.

Nguy cơ căng thẳng thương mại leo thang

Một số nhà phân tích lo ngại, quyết định áp đặt mức thuế cao hơn mức tiêu chuẩn 10% đối với ô tô điện do Trung Quốc sản xuất tại EU cũng có thể kéo theo sự leo thang căng thẳng thương mại. Giáo sư David Zhang tại Trường cao đẳng Khoa học và Công nghệ Hoàng Hà cho biết: “Cuộc điều tra có khả năng gây ra phản ứng dây chuyền, vì Bắc Kinh có thể áp dụng thuế trả đũa nhằm vào ô tô do châu Âu sản xuất”.

Nhưng ngành công nghiệp ô tô châu Âu lại đang tỏ ra lo lắng – đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô Đức tiếp xúc nhiều nhất với thị trường Trung Quốc rộng lớn. Cho đến gần đây, Volkswagen vẫn là hãng xe bán chạy nhất ở đó, trong khi BMW và Mercedes thống trị phân khúc thị trường xe cao cấp. Một nhà vận động hành lang ô tô cho biết: “Từ quan điểm kinh doanh, các doanh nghiệp có nguy cơ đối mặt với các biện pháp trả đũa”.

Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA) cũng đã lên tiếng kêu gọi EU cần xem xét “những phản ứng có thể xảy ra từ Trung Quốc” trong quá trình điều tra.

Đáng chú ý, cuộc điều tra được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các hãng xe điện của Pháp, nước hiện chỉ chiếm 0,4% thị phần ô tô tại Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua, trong khi các đối thủ Đức của họ vẫn chiếm tới 17%.

Một nhà vận động hành lang cấp cao của một thương hiệu lớn tại Đức cho biết: “Rõ ràng là các nhà sản xuất Pháp - những người thúc đẩy cuộc điều tra, không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn cả các đối thủ cạnh tranh ở Đức của họ. Các hãng xe Đức sẽ phải chịu các biện pháp đối phó. Tôi lo ngại rằng EC đang bị cuốn vào một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc ở một lĩnh vực rất nguy hiểm”.

Everbright Securities cũng đánh giá nếu EC quyết định tăng thuế, điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mà còn cả các thương hiệu nước ngoài sản xuất xe tại Trung Quốc như Tesla, Renault và BMW.

Các nhà phân tích của Everbright cho biết trong một báo cáo: “Ý định của EU dường như là hạn chế quyền tiếp cận thị trường châu Âu đối với xe điện Trung Quốc để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của châu Âu. Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu Mỹ, nơi xe điện Trung Quốc đang phải chịu mức thuế nhập khẩu tương tự, có làm theo hay không?”

Theo Politico, những cuộc thảo luận tương tự như ở châu Âu cũng đang diễn ra ở Mỹ, nơi Nhà Trắng đang xem xét các yêu cầu đảm bảo rằng công nghệ Trung Quốc sẽ không đủ điều kiện nhận các khoản trợ cấp lớn nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện theo Đạo luật Giảm lạm phát. Tuy nhiên, đây sẽ là một vấn đề không đơn giản, vì ngay cả những công ty xe hơi hàng đầu của Mỹ như Ford cũng được cấp giấy phép công nghệ pin từ CATL của Trung Quốc, nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới cho đến nay và có hai nhà máy ở châu Âu.

Nguồn: SCMP, Financial Times, Politico

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới