Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xe điện mini, giá rẻ thâm nhập vào thị trường Nhật Bản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xe điện mini, giá rẻ thâm nhập vào thị trường Nhật Bản

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Các hãng xe điện đang tìm cách giới thiệu các mẫu xe điện nhỏ, giá rẻ ở thị trường Nhật Bản để tận dụng thị hiếu sử dụng xe nhỏ ở nước này.

Xe điện mini, giá rẻ thâm nhập vào thị trường Nhật Bản
Xe điện e-Apple do hãng xe Nanjing Jiayuan (Trung Quốc) sản xuất. Ảnh: e-applecar

Dài chưa đến 2,5 mét và chỉ có duy nhất một cửa trước chứ không có hai cửa hông, mẫu xe điện Microlino do hãng công nghệ Micro Mobility Systems (Thụy Sĩ), là sự hồi phục mẫu xe “bong bóng” (bubble car) nổi tiếng của Ý vào thập niên 1950.

Micro Mobility Systems đang đặt cược rằng Microlino sẽ là mẫu xe điện mini ăn khách tại Nhật Bản, vốn được mệnh danh là “vương quốc xe nhỏ” vì người dân nước này chuộng sử dụng các loại xe nhỏ nhắn, giúp tiết kiệm chi phí và vận hành linh hoạt.

Trả lời tờ Nikkei Asian Review bên lề Triển lãm ô tô Toyko hồi đầu tháng này, Oliver Ouboter, Giám đốc điều hành Micro Mobility Systems, nói: “Chúng tôi nhận thấy rằng hầu hết các xe điện hiện nay đều được trang bị kỹ thuật quá mức. Ý tưởng của chúng tôi là sản xuất một chiếc xe có kích cỡ nằm giữa một chiếc motor và một chiếc xe hơi thông thường”.

Đối với bất kỳ hãng xe nước ngoài nào, thâm nhập vào thị trường ô tô Nhật Bản là một tham vọng lớn. Với ngân sách dồi dào và nổi tiếng về sức mạnh công nghệ, các tên tuổi lớn trong nước như Toyota, Nissan, đang thống lĩnh thị trường Nhật Bản,  vì vậy, rất khó để các đối thủ khác chen chân vào.

Nhưng Ouboter tin rằng với hai chỗ ngồi và có thể vận hành ở quãng đường 200km sau một lần sạc pin, mẫu xe điện mini Microlino, sẽ thu hút khách hàng ở các thành phố đông dân và thường xuyên tắc nghẽn của Nhật Bản.
Ouboter nói rằng ông đã nhận được 16.000 đơn đặt hàng cho mẫu xe điện mini Microlino, phần lớn đến từ các khách hàng châu Âu và khoảng 1.500 đơn hàng từ Nhật Bản.

Bộ pin của Microlino được sản xuất bởi một công ty Trung Quốc nhưng Ouboter chưa nhắm đến Trung Quốc và các thị trường châu Á khác vào thời điểm này. Ông cho rằng mức giá bán 12.000 euro của Microlino không cạnh tranh ở thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

“Tại Trung Quốc, mọi người vẫn thích các mẫu xe lớn hơn. Họ chỉ chọn mua xe nhỏ nếu chúng có giá bán rẻ”, ông nói.

Oliver Ouboter, Giám đốc điều hành Micro Mobility Systems, đứng bên mẫu xe điện mini Microlino tại Triển lãm ô tô Toyko hồi đầu tháng này. Ảnh: Nikkei Asian Review

Trong khi Micro Mobility Systems tập trung đến yếu tố kiểu dáng thiết kế và hiệu năng của xe điện mini thì công ty khởi nghiệp xe điện FOMM (Thái Lan) tập trung vào các chức năng. FOMM được thành lập bởi Hideo Tsurumaki, một kỹ sư có kinh nghiệm làm việc lâu năm ở hãng xe Suzuki Motor.

Hãng xe này đã hợp tác với PEA Encom, một công ty sản xuất và phân phối điện của Thái Lan để bắt đầu sản xuất mẫu xe FOMM One hàng loạt ở một nhà máy tại Chonburi thuộc vùng ngoại ô của Bangkok và bán ở thị trường Thái Lan vào tháng 3-2019.

FOMM One có hệ thống dẫn động cầu trước và bốn chỗ ngồi. Mẫu xe này có một số tính năng độc đáo. Hệ thống ga của nó được điều khiển bằng cần nắm tay, chứ không phải bàn đạp chân để tránh nhầm lẫn với bàn đạp phanh, một vấn đề nghiêm trọng ở những nước như Nhật Bản, nơi xảy nhiều vụ tai nạn chết người liên quan đến các tài xế lớn tuổi vì họ đạp nhầm chân ga.

Xe điện FOMM One của hãng xe FOMM ở Thái Lan sẽ được bán ở Nhật Bản vào năm sau. Nikkei Asian Review

Bộ pin FOMM One có thể hoán đổi, cho phép các tài xế có thể vận hành ở quãng đường tối đa 166 km sau mỗi lần sạc pin.

Có lẽ tính năng gây bất ngờ nhất của mẫu xe này là nó có thể chạy trên những đoạn đường bị ngập nước. PEA Encom đã từng triển khai ba chiếc FOMM One đến miền bắc Thái Lan trong một cơn lũ lụt để vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiêt đến cho những vùng bị cô lập.

Hideo Tsurumaki, Giám đốc điều hành FOMM, nhấn mạnh rằng chức năng này chỉ nên sử dụng trong những tình huống khẩn cấp và chủ xe phải đưa xe đi bão dưỡng ngay sau đó.

Hơn 200 xe FOMM One đã được bán tại Thái Lan với mức giá tiêu chuẩn 664.000 baht (22.000 đô la Mỹ).
Tsurumaki đang lên kế hoạch đưa FOMM One xâm nhập vào thị trường Nhật Bản vào mùa xuân năm sau. Ông nói: “Là công dân Nhật Bản, tôi ao ước nhìn thấy xe của tôi chạy trên các đường phố Nhật Bản”.

Trong khi đó, một đối thủ sản xuất xe điện mini ở Trung Quốc, đã nhanh chân tiến vào Nhật Bản. Bằng cách hợp tác với hãng buôn bán xe cũ Apple International (Nhật Bản), hãng xe Nanjing Jiayuan, có trụ sở ở TP. Nam Kinh (Trung Quốc) đã ra mắt dòng xe điện cỡ nhỏ e-Apple ở Nhật Bản.

Đây là mẫu xe chỉ có một chỗ ngồi và có thể di chuyển trong chặng đường 120km sau mỗi lần sạc pin. e-Apple có thể đạt tốc độ tối đa 88km/giờ. Tuy nhiên, nhà sản xuất hạn chế e-Apple ở tốc độ tối đa 48km/giờ để kéo dài tuổi thọ cho pin. Để bù đắp cho hiệu năng thấp, nhà sản xuất chào bán e-Apple với mức giá khả rẻ 1 triệu yen (9.260 đô la).

“Nhật Bản là vương quốc xe nhỏ. Chúng tôi phải nỗ lực thâm nhập vào thị trường xe phát triển nhất trên thế giới để xác định xem liệu sản phẩm của chúng tôi có được đánh giá tốt hay không”, Li Hui, Chủ tịch Nanjing Jiayuan, nói.
Li Hui cho biết Nanjing Jiayuan bán được 20.000 xe mỗi năm ở 46 nước bao gồm Đức. Ông đặt mục tiêu bán 1.000 xe điện nhỏ ở Nhật Bản trong vòng một năm tới.

Nobuhiro Tajima, Chủ tich của Tajima Motor, một hãng sản xuất và kinh doanh xe điện có trụ sở ở Tokyo, đưa ra lời khuyên cho những hãng xe muốn thâm nhập vào thị trường Nhật Bản: “Bán xe ở nước này, bạn phải chú ý đến vấn đề an toàn và dịch vụ hậu mãi”.

Theo Nikkei Asian Review

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới