Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xe điện thúc đẩy tập đoàn khai khoáng Rio Tinto đặt cược vào các mỏ đồng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tập đoàn khai khoáng lớn thứ hai thế giới Rio Tinto (Anh-Úc) đang nuôi tham vọng trở thành “nhà vua” tiếp theo trên thị trường đồng. Một số liệu đơn giản có thể giúp giải thích tham vọng này: một chiếc xe điện cần đến 42 kg đồng, cao gần gấp 3 lần lượng đồng sử dụng ở xe động cơ đốt trong truyền thống.

Công nhân làm việc bên trong mỏ đồng Oyu Tolgoi của Rio Tinto ở Mông Cổ. Mỏ đồng này dự kiến cung cấp khoảng nửa triệu tấn đồng mỗi năm vào năm 2028. Ảnh: Nikkei Asia

Theo hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, đồng được xem “kim loại của điện hóa” với nhu cầu dự kiến tăng gấp đôi lên khoảng 50 triệu tấn mỗi năm vào năm 2035 khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn cho ô tô và các hoạt động công nghiệp.

Tuy nhiên, Wood Mackenzie cũng dự báo nhu cầu đồng có thể sẽ vượt xa nguồn cung ngay sau năm 2026. Điều này khiến các tập đoàn khai khoáng như Rio Tinto phải đánh giá lại chiến lược dài hạn của họ đối với đồng.

“Tôi nghĩ rằng có những giới hạn mới mà chúng ta phải thử”, Dominic Barton, Chủ tịch Rio Tinto, nói với Financial Times.

Rio Tinto, có lợi nhuận phụ thuộc phần lớn vào mảng sản xuất quặng sắt, đang xem xét liệu có nên chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động thăm dò và chế biến đồng. Tập đoàn đang phát triển công nghệ mới để khai thác các trữ lượng đồng được phát hiện từ nhiều thập niên trước nhưng nằm ở vị trí quá sâu dưới lòng đất hoặc quá rủi ro để khai thác.

Một số tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới, chẳng hạn như BHP của Úc, Glencore của Thụy Sĩ và Newmont của Mỹ, cũng đang cân nhắc kế hoạch mở rộng sản xuất đồng. Họ không muốn bỏ lỡ cơ hội khi nhận thấy đồng ngày càng được sử dụng nhiều trong pin xe điện, động cơ điện, cơ sở hạ tầng trạm sạc và cáp ngầm dưới biển để cung cấp điện cho các hộ gia đình.

Mối quan tâm gia tăng đối với kim loại này là động lực lớn thúc đẩy hoạt động mua lại và sáp nhập trong năm nay. Hồi tháng 5, tập đoàn khao khoáng BHP của Úc hoàn tất thương vụ thâu tóm Oz Minerals trị giá 6,4 tỉ đô la Mỹ. Cũng trong tháng 5, tập đoàn khai thác vàng Newmont Corp. (Mỹ) đạt được thỏa thuận trị giá hơn 19 tỉ đô la để thâu tóm đối thủ Newcrest Mining (Úc), sở hữu các mỏ vàng và đồng quan trọng ở Úc, Canada và Papua New Guinea.

Rio Tinto hiện là nhà sản xuất đồng lớn thứ tám thế giới, đứng sau những nhà khai thác đồng khổng lồ như Freeport-McMoRan của Mỹ và Codelco của Chile.

Nhưng trong số các nhà sản đồng hàng đầu, các nhà phân tích nhận định. Rio Tinto có vị thế thuận lợi nhất để mở rộng hoạt động sản xuất đồng

Rio Tinto dự báo tập đoàn sẽ đáp ứng 25% mức tăng trưởng nhu cầu đồng toàn cầu trong 5 năm tới từ các mỏ đồng đang sở hữu  ở Chile, Mỹ, Úc, Peru và Mông Cổ.

Mỏ đồng Kennecott của Rio Tinto ở bang Utah (Mỹ) sản xuất 150.000 tấn một năm. Tập đoàn cũng nắm giữ 30% cổ phần ở mỏ đồng lớn nhất thế giới, Escondida (Chile), nơi BHP sở hữu 57,5% cổ phần. Ngoài ra, Rio Tinto  dự kiến tăng công suất của mỏ đồng Oyu Tolgoi ở miền nam Mông Cổ khi phần trữ lượng sâu dưới lòng đất được phát triển. Mỏ đồng này dự kiến cung cấp khoảng nửa triệu tấn đồng hàng năm vào năm 2028, trở thành mỏ đồng lớn thứ tư trên thế giới.

Nhà phân tích Tyler Broda của RBC dự đoán, nỗ lực mở rộng sản xuất đồng của Rio Tinto sẽ giúp bù đắp cho rủi ro thu nhập suy giảm ở mảng khai thác quặng sắt. Nhiều nhà phân tích cảnh báo giá quặng sắt sẽ giảm trong những năm tới.

Theo mô hình dự báo của Broda, đến năm 2027, thu nhập từ đồng của Rio Tinto có thể đạt khoảng 6 tỉ đô la, tăng từ 2 tỉ đô la trong năm nay, chủ yếu nhờ giá kim loại này tăng

Ngược lại, thu nhập từ quặng sắt của tập đoàn dự kiến giảm xuống còn 11 tỉ đô la vào năm 2027 so với 16 tỉ đô la hiện nay.

Tuy nhiên, giống như các đối thủ, Rio Tinto không tránh khỏi những vấn đề lớn mà ngành phải đối mặt. Mỏ đồng Resolution ở bang Arizona (Mỹ), một dự án liên doanh giữa Rio Tinto và BHP, đã không được phép tiếp tục hoạt động do các lo ngại về tác động môi trường.

Các nhà phân tích cũng cho biết. các rào cản phát triển các dự án đồng mới đang tăng lên.

Eleni Joannides, giám đốc nghiên cứu đồng của Wood Mackenzie, chỉ ra nhiều rủi ro, bao gồm chính phủ mới lên nắm quyền ở các khu vực khai thác đồng quan trọng, những thay đổi tiềm tàng đối với thuế tài nguyên, và sự không chắc chắn về giấy phép.

Khi cuộc cạnh tranh toàn cầu về nguồn tài nguyên đồng ngày càng khốc liệt, các công ty giàu tiền mặt, bao gồm Glencore và Newmont, nhắm mục tiêu tăng trưởng thông qua chiến lược thâu tóm và sáp nhập (M&A)

Nhưng Dominic Barton, Chủ tịch Rio Tinto, cảnh báo các công ty không thể chỉ dựa vào M&A để mở rộng hoạt động khai thác đồng. “Khi bạn nhìn vào khoảng cách khá lớn giữa cung và cầu trên thị trường đồng, việc mua lại các công ty khác sẽ không giải quyết được vấn đề đó. Bạn cần phải tìm nguồn cung đồng mới”, ông nói.

Vị chủ tịch của Rio Tinto nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét tăng chi tiêu cho hoạt động thăm dò các trữ lượng đồng.

Barton cũng muốn hợp tác chặt chẽ với các đối thủ nhỏ hơn, thường đã thực hiện giai đoạn đầu của quy trình thăm dò.

Một vấn đề khác là các nước đang phát triển muốn các tập đoàn khai khoáng phải thiết lập các cơ sở chế biến đồng tại nước của họ, một yêu cầu có thể gây tốn kém chi phí nhiều hơn.

Chính phủ Mông Cổ đã đề xuất  Rio Tinto xây dựng một nhà máy luyện đồng liền kề với mỏ Oyu Tolgoi.

Nhưng Jakob Stausholm, CEO của Rio Tinto, lo ngại về tính hiệu quả kinh tế của việc chế biến đồng ở ngay gần mỏ khai thác. Chẳng hạn, những thách thức xung quanh nguồn năng lượng và nước cần thiết cho hoạt động chế biến.

“Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết mọi việc để làm hài lòng các chính phủ và người dân của họ. Nhưng tất nhiên, điều này cũng phải bảo đảm mang lại lợi nhuận cho chúng tôi”, ông nói.

Theo Financial Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới