Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xe điện vượt ngưỡng bùng phát ở 23 nước

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo thống kê của Bloomberg, tỷ lệ xe điện trong doanh số bán xe mới đã vượt ngưỡng 5% trở lên ở 23 nước, gần đây nhất là Canada, Úc, Tây Ban Nha, Thái Lan và Hungary. Ngưỡng 5% được xem là điểm bùng phát trong tiến trình phổ cập một công nghệ mới, báo hiệu doanh số tăng tốc trong những năm tới.

Xe bán tải điện Cybertruck sắp ra mắt của Tesla có thể tăng tốc doanh số bán điện ở Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Hầu hết mọi công nghệ thành công như TV, điện thoại di động, đèn LED đều đi theo đường cong phổ cập hình chữ S, tức doanh số sẽ tăng rất chậm trong giai đoạn đầu trước khi nhanh chóng trở thành sản phẩm của thị trường đại chúng. Trong trường hợp của xe điện, tỷ lệ 5% trong tổng doanh số xe mới được xem là điểm uốn lên của hình chữ S này. Thời gian để đạt ngưỡng 5% đó khác nhau tùy mỗi nước. Nhưng một khi có một lượng khách hàng nhất định chấp nhận các thách thức phổ biến về chi phí xe điện, tính sẵn có của trạm sạc và sự hoài nghi về công nghệ, những người tiêu dùng khác sẽ đồng loạt hưởng ứng.

Ở Mỹ, điểm bùng phát của xe điện đến vào cuối năm 2021, tương đối muộn đối với một quốc gia có sức tiêu dùng trong nước lớn. Nhưng có lý do để giải thích cho sự chậm trễ đó. Người Mỹ dành nhiều thời gian trên ô tô hơn bất kỳ nhóm người dân nào khác trên thế giới và họ cần quãng đường đi xa hơn so với những gì mà các mẫu xe điện đời đầu cung cấp. Hai loại xe phổ biến, xe bán tải và SUV cỡ lớn, chiếm hơn một nửa thị trường Mỹ, cũng chậm được điện hóa do yêu cầu bộ pin lớn, có chi phí đắt đỏ.

Hiện nay, doanh số bán xe điện của Mỹ đang tăng nhanh , tăng 42% trong quí 2 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn chưa đạt đến quỹ đạo tăng trưởng bùng nổ của xe điện ở một số nước khác. Điều đó có thể thay đổi khi Tesla, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, chuẩn bị ra mắt mẫu xe bán tải Cybertruck và khi các đối thủ cạnh tranh tung ra các mẫu xe điện dưới một số thương hiệu mang tính biểu tượng nhất của Mỹ: Chevy Blazer và Silverado, Ford Explorer và F-150, Jeep Wrangler và Ram 1500…

Điểm bùng phát về xe điện cũng có thể sắp xuất hiện ở Ấn Độ, thị trường ô tô lớn thứ ba  thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Xe điện chiếm 3% doanh số bán ô tô mới ở nước này trong quí trước, sau khi tăng gấp đôi chỉ sau sáu tháng. Các nhà sản xuất ô tô trong nước của Ấn Độ đã đầu tư rất nhiều vào các mẫu xe điện. Hồi tháng 6, CEO Elon Musk của Tesla, đã có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Musk cho biết ông có kế hoạch tham gia thị trường Ấn Độ “càng sớm càng tốt”.

Các nước vượt qua điểm bùng phát của xe điện đã chứng kiến tốc độ phổ cập nhanh chóng, với mức tăng trưởng doanh số trung bình là 55% trong quí vừa qua so với cùng kỳ năm trước. Giống như bất kỳ công nghệ mới nào, tốc độ tăng trưởng doanh số cuối cùng sẽ chậm lại khi thị trường gần bão hòa , tức ở đỉnh của đường cong chữ S. Ở Na Uy, nước tiên phong phổ cập xe điện sớm nhất thế giới, tốc độ tăng trưởng dường như đang chậm lại sau khi xe điện chiếm 80% doanh số bán xe mới.

Phân tích nói trên chỉ dựa vào xe thuần điện, tức vận hành hoàn toàn bằng pin. Một số nước, chủ yếu ở châu Âu, tốc độ phổ cập xe lai sạc điện (hybrid), có bộ pin nhỏ được hỗ trợ bởi một động cơ chạy bằng xăng, nhanh hơn. Ở những nước khác, bao gồm  Mỹ và Trung Quốc, hầu hết người tiêu dùng bỏ qua xe hybrid để tiến thẳng đến xe thuần điện. Nếu tính cả xe hybrid, thế giới tiêu thụ hơn 10 triệu xe điện vào năm ngoái và con số này dự kiến tăng lên gấp 3 lần vào năm 2027, theo dự báo của Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BloombergNEF).

Khái niệm điểm bùng phát  thường được sử dụng để mô tả các ngưỡng giá kích hoạt việc phổ cập rộng rãi hơn. Ví dụ, trong những ngày đầu của năng lượng tái tạo, chi phí lắp đặt các trang trại năng lượng mặt trời mới rẻ hơn so với việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu năng lượng mặt trời từ các công ty điện lực.

Đôi khi chính khối lượng bán hàng có thể đánh dấu một bước ngoặt. Sau khi Tesla bắt đầu bán mẫu xe điện Model 3 vào năm 2017, công ty gần như phá sản khi không thể sản xuất xe đủ nhanh để giảm chi phí đơn vị. Ban lãnh đạo Tesla xác định rằng việc thúc đẩy sản xuất vượt quá 5.000 ô tô mỗi tuần sẽ khởi đầu một chu kỳ tích cực là giảm chi phí và sản lượng cao hơn. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

Sự tăng trưởng liên tục của xe điện phụ thuộc vào khả năng của các nhà sản xuất ô tô truyền thống và nhà cung cấp của họ trong việc thực hiện các khoản đầu tư lớn tương tự như Tesla khi nhu cầu xuất hiện đầy đủ.

Điều này đòi hỏi họ phải trang bị lại các nhà máy và điều chỉnh lại chuỗi cung ứng. Để đạt được mức tiết kiệm tối đa, toàn bộ chiếc xe phải được thiết kế lại với mục đích điện hóa ngay từ đầu. Chi phí chuyển đổi có thể rất lớn cho đến khi doanh số bán hàng tăng tốc.

Các nhà xuất ô tô riêng lẻ cũng có một điểm bùng phát riêng. Đó là ngưỡng mà sau đó doanh số bán xe điện của họ sẽ tăng lên nhanh chóng. Theo kinh nghiệm thực tế ở thị trường châu Âu, khi 10% doanh số bán hàng hàng quí của một nhà sản xuất ô tô là đến từ xe điện, thì tỷ lệ đó sẽ tăng gấp ba lần trong vòng chưa đầy hai năm.

Cho đến nay, 90% doanh số bán xe điện trên thế giới đến từ Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Điều đó có nghĩa là các nước khác, chiếm khoảng 1/3 doanh số bán ô tô trên toàn cầu,  vẫn chưa vượt qua điểm bùng phát. Chỉ có 4 trong số 20 nước đông dân nhất đạt được ngưỡng bùng phát về xe điện.

Doanh số bán xe động cơ đốt trong mới trên toàn cầu đã đạt đỉnh vào năm 2017 và mức tăng trưởng ròng về doanh số bán ô tô hiện này hoàn toàn nhờ vào xe điện. Đó là xu hướng mà BloombergNEF dự báo sẽ tiếp tục cho đến khi ô tô chạy bằng xăng trở thành “vật gây tò mò trong bảo tàng”, cho dù điều đó phải mất thêm một hay năm thập niên nữa.

Các chính phủ cũng đang thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đặt mục tiêu nâng doanh số xe điện và xe hybrid lên 50% doanh số bán xe mới năm 2030.  Đạo luật về đầu tư hạ tầng vào năm 2021 và Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 đang hướng hàng trăm tỉ đô la tài trợ của khu vực công lẫn tư nhân vào mọi thứ, từ mạng lưới sạc trên đường cao tốc cho đến các nhà máy tái chế pin. Theo Benchmark Materials, các dự án sản xuất pin của Mỹ được lên kế hoạch cho đến 2030 tăng 67% chỉ trong năm ngoái và đã bắt kịp châu Âu.

Dự báo về xu hướng phổ cập công nghệ là một công việc khó khăn. Ngay cả những dự báo thận trọng nhất cũng có thể sai do tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng, sự thay đổi kinh tế, chính trị, các vụ phá sản và văn hóa đại chúng. Ưu điểm của phương pháp tiếp cận điểm bùng phát là nó dựa vào đường cong phổ cập từng diễn ra.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới