Xe quá khổ sao vẫn cho nhập?
Lê Anh
(TBKTSG) - Nguyên nhân tình trạng xuống cấp nhanh chóng của nhiều tuyến đường được cho là do xe chở quá tải, cuối cùng Bộ Giao thông Vận tải quyết định chọn năm 2014 là năm siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng xe. Có thể thấy, dù có đầy đủ các văn bản từ luật đến nghị định được bổ sung hàng năm theo chiều hướng ngày càng tăng nặng mức phạt song vẫn không giải quyết được tận gốc vấn đề xe quá tải. Thậm chí tình trạng xe chở quá tải ngày càng phổ biến và trầm trọng hơn.
Qua những đợt “ra quân” kiểm tra rầm rộ trên cả nước, cơ quan chức năng mới phát hiện phần lớn các xe chở quá tải tới 50%, thậm chí có nhiều xe còn quá tải đến 200%. Trong các cuộc họp giao ban an toàn giao thông hàng quí của UBND TPHCM, lần nào các đơn vị như thanh tra giao thông, công an cũng than rằng rất khó để xử lý vấn nạn này. Cho dù các lực lượng chức năng cắm chốt ngay tại đường dẫn vào cảng nhưng vẫn không kiểm soát được nạn quá tải.
Mặc dù, đồng tình với cơ quan chức năng là phải xử lý nghiêm xe chở quá tải nhưng không phải ngẫu nhiên nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TPHCM đều đặt câu hỏi về việc kiểm soát xe quá khổ ngay từ khâu nhập khẩu. Bởi lẽ những năm qua rất nhiều doanh nghiệp bức xúc khi phải đóng phạt vì chở quá tải, dù trên thực tế xe của họ vẫn chở theo tải trọng của xe. Vấn đề chỉ vì những xe nhập khẩu được làm theo tiêu chuẩn đường sá của nước ngoài.
Trong một cuộc họp góp ý sửa đổi các văn bản pháp luật của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM diễn ra cuối tháng 12-2013, một số doanh nghiệp đề nghị Nhà nước không cho nhập khẩu xe quá khổ so với điều kiện hạ tầng của Việt Nam. Các doanh nghiệp này cho rằng nếu chỉ cho nhập khẩu hoặc sản xuất những xe đúng tải trọng với hạ tầng của Việt Nam thì doanh nghiệp có muốn chở quá tải cũng không chở được. Còn hiện nay cứ cho nhập khẩu xe tải trọng lớn rồi cho lưu hành, sau đó lại đi xử phạt doanh nghiệp là không hợp lý.
Không chỉ có doanh nghiệp lên tiếng về nạn xe quá tải. Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác an toàn giao thông năm 2013 diễn ra vào ngày cuối cùng của năm 2013, ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cũng đề nghị Chính phủ thống nhất chỉ cho phép nhập khẩu những loại xe phù hợp với điều kiện hạ tầng của Việt Nam. Ông nói “hiện nay nhiều xe chở xi măng chất đến 80 tấn thì không đường nào chịu nổi”.
Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải năm 2014, bộ này sẽ trang bị 67 bộ cân di động cho 63 tỉnh, thành phố để xử lý vấn nạn xe chở quá tải. Nhìn một cách tổng thể có thể thấy, với những đợt ra quân rầm rộ hoặc việc trang bị cân di động thì đây mới chỉ là xử lý phần ngọn chứ chưa giải quyết tận gốc. Lẽ ra, thấy hạ tầng của Việt Nam chịu được tải trọng đến đâu thì cơ quan nhà nước chỉ cho nhập loại xe có tải trọng đó trở xuống, như vậy mới giải quyết được nạn xe chở quá tải. Dĩ nhiên, để xử lý tận gốc vấn đề cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp cả về pháp lý lẫn kinh tế thì mới đạt được hiệu quả.