Thứ bảy, 3/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xem phim tài liệu “Bà chúa thơ Nôm”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xem phim tài liệu “Bà chúa thơ Nôm”

Thu Hà

Bìa sách “Giai nhân di mặc”. Ảnh tư liệu.

(TBKTSG Online) - Bộ phim tài liệu “Bà chúa thơ Nôm” của Đài truyền hình Việt Nam sẽ được phát sóng trên kênh VTV1 vào ngày 30-6 lúc 21 giờ 35.

Bộ phim cung cấp cho khán giả những tư liệu về thơ, về cuộc đời của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, một hiện tượng lạ trong lịch sử văn học Việt Nam.

Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương là một hiện tượng đặc biệt, không chỉ trong nội dung và nghệ thuật sáng tác mà ngay cả các văn bản sáng tác của nữ sĩ họ Hồ vẫn còn là những vấn đề đặc biệt, cần nghiên cứu, tìm hiểu. Ngay cả đời tư của bà, cho đến nay vẫn còn là những dấu hỏi.

Với nhiều tác phẩm thơ Nôm, thi sĩ Hồ Xuân Hương đã được gọi bằng là “Bà chúa thơ Nôm” trong nền vǎn học Việt Nam. Tên tuổi Hồ Xuân Hương vượt tầm biên giới khi thơ của bà được chọn dịch và giới thiệu ra nước ngoài. Những bài thơ Nôm được truyền tụng, nổi tiếng của bà như Tự tình, Lấy chồng chung, Bánh trôi nước, Mắng học trò, Đề tranh tố nữ, Miếng trầu, Đề đền Sầm Nghi Đống, Trách Chiêu hổ I-II-III, Động Hương Tích, Quán sứ, Khóc ông Phủ Vĩnh Tường…

Tác phẩm của Hồ Xuân Hương đã bị mất nhiều và đến nay, những bài thơ còn lưu truyền chủ yếu là những bài thơ chữ Nôm truyền miệng.

Năm 1962, ông Trần Văn Giáp đã công bố năm bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương trên báo Văn nghệ viết về vịnh Hạ Long. Đến năm 1983, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã dịch và đặt tên cho năm bài thơ này (bao gồm: Độ Hoa Phong, Hải ốc trù, Nhãn phóng thanh, Trạo ca thanh, Thuỷ vân hương) và công bố trong bài: "Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long", đăng trên tập san Khoa học xã hội, tại Paris vào năm 1984.

Năm 1964, nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại phát hiện một tập thơ nữa tên là "Lưu hương ký", theo những công trình nghiên cứu của nhiều chuyên gia, đến nay nhiều người vẫn tán thành những bài thơ trong đó là của Hồ Xuân Hương.

Cuốn sách quốc ngữ “Giai nhân di mặc” (ảnh) của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến (1916). Theo Hoàng Bích Ngọc, đây là cuốn sách Quốc ngữ ra đời sau cuốn "Xuân Lan" (1913). Nội dung dẫn giải, tiểu thuyết hóa và tuyển chọn được 47 bài thơ Hồ Xuân Hương. Cũng theo tác giả thì đây là cuốn sách đã chi phối rất cơ bản việc nghiên cứu, tuyển chọn thơ Hồ Xuân Hương trong suốt thế kỷ XX.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới