(KTSG Online) – Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành xem xét chưa điều chỉnh tăng giá điện trong thời gian tới, đồng thời tiết kiệm chi phí, kiểm soát, tính toán, xử lý những tồn tại liên quan đến chi phí để giữ ổn định giá điện.
- Giảm giá điện sinh hoạt từ 10-15% trong hai tháng 8 và 9-2021
- Thủ tướng: Phân tích kỹ về giá điện trong Quy hoạch điện VIII
Tại thông báo kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2022 của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ ngành xem xét chưa điều chỉnh tăng giá điện trong thời gian tới. Ngoài ra, cần tiết kiệm chi phí, kiểm soát, tính toán, xử lý những tồn tại liên quan đến chi phí để giữ ổn định giá điện trước áp lực tăng giá của các nguyên liệu đầu vào.
Với mặt hàng xăng dầu, ông giao Bộ Tài chính - với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá - tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng, dầu. Đồng thời, đánh giá kỹ tác động đến ngân sách nhà nước để chuẩn bị sẵn phương án khi cần thiết nếu còn dư địa để kiểm soát mặt bằng chung.
Ngoài ra, tiếp tục theo dõi tình hình, chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu.
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp và nghiên cứu chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu.
Ông cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn các nước trong khu vực.
Về cước phí vận tải, vật liệu xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải được giao theo dõi nắm bắt tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; rà soát việc tăng giá phải phù hợp với diễn biến và cơ cấu của chi phí xăng dầu trong chi phí vận tải.
Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ ngành và địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các mỏ đất, đá, cát xây dựng… xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình trọng điểm quốc gia.
Về tiền tệ, Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, có chính sách quản lý thị trường ngoại hối phù hợp để ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp trong nước.
Ngoài ra, thực hiện chính sách điều hành lãi suất, điều hành tín dụng hợp lý, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp găm giữ, thao túng thị trường ngoại tệ.
Những yêu cầu trên được Phó thủ tướng Lê Minh Khái đưa ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, địa – chính trị thế giới còn nhiều phức tạp, diễn biến khó lường, tác động đan xen trong 6 tháng còn lại của năm 2022. Trong đó có tác động từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt của nhiều nước tác động đến tỷ giá trong nước, những nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt…. có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ, qua đó gây áp lực lớn lên mặt bằng giá.
Sao chưa lần nào thiên hạ nghe nói rằng sẽ xem xét giảm giá điện ? Rất tiếc, không có cơ chế cạnh tranh nên không thể kết luận được. Căn cứ tăng hay giảm phải đánh giá khách quan về nhiều mặt, nhưng điều này lệ thuộc vào chủ quan của các nhà quản lý là chính. Điện năng đang được bổ sung nhiều từ nguồn năng lượng tái tạo, nếu biết sử dụng hợp lý thì không những sẽ tạo điều kiện giảm giá mà còn tiết kiệm nguồn lực tài nguyên lớn cho quốc gia, bảo vệ tốt môi trường sinh thái. Giá điện nếu cứ chạy theo tư duy điều chỉnh tăng mãi sẽ là thảm họa cho lạm phát và đời sống nhân dân.