Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xem xét tính khả thi của tổng mức đầu tư đường vành đai 4 – vùng thủ đô

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –  Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội rà soát kỹ và xem xét tính khả thi của tổng mức đầu tư đường vành đai 4 - vùng thủ đô.

Góp ý về chủ trương đầu tư đường vành đai 4 - vùng thủ đô, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ sự cần thiết phải đầu tư phần đường song hành hai bên đường vành đai và chưa đánh giá mức độ ảnh hưởng của hệ thống đường song hành trong phương án thu phí đường cao tốc.

Vì vậy, cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội làm rõ vấn đề này do việc kết nối liên vùng đã được đảm bảo bởi tuyến cao tốc và tuyến đường cao tốc chủ yếu đi trên cao nên không ảnh hưởng nhiều tới mạng lưới giao thông hiện trạng.

Hướng tuyến đường vanh đai 4 qua địa bàn 3 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên). Ảnh: UBND thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, việc đầu tư 2 tuyến song hành sẽ ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án do sẽ có sự phân lưu phương tiện giao thông vì người dân sẽ ưu tiên lựa chọn 2 tuyến song hành do không phải trả phí.

Với dự án thành phần nhóm 3 gồm đường, cầu cạn, nút giao, cầu, hầm, trạm thu phí, KTNN cho biết tổng chiều dài tuyến của dự án lớn hơn tổng chiều dài tuyến đường (dài hơn 12,5 km cầu cạn), tương ứng gần 4.500 tỉ đồng. Ngoài ra, việc tính khối lượng cầu cạn sang cầu vượt dòng chảy làm tăng giá trị khoảng 549,21 tỉ đồng.

Còn việc xác định khối lượng cầu vượt đúc hẫng nhịp trong báo cáo của Chính phủ cũng đang làm tăng giá trị 494,17 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến thời gian thi công dự án thành phần 3 là 2022-2027. Nhưng sơ bộ tổng mức đầu tư tính toán lãi vay từ tháng 1-2024 đến tháng 12-2026 là chưa phù hợp với tiến độ thi công, theo KTNN.

Về giải phóng mặt bằng (GPMB), chi phí dự kiến khoảng 19.500 tỉ đồng nếu tính toàn bộ số hộ bị mất đất đều nằm trong diện tái định cư. Điều này, theo KTNN, làm tăng chi phí hỗ trợ thuê nhà, giải phóng mặt bằng, xây khu tái định cư.

Về phương án thiết kế sơ bộ, KTNN đề nghị tính toán, so sánh với giải pháp sử dụng giải phân cách cứng giống như dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Vì khi sử dụng giải pháp này sẽ tiết kiệm được diện tích sử dụng đất khoảng 11 héc-ta đất nông nghiệp do mặt cắt ngang sẽ giảm được 3 mét trên đoạn tuyến đi thấp dài 37 km.

Việc này, theo KTNN, giúp giảm chi phí giải phóng mặt bằng, giảm khối lượng đào đắp nền đường, rút ngắn thời gian thi công, giảm chi phí trong quá trình duy tu bảo dưỡng dẫn đến giảm chi phí đầu tư và mang lại hiệu quả hơn cho dự án.

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, mặt cắt ngang của các đoạn đi thấp trong giai đoạn phân kỳ đang thiết kế dốc 2 mái mà chưa nghiên cứu, tính toán phương án thiết kế dốc 1 mái để giảm chi phí bê tông nhựa bù vênh.

KTNN cho rằng nếu sử dụng phương án thiết kế dốc một mái sẽ tiết kiệm khoảng 400 tỉ đồng.

Với những cơ sở trên, KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội và cơ quan liên quan rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư, đồng thời nghiên cứu, tham khảo số liệu tổng mức đầu tư của các dự án tương tự để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư cho phù hợp.

Cơ quan này cũng đề nghị làm rõ việc cùng quy mô đầu tư, nhưng tuyến vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội lại có suất đầu tư cao gấp 1,2 lần đường vành đai 3 - TPHCM.

Cụ thể, vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội có suất đầu tư trung bình 513 tỉ đồng mỗi km, còn dự án vành đai 3 – TPHCM có suất đầu tư trung bình 442 tỉ đồng mỗi km dù cả hai đều có quy mô 4 làn cao tốc. Ngoài ra, lưu lượng phương tiện của dự án vành đai 4 dự kiến chỉ bằng 80% lưu lượng dự án vành đai 3.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới