Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xin ủng hộ một chiến dịch cần thiết

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Gần chín giờ rưỡi tối qua, thứ Ba 18-4, báo mạng VietNamNet đưa tin chính quyền Hà Nội vừa phát công văn hỏa tốc yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang bắt buộc tại một số nơi để ngăn ngừa Covid-19 lây lan(1).

Theo đó, nhân viên và người điều trị tại các cơ sở y tế phải đeo khẩu trang. Tương tự, trên các phương tiện giao thông công cộng, tài xế, nhân viên phục vụ và mọi hành khách phải đeo khẩu trang. Chiếc khẩu trang cũng là bắt buộc đối với nhân viên của các cơ sở phục vụ, như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kinh doanh ẩm thực, vũ trường, karaoke, các địa điểm giải trí, thể dục thế thao, làm đẹp, văn hóa, du lịch. Nơi diễn ra sự kiện đông người, người tổ chức và người tham dự cũng phải đeo khẩu trang.

Quy định mới này của Hà Nội là một biện pháp nhằm phản ứng lại tình hình số ca nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh tại thành phố này.

Bài báo VietNamNet dẫn số liệu từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết tính đến chiều ngày hôm qua, gần 120 ca Covid-19 đang điều trị ở các bệnh viện tại Hà Nội, trong đó 33 ca phải thở ô xy. Theo thống kê, trong vòng một tuần qua, số ca mới mỗi ngày ở thành phố này xấp xỉ 100 với khoảng 30 đến 50 ca nhập viện. Từ đầu tháng 4, Hà Nội là địa phương có số ca nhiễm cao nhất.

Nhiều báo đưa tin hôm thứ Ba Việt Nam ghi nhận hơn 1.500 ca Covid-19 mới, cao nhất trong vòng nửa năm qua. Tuy các con số thống kê khó phản ảnh được hết tình hình thực tế, chúng vẫn phản ảnh xu hướng tăng lên của các ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Đó cũng là tình hình chung của một số nước trên thế giới. Do vậy, dù không nên hoảng sợ, ứng phó đúng mức là cần thiết.

Tại TPHCM, theo báo Tuổi Trẻ, Sở Y tế thành phố đang xem xét kích hoạt trở lại chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao đối với Covid-19. Số liệu ở TPHCM cho thấy số ca Covid-19 ở thành phố này đã tăng nhẹ gần đây, tập trung vào nhóm người cao tuổi(2). Thống kê ở Hà Nội cũng tương tự khi bệnh nhân Covid-19 chủ yếu là người cao tuổi và người có bệnh nền, trẻ em chỉ chiếm từ 2% đến 6% [trong tổng số bệnh nhân ghi nhận mỗi ngày].

Thống kê cuối năm ngoái tại Mỹ cho thấy hơn 90% số người thiệt mạng vì Covid-19 là người cao tuổi (65 tuổi trở lên)(3). Đó cũng là xu hướng trên toàn thế giới. Thiết nghĩ, để bảo vệ nhóm người này, tính toán để kích hoạt chiến dịch vừa nêu của Sở Y tế TPHCM là cần thiết.

Cũng hôm qua, tại TPHCM, bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức hội nghị khoa học thường niên 2023. Tại hội nghị, một nghiên cứu cho thấy rằng tuổi trung bình của nhóm nặng và nguy kịch là 68 tuổi, trong khi số F0 có bệnh nền đái tháo đường và huyết áp chiếm một phần ba các ca nhập viện(4).

Một số liệu khác cũng đáng lưu ý là chi phí điều trị trung bình đối với người nặng, nguy kịch vào khoảng 140 triệu đồng mỗi ca, gần gấp ba lần chi phí điều trị trung bình bệnh nhân Covid-19.

Thêm vào đó, dù chi phí cao, hiệu quả mong muốn lại không cao tương ứng, nếu không nói là thấp. Theo nghiên cứu này, tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân nặng hay nguy kịch tại Chợ Rẫy cao gấp năm lần so với nhóm trung bình.

Từ tính toán của mình, nhóm nghiên cứu ước tính chi phí điều trị cho 43.000 bệnh nhân tử vong vì Covid-19 trên toàn quốc là hơn 6.000 tỉ đồng. Thực tế này đòi hỏi phải tìm phương án giảm mức độ chuyển nặng của người bệnh. “Cụ thể, chúng ta cần nâng cao nhận thức của người dân, tiêm vaccine Covid-19 cho đối tượng có nguy cơ cao, biến chứng nặng. Người có bệnh nền cần có ý thức điều trị bệnh nền ổn định”, một đại diện nhóm nghiên cứu kết luận.

Ở đây có hai điểm cần nhấn mạnh. Thứ nhất, đó là ý thức tự thân của người dân, nhất là người cao tuổi và có bệnh nền, trong việc tự bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính mình. Đó là phải tuân thủ các khuyến cáo của các cơ quan y tế, đặc biệt không thể xem thường việc tiêm vaccine đúng liều, đúng hạn.

Thứ hai, các cơ quan chức năng cũng phải bảo đảm nguồn cung vaccine và các phương tiện điều trị. Hôm qua, Hà Nội đã được phân bổ gần 18.000 liều vaccine Astra-Zeneca và được cho là “giải được cơn khát thiếu vaccine ở một số nơi”(5). Tình hình này khác với mấy ngày trước khi thủ đô chỉ còn vài trăm liều vaccine. Một số người gọi đến trạm y tế hỏi tiêm vaccine nhưng chỉ nhận được câu trả lời là chưa có(6).

Như vừa nói, Sở Y tế TPHCM đang xem xét kích hoạt trở lại chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao đối với Covid-19. Tuy nhiên, cần đưa ra các bước đi cụ thể với thời gian biểu rõ ràng. Những chi tiết liên quan phải được thông báo rộng rãi để ai cũng biết. Cần tránh tình trạng hô hào người dân đi tiêm vaccine, nhưng khi dân hỏi tiêm lúc nào, ở đâu thì lại không trả lời được!

-------------

(1)https://vietnamnet.vn/ha-noi-yeu-cau-mot-so-nhom-nguoi-can-deo-khau-trang-phong-dich-covid-19-2134130.html

(2)https://tuoitre.vn/tp-hcm-xem-xet-kich-hoat-tro-lai-chien-dich-bao-ve-nguoi-thuoc-nhom-nguy-co-do-covid-19-20230418103653673.htm

(3)https://abcnews.go.com/Health/90-covid-deaths-occurring-elderly-adults-cdc/story?id=94211121

(4)https://vietnamnet.vn/chi-phi-dieu-tri-covid-19-lan-dau-tien-duoc-benh-vien-cho-ray-tiet-lo-2133842.html

(5), (6)https://vnexpress.net/ha-noi-phan-bo-18-000-lieu-vaccine-covid-19-4594984.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới