Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xu hướng M&A thay đổi, nhà đầu tư quan tâm đến thực hiện ESG, ứng dụng AI

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) được các chuyên gia dự báo sẽ sôi động trở lại vào năm 2025 nhờ sự thay đổi chính sách trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng sạch.

Các lĩnh vực quen thuộc như tài chính, giáo dục, y tế… cũng được dự báo chuyển biến tích cực hơn, nhưng nhà đầu tư sẽ chú ý đến việc phát triển bền vững, hoạt động ESG, ứng dụng AI... của doanh nghiệp.

Bất động sản Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: LH

Kỳ vọng từ sự thay đổi chính sách

Nối tiếp sự trầm lắng của năm 2023, giao dịch M&A 10 tháng đầu năm 2024 tiếp tục sụt giảm hơn 10% về lượt giao dịch và giảm gần 30% về giá trị so với năm ngoái.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm, sự trầm lắng này là mang tính thời điểm do xu hướng chung của thị trường toàn cầu, kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn phục hồi và biến động địa chính trị trên thế giới.

Các chuyên gia và nhà đầu tư cũng nhìn nhận thị trường M&A ở Việt Nam nhiều tiềm năng, nhất là những thay đổi tích cực về chính sách của Việt Nam sẽ giúp thị trường trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Đơn cử lĩnh vực bất động sản thường thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại được kỳ vọng sẽ sôi động trở lại khi các luật liên quan có hiệu lực, giải quyết những vướng mắc tồn đọng, khơi thông nguồn lực cho các dự án mới.

Theo ông Lee Leong Seng, Giám đốc Bộ phận Phát triển bất động sản nhà ở, Khối bất động sản, Keppel Việt Nam, năm 2025, với các chính sách mới, Keppel kỳ vọng những thay đổi ở tầm vĩ mô sẽ được chuyển hóa thành các hành động cụ thể, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành bất động sản tại Việt Nam.

Hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản, Keppel nhận thấy việc tìm kiếm các tài sản tiềm năng không dễ dàng, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Thông qua M&A, các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận những đối tác tiềm năng, đồng thời tìm thấy những tài sản giá trị để phát triển hoặc đầu tư lâu dài.

“Với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh và dân số vàng, Việt Nam là điểm đến đầy triển vọng của nhiều quỹ đầu tư quốc tế. Đây là thời điểm lý tưởng để các công ty toàn cầu hợp tác với doanh nghiệp địa phương, cùng tạo ra các sản phẩm bất động sản chất lượng cao”, ông nói.

Ông hy vọng khi các chính sách và quy định trở nên chặt chẽ hơn, thị trường sẽ xuất hiện nhiều dự án mới với tính tuân thủ cao. Đây sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ mạnh mẽ cho các hoạt động M&A.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, cũng cho rằng các luật mới liên quan lĩnh vực bất động sản được kỳ vọng giúp rút ngắn thủ tục pháp lý, bảo vệ quyền lợi của các bên, từ đó hứa hẹn môi trường đầu tư ổn định và minh bạch hơn.

Theo đó, giới đầu tư quốc tế vẫn duy trì triển vọng lạc quan về kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam ít nhất trong 5 - 10 năm tới để tiếp tục theo đuổi chiến lược mở rộng và đa dạng hóa danh mục đầu tư. "Các phân khúc chủ đạo trong M&A sẽ tiếp tục là công nghiệp hậu cần, nhà ở thương mại, văn phòng và dự án phức hợp", ông David dự báo.

Các nhà đầu tư kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi ban hành năm 2024 giúp cải thiện điều kiện chuyển nhượng dự án. Những thay đổi này không chỉ gỡ khó khăn cho cả bên mua và bên bán mà còn thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng minh bạch và hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp cần thực hiện ESG sớm. Ảnh: LH

Không chỉ bất động sản, bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty luật Vilaf, cho rằng Việt Nam đang bước vào giai đoạn năng động về luật pháp, tạo ra tác động sâu rộng đến hoạt động doanh nghiệp và thu hút đầu tư trong nước và quốc tế.

Như Luật Viễn thông sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc phát triển trung tâm dữ liệu, dịch vụ viễn thông trên internet... Hay việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp vốn ngoại dễ tiếp cận hơn ngành trò chơi điện tử, bán lẻ...

Ngành năng lượng cũng ghi nhận tín hiệu lạc quan với việc ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp, thắp lên hy vọng cho các dự án năng lượng tái tạo trong bối cảnh nhu cầu điện sạch ngày càng tăng.

"Những thay đổi pháp lý không chỉ giúp giảm gánh nặng cho nhà đầu tư mà còn tạo nền tảng cho sự bùng nổ của các giao dịch M&A, đồng thời củng cố niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam", bà Duyên nói.

Hướng đến giá trị bền vững, ứng dụng AI...

Tại Diễn đàn M&A diễn ra ở TPHCM gần đây, nhiều chuyên gia cũng nhận định thị trường M&A sẽ tăng trưởng vào năm tới.

Lĩnh vực mà các nhà đầu tư lựa chọn M&A trong thời gian tới, theo ông Hoàng Xuân Trung thuộc Ngân hàng Citi tại Việt Nam, Việt Nam có dân số lớn, trẻ, thu nhập tăng, nên nhu cầu sở hữu tài sản, mua sắm, đầu tư rất nhiều. Nhu cầu về tiêu dùng, y tế, giáo dục, làm đẹp sẽ tăng và ngày càng tăng mạnh mẽ, dẫn đến những thương vụ về y tế, giáo dục rất tiềm năng.

TS. Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, cho rằng "khẩu vị" của nhà đầu tư khá đa dạng. Các lĩnh vực chủ chốt như bất động sản, sản xuất, công nghệ thông tin và tiêu dùng vẫn cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ, sẽ thu hút sự quan tâm các nhà đầu tư chiến lược.

Dù vậy, theo ông Ái, nhà đầu tư quan tâm giá trị phát triển lâu dài chứ không chỉ trong ngắn hạn. Do đó, với doanh nghiệp có nhu cầu bán cần chú trọng tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) sớm vì đây là yếu tố quan trọng mà hầu hết nhà đầu tư quan tâm.

"ESG không chỉ giúp tăng sức hấp dẫn mà còn tác động trực tiếp đến giá trị dài hạn của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư", ông nói, và thêm: "Việc xem xét ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng rất quan trọng vì nó là chìa khóa để tăng năng suất, tối ưu hóa hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững".

Theo KPMG Việt Nam, nhà đầu tư chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ, vốn từng dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam, dự kiến sẽ quay trở lại từ 2025 và các năm tới. Ảnh minh họa: LH

Tại Diễn đàn quản trị công ty do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức, bà Kasturi Nathan, thuộc Deloitte Đông Nam Á, cũng cho rằng hiện nay các nhà đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư quốc tế, đang tập trung và dịch chuyển các khoản đầu tư bền vững vào những doanh nghiệp thực thi quản trị công ty gắn với đo lường mức độ tạo tác động đến môi trường và xã hội. Quản trị công tyđược đánh giá là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn vào thị trường, vào doanh nghiệp.

Thị trường M&A tại Việt Nam sẽ còn nhiều thách thức do xu hướng cẩn trọng hơn trong việc xác định các giao dịch và tài sản có thể mang lại giá trị cho nhà đầu tư theo hướng chiến lược, chứ không chỉ đơn thuần là lợi nhuận về mặt tài chính trước mắt.

Do vậy, nhiều chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp khi M&A cần tiếp cận thẩm định đa chiều, toàn diện để xác định rủi ro cũng như đánh giá tiềm năng tăng trưởng của công ty.

Sự chặt chẽ pháp lý của nhà đầu tư ngoại rất khắt khe, nên bên bán cần chuẩn chỉnh hồ sơ nếu có đối tác bên mua.

Khi thị trường M&A được dự đoán “nở hoa” vào năm tới, các chuyên gia cho rằng, bên tư vấn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đến thành công của một thương vụ. Đơn vị tư vấn được ví như người lái tàu, kết nối giữa bên bán và bên mua.

Các nhà tư vấn không chỉ giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, kết nối mà còn hiểu được chiến lược tầm nhìn của mỗi bên; đưa bên mua và bên bán đến được với nhau, từ đó đưa ra kế hoạch giúp phát triển 2 bên hậu thương vụ.

Với sự chuyển mình mạnh mẽ của thị trường M&A, Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn mới, sẵn sàng đón nhận những thương vụ đầu tư lớn và kỳ vọng sẽ thu hút mạnh mẽ nguồn vốn ngoại vào năm những năm tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới