Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xu hướng mạng xã hội lấn sân sang thương mại điện tử đang hình thành

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cơ hội cho thương mại điện tử tăng tốc sau đại dịch là rất lớn vì tư duy lẫn hành vi của người tiêu dùng đều chuyển biến tích cực hướng đến các kênh mua sắm trực tuyến. Cuộc chơi có thể còn nhiều thay đổi khi các nền tảng mạng xã hội đang có xu hướng lấn sân sang thương mại điện tử.

Đây là chia sẻ của ông James Dong, Tổng giám đốc Tập đoàn Lazada tại sự kiện LazMall Brands Future Forum diễn ra tại Singapore vào hôm qua (1-9). Sự kiện này cũng phần nào khái quát lại sự trỗi dậy của thương mại điện tử trong hai năm qua, từ phía người dùng lẫn các nhà cung cấp và các thương hiệu lớn.

Theo kết quả của khảo sát do Lazada thực hiện, mức độ thâm nhập của người dùng để mua sắm trực tuyến dự kiến sẽ đạt 413 triệu người dùng vào năm 2025 tại Đông Nam Á.

Thị trường này cũng được dự đoán sẽ đạt doanh thu 142 tỉ đô la Mỹ trong năm nay với tốc độ tăng trưởng kép là 15%. Trong trung hạn, thương mại điện tử ở khu vực này này có thể đạt 217 tỉ đô la vào năm 2025.

Ông James Dong, CEO Tập đoàn Lazada đánh giá, thương mại điện tử là một cuộc đua marathon. Ảnh: V.D

Ông James Dong cho biết, hiện các sàn thương mại điện tử đã trở thành kênh khám phá sản phẩm ưa thích của người tiêu dùng. Thêm vào đó, trong hai năm qua, người tiêu dùng cũng đã có sự thay đổi lớn trong hành vi lẫn tư duy tiêu dùng, giúp cho các sàn thương mại điện tử tiếp cận được nhiều hơn với khách hàng chất lượng cao. Điều này thúc đẩy các thương hiệu lớn tham gia vào các nền tảng này để tìm kiếm cơ hội kết nối với khách hàng mục tiêu và thúc đẩy tăng trưởng.

Khảo sát quá trình giao dịch trên nền tảng này cho thấy, tính năng tìm kiếm và đề xuất sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong quá trình quyết định mua hàng. Có đến 94% người dùng sử dụng tính năng tìm kiếm để khám phá sản phẩm trên nền tảng và 94% người dùng thực sự mua những sản phẩm mà họ tìm được. Ngoài ra, 71% người dùng đã mua các sản phẩm từ tính năng ‘đề xuất’ sản phẩm phù hợp.

Ông James Dong cho rằng, tập đoàn muốn hướng tới sự phát triển bền vững. Dù đại dịch đã mở ra một cơ hội rất lớn để tăng tốc và bùng nổ nhưng doanh nghiệp vẫn luôn coi đây là một cuộc đua marathon, một con đường dài để hoàn thiện công nghệ và hiểu người dùng.

Nhiều lãnh đạo của tập đoàn này cùng chia sẻ kế hoạch đi đường dài của doanh nghiệp là hướng đến sự cân bằng cho phát triển về hạ tầng công nghệ lẫn trải nghiệm người dùng.

Nền tảng này đang tính tới việc đặt trung tâm dữ liệu (Data Center) để lưu trữ thông tin người dùng tại Việt Nam. Kế hoạch này được cho là động thái mới trong việc đáp ứng các yêu cầu về bảo mật và cơ sở dữ liệu do chính phủ Việt Nam đặt ra với doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc.

Theo đánh giá của Lazada, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một thị trường thương mại điện tử lớn nhất nhì trong khu vực. Xu hướng phát triển của thị trường tương tự những gì đang xảy ra ở thị trường Thái Lan và Phillipines. Chỉ số dự báo tăng trưởng nội bộ của tập đoàn rất tương đồng với những dự báo về việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.

“Cuộc chơi thương mại điện tử có thể còn nhiều thay đổi khi các nền tảng mạng xã hội đang có xu hướng lấn sân sang thương mại điện tử dù sớm hay muộn. Hiện nay, đã họ bắt đầu bằng các ngành hàng dễ thu hút người tiêu dùng như thời trang, mỹ phẩm... Vì vậy một nền tảng thương mại điện tử được xây dựng và có cấu trúc phát triển theo hàng ngang với đầy đủ mặt hàng, có nghiên cứu và thấu hiểu người dùng, đầu tư cho công nghệ sẽ có nhiều lợi thế đáng kể để đi dường dài”, CEO Lazada đánh giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới