Thứ ba, 12/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Xử lý nợ xấu nhìn từ một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm

TS.Bùi Đức Giang(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(PTNH) - Khi nhận một tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho một khoản tín dụng, tài sản này giúp tạo lòng tin cho tổ chức tín dụng (TCTD) là bên cấp tín dụng. Về mặt lý thuyết, khi khách hàng có vấn đề về tài chính hay thanh khoản dẫn tới việc khó hoàn trả khoản tín dụng được cấp thì TSBĐ trở thành “phao cứu sinh” cho TCTD. Tuy vậy, một số vướng mắc về mặt pháp lý đang ít nhiều gây khó khăn cho TCTD trong việc sử dụng phao cứu sinh đó.Từ việc thiếu quy định…

Mặc dù hành lang pháp lý về giao dịch bảo đảm nói chung và về xử lý TSBĐ được sửa đổi và điều chỉnh đáng kể trong vòng hơn 15 năm qua, song vẫn còn khá nhiều khoảng trống pháp lý liên quan đến việc xử lý TSBĐ.

Có thể kể đến việc pháp luật hiện hành không có quy định nào về việc xử lý tài sản thế chấp là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, trong khi đây là biện pháp bảo đảm rất phổ biến trong tài trợ mua nhà ở thương mại thuộc các dự án.

Một ví dụ khác là việc pháp luật về doanh nghiệp hiện chưa có hướng dẫn về thủ tục chuyển quyền sở hữu phần vốn góp khi xử lý thế chấp phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn hay cổ phần trong công ty cổ phần.

Với biện pháp thế chấp quyền đòi nợ (khoản phải thu) - một biện pháp bảo đảm được sử dụng rộng rãi tại các nước phát triển và đang bắt đầu phổ biến tại Việt Nam, khuôn khổ pháp lý mới rõ ràng là bước lùi so với quy định cũ khi đề cập một cách quá sơ lược về cơ chế xử lý TSBĐ đặc thù này. Điều này đặt các TCTD trong tình thế phải hợp đồng hóa các quy định pháp luật trước đây (vốn khá chi tiết và phù hợp) và cũng không chắc chắn về giá trị pháp lý của các điều khoản hợp đồng này trong trường hợp có tranh chấp khi xử lý thế chấp quyền đòi nợ.

Tại một số hội thảo và tọa đàm được tổ chức gần đây, một số cơ quan thi hành án cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức thi hành án về xử lý TSBĐ, do pháp luật hiện hành không có quy định về việc kê biên một số TSBĐ đặc thù như dự án bất động sản hay phần vốn góp.

Dẫu biết rằng giao dịch bảo đảm là một lĩnh vực khá đặc thù và sẽ rất khó đòi hỏi rằng pháp luật phải tiên lượng và đưa ra các giải pháp hiệu quả cho tất cả các vấn đề phát sinh trong thực tế, song thiết nghĩ rất cần có các điều chỉnh và bổ sung đối với hành lang pháp lý hiện hành về xử lý TSBĐ để giúp các TCTD có thể xử lý TSBĐ hiệu quả hơn và qua đó góp phần giảm thiểu nợ xấu.

Cần lưu ý việc thiếu quy định pháp luật không phải chỉ liên quan đến khuôn khổ pháp lý chung về các biện pháp bảo đảm (bao gồm Bộ luật Dân sự (BLDS) và các văn bản hướng dẫn, thi hành) mà còn là vấn đề của một số pháp luật chuyên ngành.

Đơn cử việc pháp luật đất đai vẫn bỏ ngỏ vấn đề liệu TCTD có quyền xử lý phần diện tích thực tế tăng thêm so với diện tích ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được ghi nhận trong hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất hay không.

Đối với việc xử lý quyền khai thác khoáng sản được thế chấp, TCTD cũng gặp khó khăn trong bối cảnh không có quy định trong pháp luật khoáng sản điều chỉnh về vấn đề này. Tương tự, pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng không có quy định nào liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu trí tuệ trong trường hợp xử lý thế chấp tài sản trí tuệ.

…Đến tình trạng quy định còn mập mờ

Không chỉ thiếu quy định về xử lý TSBĐ, một vấn đề vẫn còn khiến cho các TCTD ít nhiều lúng túng là tình trạng một số quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn chưa thực sự rõ ràng. Câu chuyện về thu giữ TSBĐ là một ví dụ điển hình.

Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, được sửa đổi, bổ sung năm 2022 (Nghị quyết 42) công nhận quyền thu giữ TSBĐ của TCTD nhưng đặt ra một số điều kiện cho việc thực hiện quyền này.

Tuy nhiên, đối với các khoản nợ xấu không thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản này, cụ thể là các khoản nợ xấu được hình thành kể từ ngày 15-8-2017, vấn đề thu giữ sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chung về giao dịch bảo đảm, tức là của BLDS và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều đáng bàn là BLDS có vẻ không công nhận quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận bảo đảm, nhưng lại nhắc đến chi phí thu giữ, trong khi nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của bộ luật này về giao dịch bảo đảm không có quy định nào trực tiếp điều chỉnh vấn đề này.

Sự mập mờ trong quy định pháp luật về thu giữ TSBĐ đã tiêu tốn không ít giấy mực trong thời gian vừa qua. Trong thực tế, một số TCTD vẫn tiến hành thu giữ TSBĐ (đặc biệt là đất trống và phương tiện vận tải) nhưng vẫn khá lo lắng về nguy cơ bị bên thế chấp khởi kiện hủy kết quả xử lý TSBĐ.

Thực ra, thu giữ TSBĐ, không chỉ đơn thuần là một bước để tiếp cận và kiểm soát TSBĐ mà còn là một vấn đề khá nhạy cảm. Chính Nghị quyết 42 cũng nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ TSBĐ và thực tế cho thấy có một số vụ việc thu giữ TSBĐ của TCTD để lại dư âm không tốt trong dư luận trong thời gian vừa qua.

Do đó, vấn đề đặt ra là nếu pháp luật cho phép thực hiện việc thu giữ TSBĐ thì cần có các quy định rõ ràng và đặc biệt có thể dung hòa được giữa việc thực hiện quyền tiếp cận và kiểm soát TSBĐ của TCTD và việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Và hướng dẫn áp dụng còn khó… tiên lượng

Cũng liên quan đến việc quy định pháp luật không rõ ràng, có thể kể đến cơ chế bảo vệ TCTD là bên nhận thế chấp ngay tình khi giao dịch ban đầu liên quan đến tài sản thế chấp bị tuyên vô hiệu. Thực vậy, phần quy định liên quan trong BLDS không thực sự rõ ràng về việc giao dịch thế chấp có được bảo vệ bởi cơ chế này không.

Trong bối cảnh đó, vào năm 2019, Tòa án Nhân dân Tối cao đã có văn bản hướng dẫn theo hướng công nhận rằng trường hợp giao dịch chuyển nhượng/mua bán nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng/bên mua đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho TCTD theo đúng quy định của pháp luật thì giao dịch thế chấp đó không vô hiệu.

Hướng dẫn trên thực sự là điều mong chờ của các TCTD, bởi trong nhiều trường hợp khi xử lý TSBĐ lại xuất hiện (dù là vô tình hay hữu ý!) một bên thứ ba tranh chấp với bên thế chấp về TSBĐ, và trước khi có hướng dẫn đó thì các tòa án thường có xu hướng tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu hay bị chấm dứt do hợp đồng ban đầu vô hiệu.

Điều đáng nói là ít lâu sau đó, vào năm 2021, Tòa án Nhân dân Tối cao lại có thêm một hướng dẫn mới, tuy không phủ nhận hướng dẫn nêu trên, nhưng lại giới hạn đáng kể việc áp dụng cơ chế bảo vệ TCTD ngay tình. Theo đó, TCTD sẽ không được coi là bên nhận thế chấp ngay tình nếu không thẩm định, xác minh nên không biết bên chuyển nhượng/bên bán (chủ sở hữu cũ) vẫn quản lý, sử dụng nhà đất hoặc đã thẩm định nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh bên đó biết việc bên nhận chuyển nhượng/bên mua thế chấp tài sản này cho TCTD.

Yêu cầu thẩm định, xác minh hay thông báo nêu trên không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được trong thực tế và do đó TCTD vẫn đối diện nguy cơ hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu, tức là TCTD không thể xử lý được TSBĐ.

Nhiều TCTD hiện khá băn khoăn liệu sẽ có thể còn có thêm các hạn chế như thế trong thời gian tới hay không, để có thể điều chỉnh kịp thời và hiệu quả các quy trình về nhận và xử lý TSBĐ của mình.

Trên đây là một số khó khăn và bất cập về mặt pháp lý liên quan đến việc xử lý TSBĐ. Các khó khăn và bất cập đó chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể về các vấn đề mà các TCTD đang gặp phải trong thực tế. Dẫu biết rằng giao dịch bảo đảm là một lĩnh vực khá đặc thù và sẽ rất khó đòi hỏi rằng pháp luật phải tiên lượng và đưa ra các giải pháp hiệu quả cho tất cả các vấn đề phát sinh trong thực tế, song thiết nghĩ rất cần có các điều chỉnh và bổ sung đối với hành lang pháp lý hiện hành về xử lý TSBĐ để giúp các TCTD có thể xử lý TSBĐ hiệu quả hơn và qua đó góp phần giảm thiểu nợ xấu.

(*) Giảng viên Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới