(KTSG Online) - Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 10 tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 93 triệu đô la Mỹ. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 821 triệu đô la Mỹ, tăng 18%. Đây là lần đầu tiên sau hơn 2 năm, giá trị xuất khẩu cá ngừ theo tháng vượt mốc 90 triệu đô la Mỹ.
- Xuất khẩu cá tra 2025: triển vọng lạc quan nhưng còn nhiều việc phải làm
- Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ lo thiếu nguyên liệu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), nếu xu hướng tăng trưởng này được duy trì, tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong năm 2024 có khả năng đạt mức 1 tỉ đô la Mỹ, tăng 18% so với năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chủ lực đã có sự tăng trưởng tích cực trong tháng 10, ngoại trừ hai thị trường là EU và Hàn Quốc.
Trong đó, việc hết hạn ngạch và các vấn đề IUU đã khiến xuất khẩu cá ngừ sang EU giảm 15% trong tháng 10. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng tốt các tháng trước, tổng xuất khẩu sang thị trường này vẫn tăng 17%.
Sau một quí 3 với tốc độ tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đã có sự chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm. Nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong dịp cuối năm cùng với những tác động từ cuộc bầu cử tổng thống đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu cá ngừ của nước này. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đã tăng trưởng 30% trong tháng 10.
Cùng với thị trường Mỹ, các quốc gia Trung Đông cũng đang gia tăng nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này đang có xu hướng tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt tại các thị trường như Israel, Ai Cập và Saudi Arabia trong 10 tháng qua.
Mặc dù còn chịu ảnh hưởng của các xung đột chính trị nhưng việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) đã tạo ra một động lực mới, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu cá ngừ sang khu vực Trung Đông.
Ngoài ra, sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản và sự mạnh lên của đồng yên đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 10, đạt mức tăng gần 31%.