Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu cá tra: ‘ánh sáng’ đã quay trở lại?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với mức tăng trưởng xuất khẩu dương trong hai tháng gần đây so với cùng kỳ năm trước, một số nhận định cho rằng “điểm sáng” ngành hàng cá tra Việt Nam sẽ quay trở lại, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào dịp cuối năm. Thế nhưng, liệu ngành hàng cá tra đã hết khó?

Ngành cá tra vẫn chưa hết khó khăn. Ảnh: Trung Chánh

Tăng trưởng dương hai tháng liên tiếp

Mới đây, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã công bố bảng thống kê theo tháng về kim ngạch xuất khẩu ngành hàng cá tra Việt Nam cho thấy, tháng 9-2023, loại thuỷ sản này đã mang về gần 167 triệu đô la Mỹ, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng đầu tiên kể từ đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương.

Khi nhìn vào dữ liệu thống kê kim ngạch xuất khẩu cá tra theo tháng được VASEP công bố, thì mức độ sụt giảm kim ngạch xuất trong tháng 6,7 và 8-2023 so với cùng kỳ năm ngoái đã được thu hẹp đáng kể khi so với 3 tháng liền kế trước đó, tức tháng 4,5 và 6-2023 so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, do mức độ sụt giảm kim ngạch lớn trong những tháng trước đó, cho nên, luỹ kế xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm 2023 đạt gần 1,4 tỉ đô la Mỹ, giảm đến 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bước sang tháng 10-2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam tiếp tục phục hồi khi có kim ngạch đạt 189 triệu đô la Mỹ, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này, giúp đưa luỹ kế kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2023 đạt trên 1,5 tỉ đô la Mỹ, giảm còn 28% so với cùng kỳ.

Từ những tín hiệu tích cực như nêu trên, một số nhận định cho rằng, xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ khôi phục trở lại, giúp thu hẹp khoảng cách sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái và có khả năng đạt kim ngạch 2 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, tức chỉ giảm hơn 440 triệu đô la Mỹ so với năm 2022.

Nhưng liệu đã hết khó?

Tuy nhiên, tại hội nghị “Đánh giá tình hình ngành cá tra năm 2023 và phương hướng kế hoạch năm 2024” diễn ra mới đây ở tỉnh Đồng Tháp, một số doanh nghiệp và chuyên gia của ngành hàng này nêu ra những thông tin cho thấy tình hình vẫn chưa khả quan.

Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang cho biết, trong giai đoạn khó khăn của ngành cá tra, doanh nghiệp kỳ vọng 3 tháng cuối năm 2023 (quí 4-2023) doanh số xuất khẩu sẽ tăng lên. “Tuy nhiên, 10 ngày đầu của tháng 11-2023 gần như chúng ta không bán được hàng”, ông cho biết.

Theo ông Văn, giá thành cao khiến cá tra Việt Nam không thể cạnh tranh lại so với một số sản phẩm trong cùng phân khúc. “Đối với cá lóc bông, Trung Quốc họ nuôi giá thành có 24.000 đồng/kg, trong khi cá tra Việt Nam lên đến 1,2 đô la Mỹ/kg”, ông dẫn chứng và cho rằng, hiện giá thành cá tra Việt Nam cũng cao hơn so với cá minh thái Alaska.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thuỷ sản Cafatex cũng cho rằng, cá tra Việt Nam hiện chịu sức ép cạnh tranh rất lớn bởi cá minh thái Alaska. “Trước kia giá cá tra thấp hơn cá Alaska Pollock (cá minh thái Alaska), nhưng bây giờ cao hơn”, ông nói và dẫn chứng, vào những năm 2000 giá thành sản xuất cá tra Việt Nam chỉ 1 đô la Mỹ/kg, nhưng hiện nay đã là 1,2 đô la Mỹ/kg.

Theo ông Kịch, gia đình ông có 80 ao nuôi cá tra với diện tích khoảng 150 héc ta, có khả năng cung cấp 25.000 tấn sản phẩm, nhưng đã giảm nuôi khoảng 2-3 năm nay. “Bà xã tôi còn nuôi hơn 1.000 tấn để gom lại chế biến, nhưng bán cũng không được”, ông Kịch nói và dẫn chứng, hiện còn tồn kho khoảng 500-700 tấn. “Bây giờ phải bán từng container vì tôi chế biến sản phẩm cao cấp bán vào Mỹ, Nhật”, ông cho biết thêm.

“Tại sao ngành cá tra Việt Nam đợt này mới lên tiếng khó?”, ông Phan Hoàng Duy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Cần Thơ (Caseamex) đặt câu hỏi và cho rằng, ngành hàng này gặp khó từ đầu năm 2023, nhưng doanh nghiệp kỳ vọng quí 4-2023 tình hình sẽ tốt hơn nên cố gồng gánh. “Nhưng, quí 4-2023 đã qua 1 tháng rồi mà vẫn chưa có điểm sáng cuối con đường nào xuất hiện”, ông ví von.

Tuy nhiên, theo ông Duy, đơn vị này vẫn rất kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc và Mỹ, bởi dịp cuối năm người tiêu dùng, nhất là Mỹ rất ưa chuộng thuỷ sản. “Chúng tôi đang kỳ vọng vào thị trường này, nhưng nếu một thời gian ngắn tới không có gì thay đổi, thì “sức khoẻ” của doanh nghiệp chắc chắn sẽ khó khăn hơn nữa”, ông cho biết.

Đến thời điểm hiện tại, tất cả doanh nghiệp ngành thuỷ sản đang rất cố gắng duy trì sản xuất để giữ nguồn lao động- vốn là lực lượng gắn bó lâu năm với doanh nghiệp. “Mình đang cố gắng làm sao duy trì đời sống anh em công nhân; cố gắng gồng gánh vấn đề các khoản vay đến hạn, đặc biết là cuối năm’, ông Duy nói.

Ông Trần Văn Hùng, người sáng lập Công ty TNHH Hùng Cá nói rằng, thời điểm hiện nay giá cá cao nhất cũng chỉ 26.500 đồng/kg, tức nông dân và doanh nghiệp nuôi cá đang lỗ trên dưới 1.000 đồng/kg. “Hai tuần rồi, giá cá xuất khẩu cũng sụt tiếp 10 cent/kg”, ông nói và cho biết, thị trường đang rất khó khăn.

Ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, ngành hàng này đang trong chu kỳ “đi xuống” và dự báo phải mất một thời gian khá dài để có thể phục hồi khi cung- cầu đạt mức cần bằng trở lại.

Theo đó, đến cuối tháng 10-2023, diện tích nuôi mới cá tra đạt 5.319 héc ta, tăng trên 85% so với cùng kỳ; diện tích thu hoạch là 3.663 héc ta, tăng trên 34%, với sản lượng đạt trên 1,33 triệu tấn, tăng trên 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi diện tích nuôi và sản lượng thu hoạch tăng cao, thì kim ngạch xuất khẩu đến cuối tháng 10-2023 lại sụt giảm 28% (đạt hơn 1,5 tỉ đô la Mỹ) so với cùng kỳ, khiến ngành hàng chủ lực này ở Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới