Thứ hai, 18/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 3, trong khi nhập khẩu cũng bất ngờ giảm. Dữ liệu thương mại mới nhất nhấn mạnh nhiệm vụ khó khăn mà các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đối mặt khi họ cố gắng vực dậy nền kinh tế bằng cách tăng đầu tư sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy yếu và khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Các container tập kết ở cảnh Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Xuất khẩu, nhập khẩu đều không đạt dự báo

Dữ liệu của hải quan Trung Quốc công bố hôm 12-4 cho thấy, trong tháng trước, xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tính theo giá trị đô la Mỹ, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8-2023. Mức giảm này mạnh hơn so với mức dự báo giảm 2,3% trong cuộc thăm dò ý kiến ​​của các nhà kinh tế do Reuters thực hiện. Tuy nhiên, riêng xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng trưởng ở mức cao nhất kể từ tháng 7-2016. Tính chung quí 1, xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị xuất khẩu giảm cho thấy những thách thức khi Bắc Kinh chuyển sang sản xuất và thương mại để chèo lái nền kinh tế thoát khỏi tình trạng tăng trưởng chậm chạp do cơn suy thoái trong lĩnh vực bất động sản cũng như niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư suy yếu.

Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 cũng bất ngờ giảm 1,9%, kém hơn mức dự báo tăng 1,4% của các nhà kinh tế.  Đáng chú ý, nhập khẩu đậu nành giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm, trong khi nhập khẩu dầu thô giảm 6%.

Số liệu nhập khẩu suy giảm nhấn mạnh tình trạng nhu cầu trong nước chậm chạp. Điều này cũng đã được thể hiện qua dữ liệu công bố hôm 11-4, cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 3 chỉ tăng 0,1% so với cách đây một năm.

Nền kinh tế Trung Quốc có khởi đầu tương đối vững chắc trong năm nay sau khi các nhà hoạch định chính sách tung ra các biện pháp hỗ trợ nhằm vực dậy tiêu dùng hộ gia đình, đầu tư tư nhân và niềm tin thị trường kể từ nửa cuối năm 2023.

Dù vậy, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vẫn không đồng đều và giới phân tích không kỳ vọng sự phục hồi toàn diện sớm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Các nhà xuất khẩu của Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn khó khăn trong phần lớn năm ngoái do nhu cầu nước ngoài suy yếu và chính sách tiền tệ toàn cầu thắt chặt. Với việc Cục Dự trữ liên bang (Mỹ) và các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển khác không vội vã giảm lãi suất trong năm nay, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể đối mặt với giai đoạn thách thức tiếp theo khi họ nỗ lực đẩy mạnh doanh số bán hàng ở nước ngoài.

Theo Eswar Prasad, nhà kinh tế và giáo sư chính sách thương mại của Đại học Cornell (Mỹ), xuất khẩu của Trung Quốc tính theo đô la giảm có thể là do yếu tố tỷ giá hối đoái và sự suy yếu dai dẳng ở một số thị trường xuất khẩu trọng điểm, đặc biệt là ở châu Âu.

Xuất khẩu trong tháng 3 của Trung Quốc, tính theo đồng đô la, giảm mạnh nhất trong 7 tháng. Ảnh: Financial Times

Giành thị phần xuất khẩu bằng cách giảm giá bán

Các nhà sản xuất Trung Quốc đã giành được thị phần lớn hơn trên toàn cầu nhờ giảm giá bán để giải quyết tình trạng dư cung trong nước.

Bắc Kinh đang đối mặt những cáo buộc từ Mỹ và châu Âu rằng các ngành công nghiệp của nước này đang rơi vào tình trạng dư cung, dẫn đến nguy cơ các nhà xuất khẩu bán phá giá hàng hóa với giá rẻ giả tạo trên thị trường quốc tế. Các đối tác thương mại của Trung Quốc đang kêu gọi Bắc Kinh đầu tư nhiều hơn để kích thích nhu cầu trong nước nhằm lấp khoảng trống mà lĩnh vực bất động sản để lại.

“Điều quan trọng là sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc đang ở mức cao kỷ lục. Các nhà sản xuất Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô, tấm pin mặt trời, tuốc bin gió ... đang phát động cuộc tranh khốc liệt về giá, gây tổn thương cho các đối thủ ở các nền kinh tế như Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản”, Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, nói.

“Trung Quốc đang giành thị phần xuất khẩu với các nhà xuất khẩu châu Á khác và có thể kìm hãm hoạt động xuất khẩu ở những nơi khác trên thế giới”, Neumann của HSBC cho biết.

Ông nói thêm, giá hàng hóa thấp của Trung Quốc có lợi cho người tiêu dùng trên toàn thế giới và sẽ giúp các chính phủ đẩy lùi áp lực lạm phát. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là áp lực cạnh tranh lớn hơn đối với các nhà xuất khẩu ở các nước khác.

Áp lực kích thích thêm cho nền kinh tế

Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 4,6% trong quí đầu tiên, theo dự báo của các nhà kinh tế. Đây sẽ là mức tăng trưởng chậm nhất trong một năm và có thể gia tăng áp lực để các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh triển khai thêm các biện pháp kích thích.

“Bên cạnh sự ảnh hưởng của tỷ giá, tăng trưởng kém hơn dự kiến của cả xuất khẩu và nhập khẩu trong tháng 3 cho thấy Trung Quốc sẽ cần kích thích chính sách toàn diện và có mục tiêu hơn để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế tham vọng. Sẽ phải mất một chặng đường dài để ngoại thương của Trung Quốc một lần nữa cung cấp động lực tăng trưởng cho quốc gia”, Bruce Pang, nhà kinh  tế trưởng tại của Jones Lang Lasalle, bình luận.

Giới phân tích cảnh báo, những lo ngại của phương Tây về tình trạng dư thừa năng lực của Trung Quốc trong một số ngành công nghiệp có thể dẫn đến nhiều rào cản thương mại hơn đối với trung tâm sản xuất của thế giới.

Tháng trước, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm là khoảng 5%, mục tiêu mà các nhà phân tích mô tả là đầy tham vọng. Một số nhà phân tích cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang đối mặt bài toán nan giải khi tín dụng chảy vào sản xuất nhiều hơn tiêu dùng, làm lộ ra những khiếm khuyết về cơ cấu trong nền kinh tế và làm giảm hiệu quả của các công cụ chính sách tiền tệ.

Về mặt tài khóa, Trung Quốc có kế hoạch phát hành 1.000 tỉ nhân dân tệ (138,18 tỉ đô la) trái phiếu siêu dài hạn để hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng. Bắc Kinh cũng tăng hạn ngạch phát hành trái phiếu đặc biệt trong năm 2024 của các chính quyền địa phương, lên 3,9 nghìn tỉ nhân dân tệ từ mức 3,8 nghìn tỉ nhân dân tệ vào năm 2023.

Ngoài ra, trong nỗ lực phục hồi nhu cầu, tháng trước chính phủ Trung Quốc phê duyệt một kế hoạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp thiết bị quy mô lớn và người tiêu dùng nâng cấp ô tô và đồ gia dụng. Kế hoạch này dự kiến tạo ra nhu cầu thị trường hơn 5 nghìn tỉ nhân dân tệ mỗi năm.

Theo Reuters, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới