(KTSG Online) – Nhu cầu mạnh mẽ của Ấn Độ và Trung Quốc giúp xuất khẩu dầu và chế phẩm dầu mỏ của Nga trong tháng 4 tăng lên mức cao hơn bất kỳ tháng nào kể từ khi nước này đưa quân sang biên giới Ukraine vào cuối tháng 2-2022. Tuy nhiên, doanh thu xuất khẩu các sản phẩm năng lượng này của Nga vẫn giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái do giá dầu giảm, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
- Các ‘đại gia’ dầu mỏ ở vùng Vịnh gom dầu và nhiên liệu giá rẻ của Nga
- Quy mô đội tàu bí ẩn chuyên chở dầu của Nga tăng nhanh
Trong báo cáo định kỳ hàng tháng công bố hôm 16-5, IEA cho biết xuất khẩu dầu và chế phẩm dầu mỏ của Nga tăng thêm 50.000 thùng, lên 8,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4, mức cao mới kể từ tháng 3-2022. Con số này cao hơn mức xuất khẩu trung bình 7,5 triệu thùng và 7,7 triệu thùng/ngày của Nga, lần lượt trong năm 2021 và 2022.
Sự gia tăng các lô hàng xuất khẩu cho thấy thành công của Moscow trong nỗ lực tìm kiếm khách mua dầu mới kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu Nga vào khu vực này bằng đường biển đồng thời G7 và các đồng minh áp chính sách giá trần 60 đô la/thùng với dầu xuất khẩu của Nga kể từ đầu tháng 12 năm ngoái.
Moscow đã tìm cách hợp tác ngày càng nhiều với công ty thương mại và tàu chở dầu ít tên tuổi để phát triển mạng lưới vận chuyển dầu thô của nước này ra thị trường quốc tế, chủ yếu đến các nước châu Á.
“Nga dường như gặp rất ít khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng mới sẵn sàng mua dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của mình”, báo cáo của IEA cho biết.
Theo ước tính của IEA, dù xuất khẩu nhiều hơn nhưng doanh thu xuất khẩu dầu và chế phẩm dầu mỏ hàng tháng của Nga thấp hơn 27% so với tháng 4-2022, một phần do giá dầu giảm. Tuy nhiên, mức chiết khấu của dầu Nga bắt đầu thu hẹp dần so với giá dầu chuẩn toàn cầu Brent, xuống còn 24,35 đô la/ thùng. Do đó, giá dầu xuất khẩu bình quân bằng đường biển của Nga trong tháng trước tăng lên mức 60,12 đô la/thùng, cao hơn một chút so với mức giá trần. Điều này là do Moscow tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ tàu chở dầu bên ngoài phương Tây có thể hoạt động mà không tuân theo chính sách giá trần. Nhờ vậy, doanh thu xuất khẩu dầu và chế phẩm dầu mỏ của Moscow trong tháng 4 đạt 15 tỉ đô la, tăng từ 13,3 tỉ đô la trong tháng 3. Chỉ tính riêng dầu thô, Nga đã xuất khẩu 5,2 triệu thùng dầu /ngày trong tháng 4. Trong số đó, 2,1 triệu thùng/ngày tới Trung Quốc và 2 triệu thùng/ngày tới Ấn Độ.
Một thông tin đáng chú ý khác là IEA nhận định Nga chỉ cắt giảm sản lượng dầu 200.000 thùng ngày, thấp hơn con số 500.000 thùng/ ngày mà nước này tuyên bố bắt cắt giảm kể từ tháng 3. Theo IEA, sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 4 là khoảng 9,6 triệu thùng/ngày, thấp hơn chỉ 200.000 thùng so với tháng 2. IEA nhận định Nga có thể đã giảm sản xuất thấp hơn mức tuyên bố để bù đắp cho doanh thu suy giảm.
IEA cho biết thêm, nhập khẩu dầu mỏ từ Nga đã giúp đáp ứng nhu cầu dầu ngày càng tăng ở Trung Quốc, đạt mức cao nhất trong lịch sử là 16 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
Tổ chức tư vấn và phân tích năng lượng có trụ sở ở Paris nhận xét đà phục hồi nhu cầu dầu của Trung Quốc tiếp tục vượt kỳ vọng. Vì vậy, IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 lên 102 triệu thùng/ngày, cao hơn 2,2 triệu thùng/ngày so với năm ngoái. Trung Quốc sẽ đóng góp 60% trong mức tăng này.
Theo IEA, giá dầu thô toàn cầu giảm trong tháng 4 và đầu tháng 5, với giá dầu thô Brent giảm gần 16 đô la/thùng chỉ trong hai tuần, “tương phản hoàn toàn” với tình hình thị trường dự kiến thắt chặt hơn trong phần còn lại của năm. Tổ chức này dự báo trong nửa cuối năm, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ cao hơn nguồn cung gần 2 triệu thùng/ngày. IEA giải thích giá dầu chịu áp lực trong thời gian qua do hoạt động sản xuất công nghiệp suy yếu kết hợp lãi suất tăng cao trên toàn cầu làm dấy lên lo ngại về các kịch bản kinh tế suy thoái.
Theo Financial Times, Bloomberg, Reuters