Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu dệt may sang Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tình chung 4 tháng của năm 2023, xuất khẩu dệt may cả nước đạt khoảng 11,7 tỉ đô la Mỹ, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời điểm này, chỉ có thị trường Nhật Bản tăng 6,6%, nhiều thị trường sụt giảm, trong đó thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm trên 30%.

Các doanh nghiệp trong ngành dệt may bị sụt giảm đơn hàng xuất khẩu khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

TTXVN đưa tin, theo báo cáo của Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tháng 4-2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 3,06 tỉ đô la Mỹ, giảm 20,6% so với mức 3,86 tỉ đô la cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 11,7 tỉ đô la, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu dệt may tháng 4-2023, thống kê cho thấy tất cả các thị trường xuất khẩu chính đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Mỹ giảm 30%, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,15 tỉ đô la; thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm 9,7% đạt 349 triệu đô la; thị trường Hàn Quốc giảm 21%, đạt 237 triệu đô la và Nhật Bản giảm 3%.

Tính chung 4 tháng năm 2023, chỉ duy nhất thị trường Nhật Bản tăng 6,6% còn lại thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm trên 30% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

TTXVN dẫn thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, doanh nghiệp dệt may đang gặp phải những khó khăn như thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu.

Từ giữa năm 2022 đến nay, doanh nghiệp không đầu tư và có xu hướng bán lại. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với doanh nghiệp dệt may.

Thêm vào đó, doanh nghiệp gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5-2%. Tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản đảm bảo nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi doanh nghiệp gần như cạn kiệt tài sản.

Trên bình diện chung, kết quả các cuộc khảo sát của HUBA cho thấy, có đến 41,2% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% cho rằng họ đang bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh, 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất-kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%.

Số lượng doanh nghiệp trả lời đã ổn định được hoạt động kinh doanh là 52,9% trong khi số doanh nghiệp cho biết bị giảm sút doanh thu chiếm tỷ lệ 41,2%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới