Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu gạo đang trong bối cảnh nhạy cảm và nhiều rủi ro

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thương mại gạo thế giới, nhất là với thị trường truyền thống của Việt Nam được dự báo vẫn rất lớn trong năm nay. Tuy nhiên áp lực cạnh tranh bán hàng là không nhỏ khi Ấn Độ có khả năng trở lại đường đua thời gian tới. Đứng trước bối cảnh này, mọi quyết định của doanh nghiệp điều tiềm ẩn rủi ro…

Xuất khẩu gạo vẫn ấn chứa đầy rủi ro dù nhu cầu được dự báo rất lớn. Ảnh: Trung Chánh

“Triển vọng” nhu cầu lớn

Dự báo triển vọng gạo toàn cầu của các tổ chức quốc tế đều chung nhận định, đó là thương mại gạo thế giới tiếp tục tăng cao, nhất là nhu cầu từ thị trường gạo truyền thống của Việt Nam.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo triển vọng ngành lúa gạo tháng 7-2024 đã nâng dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2024 thêm 500.000 tấn, lên mức 55,3 triệu tấn và năm 2025 cũng ở mức cao, là 54,3 triệu tấn.

Còn báo cáo thị trường ngũ cốc tháng 7-2024 của Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC), đơn vị này đưa ra dự báo thương mại gạo toàn cầu niên vụ 2024/2025 ở mức 53 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với dự báo được ICG đưa ra trước đó.

Về phía các thị trường nhập khẩu, USDA dự báo nhập khẩu gạo của Philippines năm 2024 (Philippines là thị trường truyền thống của gạo Việt Nam) sẽ tăng cao sau khi quốc gia này điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) từ 35% xuống còn 15% cả trong và ngoài hạn ngạch. Trong đó, 5 tháng đầu năm 2024, Philippines đã nhập khoảng 2,3 triệu tấn, riêng Việt Nam chiếm khoảng 1,8 triệu tấn.

Trong khi đó, một thị trường truyền thống khác của Việt Nam là Indonesia, 5 tháng đầu năm nay, quốc gia này đã nhập khẩu 2,2 triệu tấn và có kế hoạch nhập khẩu thêm 2,2 triệu tấn trong nửa cuối năm, tức tổng lượng gạo nhập khẩu sẽ trên 4,4 triệu tấn. Thậm chí, có một số thông tin dự báo lượng gạo nhập khẩu của Indonesia sẽ vượt 5 triệu tấn trong năm nay.

Còn về kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm nay, báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, gạo Việt Nam tiếp tục có kết quả tích cực khi luỹ kế từ đầu năm đến ngày 15-7 đạt khối lượng xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn, với trị giá trên 3 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,9% về số lượng và 28,26% về giá trị so với cùng kỳ.

Áp lực không nhỏ, doanh nghiệp phải thận trọng

Triển vọng thị trường có, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn chịu áp lực rất lớn khi nhiều thông tin dự báo Ấn Độ “mở cửa” xuất khẩu gạo trở lại từ tháng 8-2024 khi tồn kho trong nước tăng cao. Điều này, khiến mọi quyết định mua/bán ở thời điểm hiện tại của những quốc gia khác đều rất thận trọng.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty lương thực Vạn Lợi cho biết, nhu cầu thị trường có, nhưng các hợp đồng ký mới ở thời điểm hiện tại vẫn khá thận trọng, như với thị trường Philippines hay thậm chí một số đối tác khác hỏi mua với mục đích để… “dò giá”.

Tâm lý người mua chờ đợi, trong khi người bán lại lo ngại Ấn Độ sớm “bùng nổ” xuất khẩu trở lại đã “kéo” giá gạo của các quốc gia xuất khẩu chính trên thế giới xuống mức khá thấp.

Theo đó, gạo Việt Nam được chào bán với loại 5% tấm (giá FOB-Free on board) ở thời điểm hiện tại chỉ khoảng 559-563 đô la Mỹ/tấn; Thái Lan là 566-570 đô la Mỹ/tấn; Pakistan và Myanmar lần lượt ở mức 574-578 và 565-569 đô la Mỹ/tấn, mức giá thấp nhất kể từ cuối năm 2023 đến nay.

Riêng đối với Việt Nam, như đã nêu ở trên, do tâm lý lo ngại Ấn Độ sớm “quay lại” nên không ít doanh nghiệp “mạo hiểm” bỏ thầu hợp đồng bán gạo cho Indonesia với mức giá “khá mạo hiểm” nếu so sánh giá thành gạo nội địa ở thời điểm hiện tại.

Theo đó, Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đã bỏ thầu để chào bán gạo cho Indonesia (Indonesia đã phát hành thư mời đấu thầu quốc tế mua 320.000 tấn cách đây ít ngày) với mức giá thấp nhất là khoảng 567,5 đô la Mỹ/tấn và cao nhất khoảng 577,5 đô la Mỹ/tấn (giá CFR- Cost and Freight).

Chào bán mức giá nêu trên được cho là mạo hiểm bởi giá vốn gạo tại kho ở thời điểm hiện tại đã ở mức 540 đô la Mỹ/tấn. Nếu cộng thêm thuế, phí, cước vận chuyển các loại..., cũng đã ở mức tương đương.

Trong khi đó, một nguồn tin khi trao đổi với KTSG Online đã đưa ra đánh giá, việc ký bán giá thấp có khả năng sẽ đẩy doanh nghiệp xuất khẩu gạo rơi vào cảnh “không có gạo để giao”. Bởi lẽ, khi thị trường giảm nhiệt như hiện tại (lúa IR 50404/OM 380 giá tại ruộng hiện 6.900-7.100 đồng/kg; OM 5451 là 7.300-7.400 đồng/kg; Đài Thơm 8 là 7.700-7.800 đồng/kg), khiến các nhà kho cung ứng nguyên liệu xuất khẩu cũng giảm lượng xay xát bán ra, nhất là khi nguồn cung lúa vụ hè thu cũng đang dần cạn đồng.

Trường hợp doanh nghiệp đẩy giá lên để gom mua lúa gạo có khả năng sẽ rơi vào cảnh thua lỗ. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ quay lại trong tháng 8-2024 như một số nhận định, khả năng thị trường lúa gạo thế giới, bao gồm cả Việt Nam sẽ “hạ nhiệt” hơn, tức hợp đồng doanh nghiệp ký bán cho Indonesia sẽ có hiệu quả.

Rõ ràng, mọi quyết định ở thời điểm hiện tại của doanh nghiệp trong bối cảnh diễn biến thị trường như nêu trên không khác nào đang… “đánh bạc”.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV cũng thừa nhận, gần đây các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thu mua khi giá giảm, các nhà kho hạn chế xay xát cung ứng ra thị trường cũng như mưa làm trì hoãn việc thu hoạch lúa hè thu.

Lời khuyên được ông Thành đưa ra, đó là ký hợp đồng khi đã có một lượng hàng tồn kho nhất định để tránh rủi ro. “Các doanh nghiệp nên tập trung thu mua lúa hè thu để có lượng hàng tồn kho nhằm hạn chế rủi ro khi ký hợp đồng, chứ ký trước mua sau là rất nguy hiểm”, ông khuyến cáo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Thành, xu hướng thị trường từ nay đến cuối năm, giá gạo Việt Nam khó có thể xuống sâu hơn, kể cả Ấn Độ quay lại. Bởi lẽ, nguồn gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm chủ yếu phục vụ trong nước, chỉ còn dư một phần để xuất khẩu.

Mới đây, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản gửi VFA cùng các thương nhân xuất khẩu gạo yêu cầu, theo dõi sát thị trường gạo thế giới và trong nước, có tính toán thận trọng, chắc chắn khi chào giá đối với các lô hàng xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và giữ uy tín cho gạo Việt.

Xuất khẩu và tiến độ thu hoạch lúa hè thu ra sao?

Báo cáo của VFA cho thấy, lượng gạo xuất khẩu trong nửa đầu tháng 7-2024 đạt trên 290.000 tấn, trị giá 177,601 triệu đô la Mỹ, giảm 15,89% về lượng, nhưng về giá trị tăng 30,5% so với cùng kỳ.  Điều này, giúp đưa lũy kế xuất khẩu gạo đến ngày 15-7-2024 đạt 4,838 triệu tấn, trị giá 3,066 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,9% về lượng và 28,26% về giá trị so với cùng kỳ.Trong khi đó, về thu hoạch lúa, báo cáo của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến ngày 18-7-2024, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuống giống được 1,46 triệu héc ta lúa hè thu, đã thu hoạch được khoảng 623.000  héc ta, với năng suất đạt khoảng 6,2 tấn/héc ta.

1 BÌNH LUẬN

  1. Sợ không có mà xuất thôi, chứ giá không thể hạ được do hiện tại bão lũ thiên tai mùa màng thất bại ở Trung Quốc, rồi còn nhiều nước nữa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới