(KTSG Online) – Với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4 tỉ đô la Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay đã giúp ngành lúa gạo Việt Nam xác lập kỷ lục mới sau 34 năm tham gia xuất khẩu (1989). Đây là “điểm sáng” đáng mừng của ngành lúa gạo, nhưng ẩn phía sau con số kỷ lục là những bất ổn tiềm tàng...
“Điểm sáng” về xuất khẩu gạo
Ước tính của Bộ Công Thương cho thấy, tháng 10-2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 700.000 tấn, với trị giá đạt 433 triệu đô la Mỹ, tương đương cùng kỳ năm ngoái về lượng, nhưng tăng 27% về giá trị. Điều này, giúp đưa luỹ kế xuất khẩu gạo cả nước 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 7,1 triệu tấn, trị giá đạt 3,97 tỉ đô la Mỹ, tăng 17% về lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kim ngạch như nêu trên (10 tháng 2023 đạt 3,97 tỉ đô la Mỹ- PV), xuất khẩu gạo Việt Nam đã chính thức thiết lập mốc lịch sử mới sau 34 năm tham gia xuất khẩu (năm 1989) khi xét về kim ngạch.
Không dừng lại ở đó, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2023 sẽ cán mốc 8 triệu tấn, với trị giá xuất khẩu vượt 4,5 tỉ đô la Mỹ. Đây là “điểm sáng” rất lớn đối với ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam” diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng xuất nhập khẩu của Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngoài trái cây, thì ngành hàng lúa gạo là “điểm sáng” giúp trợ lực cho xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam trong năm nay. “Hai mặt hàng này (trái cây và lúa gạo- PV) đã giúp ngành nông nghiệp đạt mục tiêu 55 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023”, bà nhấn mạnh.
Bà Bình khẳng định, trong báo cáo kết quả thành tích cuối năm vào tháng 12-2023, đơn vị này sẽ nhấn mạnh gạo là một trong những mặt hàng góp phần giúp hàng hàng hoá cả nước đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu trong năm 2023. “Đấy là một trong những kết quả đáng khích lệ”, bà nói.
Không chỉ lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu, khi xét về giá bán, gạo Việt Nam cũng tạo “điểm sáng” khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc.
Báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, thì gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất.
Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 653 đô la Mỹ/tấn, trong khi của Thái Lan là 560 đô la Mỹ/tấn; Pakistan là 563 đô la Mỹ/tấn; gạo 25% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 638 đô la Mỹ/tấn, cao hơn Thái Lan 118 đô la Mỹ/tấn và 150 đô la Mỹ/tấn so với Pakistan…
Thành tích xuất khẩu cũng như giá bán như nêu trên đã giúp nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt lợi nhuận khá cao khi giá bán ở mức kỷ lục, khoảng 9.000-9.500 đồng/kg lúa tươi, tức đạt doanh thu khoảng 52-54 triệu đồng/héc ta (lợi nhuận trên 30 triệu đồng/héc ta).
Thua lỗ, nguy cơ mất hợp đồng
Xét về mặt logic, khi xuất khẩu tăng cao kỷ lục về khối lượng lẫn giá bán, thì doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này sẽ gặt hái được kết quả kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, trái ngược với thành tích đã đạt được, doanh nghiệp đang gánh chịu cảnh thua lỗ khá lớn.
Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm xuất nhập khẩu Miền Nam thừa nhận, đơn vị này đang gánh chịu khoản thua lỗ trong hoạt động kinh doanh gạo khoảng 6-7 tỉ đồng.
Lý giải của ông Kiệt cho biết, giá gạo tăng đột biến trong thời điểm gom hàng để trả những hợp đồng đã ký trước đó cho thị trường châu Phi và Philippines là nguyên nhân dẫn đến thua lỗ. “Khi doanh nghiệp tiếp tục ký hợp đồng mới, thì giá tiếp tục tăng đột biến, gây tác động lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu”, ông giải thích.
Theo dẫn chứng của ông Kiệt, gói thầu nhập khẩu 500.000 tấn của Indonesia hồi giữa tháng 10-2023, doanh nghiệp Việt Nam trúng 100.000 tấn với giá giao tại cảng của Indonsesia khoảng 625 đô la Mỹ/tấn, tức khoảng 600 đô la Mỹ/tấn khi quy ra giá FOB tại cảng TPHCM. “Tuy nhiên, giá thị trường hiện nay đã là 650 đô la Mỹ/tấn, tức doanh nghiệp xuất khẩu đang lỗ 50 đô la Mỹ/tấn”, ông cho biết.
Theo ông Kiệt, việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng khó khăn cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp vì tiến độ mua gạo bị chậm, trong khi giá liên tục tăng. “Nếu ngân hàng giải ngân sớm khi doanh nghiệp triển khai các hợp đồng đã ký, thì thuận lợi hơn”, ông nói và thông tin, nếu doanh nghiệp trả hợp đồng chậm, có thể bị phạt tàu (tàu nằm chờ- PV) lên đến 500-600 triệu đồng mỗi ngày.
Để tránh tình trạng thua lỗ khi gạo liên tục sốt giá, một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nên “chủ động” trữ hàng vào kho trước khi ký hợp đồng, thay vì ký hợp đồng xuất khẩu rồi mới gom gạo giao cho đối tác như cách làm hiện nay.
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông (ORICO) cho biết, xét về khía cạnh giá, không một chuyên gia hay doanh nghiệp nào dám dự đoán. “Các doanh nghiệp như chúng tôi ai cũng mong muốn biết (biết về giá- PV)”, ông nói.
Theo ông Việt Anh, giá ở thời điểm hiện nay là quá cao, tiềm ẩn rủi ro rất lớn. “Doanh nghiệp hiện giờ không dám trữ hàng (trữ hàng trước ký hợp đồng bán sau- PV) vì khi Ấn Độ quay lại (ý nói Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo- PV) giá sẽ lao dốc rất nhanh, tức doanh nghiệp tiếp tục chịu lỗ”, ông cho biết và dự đoán, có khả năng vào tháng 3 hoặc tháng 5 năm sau Ấn Độ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Việc giá gạo của Việt Nam “neo” cao hơn đối thủ cạnh tranh đến từ Thái Lan, Pakistan…, có khả năng dẫn đến nguy cơ mất hợp đồng xuất khẩu.
“Nhìn trong ngắn hạn đã ảnh hưởng rồi", ông Việt Anh nói và dẫn chứng, các hợp đồng thời điểm hiện tại, khách hàng đang chuyển qua mua gạo của Thái Lan vì giá Việt Nam cao hơn khoảng 100 đô la Mỹ/tấn.
Với thị trường Indonesia, 3-4 thầu gần đây, doanh nghiệp không chào bán vì không mua được gạo để bán, theo ông Việt Anh.
Còn nhìn sang tương lai của năm 2024, ông Việt Anh dự đoán, mặt bằng giá xuất khẩu giữa Việt Nam với các đối thủ cạnh tranh có khả năng sẽ được thu hẹp về mức độ chênh lệch so với hiện nay. “Nếu kéo dài quá (kéo dài mức độ chênh lệch giá bán- PV) thì chắc chắn tiềm ẩn nguy cơ mất thị trường rất lớn”, ông cho biết.
Ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng Công ty cổ phần phân tích thị trường (Agromonitor) cho biết, kết quả xuất khẩu gạo như nêu trên khi nhìn nhận một cách sâu sắc, thì chỉ có ý nghĩa về mặt thành tích, chứ chưa thật sự mang lại lợi ích cho các chủ thể tham gia, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu.
“Chúng tôi thấy, có chủ thể đạt được kết quả tốt khi giá tăng mạnh sau khi Ấn Độ có lệnh cấm, như người nông dân bán lúa giá rất cao, tuy nhiên, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trở ngại”, ông Diệu dẫn chứng và nói rằng, điều này cho thấy năng lực xuất khẩu của ngành kinh tế lúa gạo Việt Nam thông qua cơ cấu sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp còn… “nhiều vấn đề”.
Theo ông, năm 2023 tổng sản lượng gạo xuất khẩu Việt Nam có khả năng đạt 8 triệu tấn, nhưng sang năm 2024 vẫn còn nhiều bất trắc và không rõ ràng. “Lúa gạo là thị trường hết sức biến động và nhạy cảm, chỉ cần ảnh hưởng của thời tiết hoặc một chính sách nào đó, nó sẽ làm cho diễn biến thị trường, giá cả thay đổi hoàn toàn”, ông nêu quan điểm.
Chính vì vậy, ông Diệu gợi ý, để tạo được sự thành công trong xuất khẩu gạo, đòi hỏi phải có những sự phản ứng “hết sức nhanh nhạy” của tất cả các chủ thể trong chuỗi giá trị. “Vừa rồi, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước là hết sức linh hoạt và mềm dẻo. Đấy là minh chứng cho việc Việt Nam tận dụng cơ hội rất tốt, chứ nếu chúng ta quá lo lắng về mặt an ninh lương thực, rủi ro về mặt giá cả lương thực bùng lên mà cấm xuất khẩu là bỏ qua cơ hội”, ông dẫn chứng.