Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu gạo: giá bán đảo chiều sau tin Ấn Độ… quay lại

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá chào bán gạo của Việt Nam đảo chiều giảm sau thông tin quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ sẽ sớm mở cửa bán gạo trở lại. Trong khi đó, lượng lúa có khả năng thu hoạch ngay để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu cơ bản vẫn đảm bảo.

Đa phần diện tích lúa vẫn đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ. Ảnh: Trung Chánh

Giá giảm, doanh nghiệp vẫn lỗ nặng

Mới đây, đã xuất hiện thông tin Ấn Độ xem xét sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng đã được thiết lập kể từ ngày 20-7 vừa qua. Điều này lập tức khiến giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam và cả Thái Lan quay đầu giảm đáng kể.

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá chào xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam được ghi nhận vào ngày 16-8 ở mức 623-627 đô la Mỹ/tấn, giảm 15 đô la/tấn so với mức giá cao nhất được thiết lập vào ngày 10-8; gạo 25% tấm cũng giảm 15 đô la Mỹ/tấn, xuống còn 603-607 đô la/tấn.

Tuy nhiên, giá chào bán gạo của doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi Ấn Độ có quyết định cấm xuất khẩu gạo, mà cụ thể gạo 5% tấm có giá cao hơn 90 đô la Mỹ/tấn và 25% tấm cao hơn 105 đô la Mỹ/tấn so với ngày 19-7.

Trong khi đó, đối với phân khúc gạo thơm (Jasmine), giá chào bán của Việt Nam hiện vẫn được duy trì ở mức 748-752 đô la Mỹ/tấn như đã thiết lập vào ngày 10-8. Nếu so với thời điểm trước lệnh cấm của Ấn Độ, tức so với ngày 19-7, thì đã tăng 125 đô la Mỹ/tấn.

Đối với Thái Lan, nếu so với ngày 10-8, hiện giá chào bán của quốc gia này “rớt” 28 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5%, xuống còn 623-627 đô la/tấn và 19 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 25% tấm, xuống còn 568-572 đô la/tấn.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV, gọi động thái giảm giá xuất khẩu gạo như nêu trên của Việt Nam chỉ là tâm lý trước thông tin Ấn Độ sớm mở cửa bán gạo trở lại. “Chỉ một số ít thôi, chứ doanh nghiệp cũng không dám ký bán với giá đó vì không hiệu quả nếu so với giá mua vào từ thị trường trong nước hiện nay”, ông giải thích.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo nằm trong tốp 10 doanh nghiệp bán gạo lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023 đánh giá, Ấn Độ chắc chắn phải mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, nhưng vấn đề là thời điểm. Bởi lẽ, mục tiêu giảm lạm phát của Ấn Độ thông qua việc kéo giảm giá gạo trong nước đã thực hiện được sau lệnh cấm.

Tuy nhiên, theo vị giám đốc doanh nghiệp này, với diễn biến thị trường hiện nay (dù gạo 5% và 25% tấm đã quay đầu giảm - PV), chắc chắn sẽ đẩy không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo rơi vào lỗ lã.

Theo ông, doanh nghiệp nào “xù” hợp đồng bán mới có thể “sống sót”, đạt lợi nhuận, nhưng con số này là không nhiều. Bởi lẽ, doanh nghiệp uy tín không thể “xù” hợp đồng. “Đa số sẽ chịu đựng lỗ do giá hợp đồng cũ ký thấp trong khi giá biến động rất lớn”, vị này cho biết và dẫn chứng, sau lệnh cấm của Ấn Độ giá gạo trong nước đã “lệch” 4.000 đồng/kg, trong khi mức có khả năng chịu đựng của doanh nghiệp chỉ 1.000-1.500 đồng/kg.

Một số nguồn tin đáng tin cậy của KTSG Online cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đàm phán giá mới với các nhà nhập khẩu đến từ Philippines và Indonesia với những hợp đồng đã ký trước đó nhằm thu hẹp biên độ lỗ.

Được biết, các hợp đồng được doanh nghiệp ký kết với các đối tác nhập khẩu vào thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm có giá xoay quanh mức trên dưới 550 đô la Mỹ/tấn, tức thấp hơn giá thực tế hiện nay rất nhiều.

Còn bao nhiêu lúa có thể thu hoạch ngay?

Căn cứ vào diện tích lúa hè thu, thu đông và vụ mùa năm 2023 đã gieo sạ, chờ thu hoạch, có thể thấy nguồn cung thời gian tới vẫn khá dồi dào. Tuy nhiên, tính trong ngắn hạn, đáp ứng yêu cầu các đơn hàng trước mắt thì nguồn cung không quá lớn, nhưng vẫn có thể đảm bảo.

Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính đến ngày 10-8, tổng diện tích lúa chưa thu hoạch của vụ hè thu 2023 ở khu vực Nam bộ là hơn 661.000 héc ta. Trong đó, phần diện tích chín, tức có thể sẵn sàng cho thu hoạch ngay là gần 270.000 héc ta; ở giai đoạn đòng trổ, tức khoảng 1 tháng nữa mới cho thu hoạch là gần 374.000 héc ta và phần diện tích còn lại là ở giai đoạn đẻ nhánh.

Vụ thu đông và vụ mùa 2023 ở Nam bộ đã xuống giống được hơn 375.300 héc ta, trong đó phần diện tích chín là hơn 58.300 héc ta; đòng trổ hơn 100.400 héc ta và phần còn lại là ở giai đoạn đẻ nhánh.

Như vậy, tính chung cả vụ hè thu, vụ thu đông và vụ mùa 2023, tổng diện tích lúa đang ở giai đoạn chín của khu vực Nam bộ, tức có thể sẵn sàng thu hoạch cung ứng phục vụ nhu cầu xuất khẩu là 327.900 héc ta.

Với năng suất lúa bình quân đạt khoảng 6,57 tấn/héc ta thì tổng sản lượng lúa có khả năng cung ứng ngay ra thị trường ước đạt khoảng 2,1 triệu tấn, tương đương đạt 1,26 triệu tấn quy gạo.

Ở khía cạnh xuất khẩu, số liệu báo cáo tổng hợp của VFA cho thấy, trong tháng 7-2023, tổng lượng gạo được các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đạt gần 661.000 tấn (lượng gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt gần 700.000 tấn/tháng- PV).

Còn một nguồn tin của KTSG Online cho biết, riêng trong khoảng nửa đầu tháng 8-2023, chỉ riêng các tàu hàng rời (chưa tính lượng hàng vận chuyển đóng container) được xếp hàng từ cảng TPHCM có tổng khối lượng giao hàng khoảng 251.000 tấn.

Nếu tính cả lượng hàng đóng bằng container thì khối lượng trong nửa đầu tháng 8-2023 sẽ lớn hơn đáng kể.

Như vậy, cân đối giữa lượng gạo có khả năng đáp ứng ngay trước mắt như nêu trên (khoảng 1,26 triệu tấn) với tình hình giao hàng thì khả năng vẫn đáp ứng đủ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, nguồn cung này cũng không phải quá dồi dào vì còn phải cân đối cho các nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Thực tế, theo ông Thành, Tổng giám đốc Công ty Phước Thành IV, doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện cũng không dễ dàng tiếp cận được nguồn cung phục vụ đơn hàng xuất khẩu. Trong khi đó, theo nguồn tin của KTSG Online, có không ít doanh nghiệp đang tìm kiếm thêm nguồn lúa từ Campuchia để chế biến đáp ứng cho các đơn hàng đã ký.

Nhu cầu lớn nên giá lúa gạo tiếp tục được neo ở mức rất cao, trên dưới 8.000 đồng/kg, thậm chí các ruộng lúa chỉ mới ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ cũng đã được thương lái đặt cọc thu mua.

1 BÌNH LUẬN

  1. Bây giờ giá lúa gạo cao không chịu xuất khẩu cho nông dân được nhờ, vài bữa nữa Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thì giá lúa gạo giảm sẽ bỏ lỡ cơ hội, nên nông dân nghèo hoài là vậy đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới