Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu ghi nhận đà tăng trưởng 3 tháng liên tiếp

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dù doanh nghiệp nhiều lĩnh vực cho biết đơn hàng sản xuất vẫn giảm sâu và thiếu việc cho người lao động, nhưng ghi nhận của cơ quan thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu đang trong đà tăng trong 3 tháng liên tiếp vừa qua.

Xuất khẩu ghi nhận đà tăng trong 3 tháng liên tiếp. Ảnh minh họa: TL.

Cụ thể kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 29,68 tỉ đô la Mỹ, dù giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 0,8% so với tháng liền kề trước đó.

Số liệu báo trước đó của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 ước đạt 29,3 tỉ đô la, tăng 4,5% so với tháng trước đó.

Như vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có xu hướng tăng trưởng tháng sau tăng so với tháng trước (sau khi giảm vào tháng 4-2023) nhờ tác động của hoạt động xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ.

Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỉ đô la, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2023, có đến 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô la, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ đô la, chiếm 57,6%.

Cụ thể, máy vi tính, điện tử và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với 5,2 tỉ đô la, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là điện thoại và linh kiện với 3,6 tỉ đô la, giảm 18%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và hàng dệt may cùng đạt 3,2 tỉ đô la, lần lượt giảm 21% và 13%.

Những mặt hàng tỉ đô la khác cũng có kim ngạch xuất khẩu giảm gồm giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; chè và hạt tiêu,...

Tương tự, theo khảo sát của S&P Global Market được công bố gần đây cũng cho thấy dù lượng đơn đặt hàng mới của Việt Nam trong tháng 7 vừa qua vẫn giảm nhưng mức độ giảm nhẹ nhất trong 5 tháng vừa qua.

S&P Global Market cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 7 đã tăng 2,5 điểm so với tháng 6, đạt 48,7 điểm. Dù vẫn nằm ở vùng dưới 50 (ngưỡng dùng để xác nhận ngành sản xuất mở rộng nếu chỉ số đạt trên 50 và thu hẹp nếu dưới 50), lần suy giảm này được nhìn nhận là nhẹ nhất trong các tháng vừa qua.

Báo cáo của S&P Global nhận định, tháng đầu quí 3 của năm chứng kiến ngành sản xuất của Việt Nam vẫn nằm trong vùng suy giảm, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy sự ổn định. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm chậm hơn, trong khi niềm tin kinh doanh đã tăng.

"Có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể ổn định khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm nhất trong năm tháng. Các công ty hy vọng điều này có thể giúp lượng đơn đặt hàng tăng trở lại trong những tháng tới", ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market, nhận định. Niềm tin của các doanh nghiệp trong tháng này cũng tăng, đạt mức cao của 4 tháng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố trước đó cho thấy, trong tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có khởi sắc hơn với mức tăng 3,9% so với tháng trước và 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế trong và ngoài nước các tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, tính chung 7 tháng, IIP giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đà tăng của xuất khẩu, ở chiều ngược lại kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 27,53 tỉ đô la, tăng 4,4% so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 58,6 tỉ đô la.

Những con số tăng trưởng trong nhập khẩu hàng hoá là dấu hiệu đáng mừng, nhất là khi nhập khẩu hàng hoá vẫn tập trung vào các mặt hàng nhóm tư liệu sản xuất. Dấu hiệu này cho thấy xuất khẩu hàng hoá có thể có sự tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Dù có kết quả chung vậy, nhưng theo tìm hiểu của KTSG Online, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đang đối mặt với khó khăn chồng khó khăn, trong đó việc sụt giảm, không có đơn hàng ở nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, đồ gỗ... vẫn còn tiếp diễn dẫn tới phải cắt giảm công suất, thậm chí là dừng sản xuất.

Tính chung 7 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 15,23 tỉ đô la (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,34 tỉ đô la). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỉ đô la; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỉ đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới