(KTSG Online) - Xuất khẩu hàng công nghệ của Hàn Quốc lần đầu tiên giảm trong hơn hai năm vào tháng 7. Diễn biến này cùng với kết quả kinh doanh kém hơn so với kỳ vọng của các hãng chip là dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đang hạ nhiệt, đặc biệt ở lĩnh vực smartphone (điện thoại thông minh) và các sản phẩm máy tính trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới ngày càng xấu đi.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Hàn Quốc công bố hôm 11-8, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông của Hàn Quốc trong tháng 7 giảm 0,7% so với một năm trước đó, xuống còn 19,34 tỉ đô la Mỹ sau khi tăng 6,8% trong tháng 6. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu hàng công nghệ của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á suy giảm trong hơn hai năm qua.
Các sản phẩm chip nhớ, do các công ty như Samsung Electronics sản xuất, dẫn đầu đà giảm với mức giảm 13,5%, mặc dù xuất khẩu các lô hàng bán dẫn tổng thể vẫn tăng 3,1%.
Trong tháng 7, Trung Quốc, nước triển khai các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt ở nhiều thành phố trong năm nay, nhập khẩu thiết bị công nghệ từ Hàn Quốc ít hơn 8,2% so với một năm trước đó. Bộ thương mại Hàn Quốc cho biết xuất khẩu công nghệ của Hàn Quốc sang Mỹ cũng giảm 9,2%, trong khi sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 12,9%.
Xuất khẩu hàng công nghệ chiếm gần một phần ba tổng kim ngạch hàng xuất khẩu của Hàn Quốc ra nước ngoài. Sự sụt giảm xuất khẩu trong lĩnh vực công nghệ trong tháng 7 trái ngược với mức tăng 9,4% ở hoạt động xuất khẩu tổng thể trong cùng tháng.
Nhu cầu về chất bán dẫn, máy tính và các thiết bị viễn thông tăng cao trong thời kỳ dịch Covid-19 do xu hướng chuyển sang làm việc và giáo dục từ xa để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ở thời kỳ hậu đại dịch, người dân trên thế giới dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời và các cuộc gặp gỡ, giúp hồi sinh các ngành dịch vụ, đồng thời, họ giảm sức chi tiêu đối với hàng hóa điện tử tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát tăng cao và triển vọng kinh tế trở nên u ám.
Trong các dấu hiệu khác cho thấy nhu cầu hàng công nghệ đang giảm sút, doanh số xuất khẩu smartphone Hàn Quốc giảm sâu 29,2% và xuất khẩu máy tính và thiết bị phụ trợ cũng giảm đến 21,9% trong tháng 7 so với một năm trước đó. Trong khi đó, xuất khẩu màn hình trong tháng trước giảm 4,7%.
Bộ Công nghệ thông tin và khoa học Hàn Quốc lý giải rằng xuất khẩu smartphone và máy tính suy giảm do nhu cầu trì trệ khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Gần đây, các công ty trong ngành cũng đồng loạt cảnh báo nhu cầu hàng công nghệ trên toàn cầu sẽ suy giảm trong nửa cuối năm nay.
Trong tuần này, Tập đoàn công nghệ Foxconn (Đài Loan), nhà lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới, cho biết nhu cầu smartphone và các sản phẩm điện tử tiêu dùng đang trì trệ .
Chủ tịch Foxconn, Young Liu dự báo thị trường smartphone toàn cầu có thể dậm chân tại chỗ trong những tháng còn lại của năm do các rủi ro liên quan đến địa chính trị, lạm phát và đại dịch Covid-19. Hai nhà sản xuất chip nhớ SK Hynix (Hàn Quốc) và Micron Technology (Mỹ) cho biết khách hàng của họ, bao gồm các nhà sản xuất smartphone và máy tính, bắt đầu siết chặt chi tiêu và giảm lượng hàng tồn kho.
Trò chuyện với báo chí hôm 9-8, Mark Murphy, Giám đốc tài chính của Micron Technology, nói: “Thị trường đang tồi tệ hơn mức chúng tôi dự báo”.
Hồi đầu tuần, hãng chip Nvidia dự báo doanh thu của hãng trong quý 2 chỉ đạt 6,7 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn mức dự báo 8,1 tỉ đô la Mỹ đưa ra hồi tháng 5, do doanh thu card đồ họa sử dụng cho game video giảm mạnh. Tháng trước, hãng chip Qualcomm của Mỹ cũng cắt giảm dự báo doanh số smartphone toàn cầu trong năm nay.
Cách đây hai tuần, hãng chip Intel của Mỹ bất ngờ báo cáo doanh thu suy giảm 22% trong quý 2, về mức 15,3 tỉ đô la Mỹ, dẫn đến mức lỗ ròng 454 triệu đô la Mỹ, một phần là do doanh thu chip máy tính giảm mạnh. Đây là mức suy giảm doanh thu hàng quý mạnh nhất trong hơn một thập niên của công ty này.
Lạm phát tăng vọt và làn sóng mở cửa trở lại các văn phòng và trường học đã khiến mọi người chi tiêu cho máy tính ít hơn .Các nhà sản xuất chip cũng chịu áp lực từ tình trạng phong tỏa kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc, thị trường máy tính chủ chốt của họ. Trong khi đó, cuộc chiến Ukraine đã làm trầm trọng thêm các vấn đề trong chuỗi cung ứng, khiến nhu cầu máy tính giảm mạnh hơn. Hãng nghiên cứu thị trường Gartner dự báo doanh số máy tính toàn cầu giảm 9,5% trong năm nay.
Theo Bloomberg, Yonhap, WSJ