Thứ Ba, 23/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu khoai lang sang Trung Quốc: cơ sở đóng gói đã sẵn sàng, vùng trồng vẫn chờ!

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đã có 6 cơ sở đóng gói khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long được Cục Bảo vệ thực vật thông báo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nghị định thư, tức đã sẵn sàng cho việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, về vùng trồng khoai lang hiện vẫn chưa có ý kiến của đơn vị này.

Cơ sở đóng gói sẵn sàng cho xuất khẩu khoai lang chính ngạch sang Trung Quốc, nhưng vùng trồng vẫn phải chờ. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với KTSG Online về việc cấp mã số cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch khoai lang vào Trung Quốc, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long – địa phương được xem là “thủ phủ” sản xuất khoai lang ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – xác nhận tỉnh đã có 6 cơ sở đóng gói được Cục Bảo vệ thực vật thông báo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.

Cụ thể, 6 cơ sở đóng gói với công suất bình quân khoảng 300 tấn/cơ sở/ngày đã sẵn sàng cho những đơn hàng khoai lang chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc. “Tuy nhiên, trước khi xử lý phải được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt cấp mã số”, ông Phúc thông tin.

Còn về mã số vùng trồng, ông cho biết, đã gửi 22 hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật với tổng diện tích trên 400 héc ta, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được thông báo từ đơn vị này. “Có thể vì thời điểm kiểm tra, vùng trồng không có khoai sản xuất trên đồng nên họ chưa có ý kiến”, ông Phúc dự đoán.

Trước đó, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã được ký kết.

Theo đó, việc ký kết nghị định thư này nhằm đảm bảo an toàn cho việc xuất khẩu khoai lang của Việt Nam vào Trung Quốc được kiểm soát trên cơ sở phân tích nguy cơ dịch hại.

Cụ thể, vùng trồng và cơ sở đóng gói khoai lang xuất khẩu vào quốc gia này phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật đại diện thực hiện- PV) và được GACC phê duyệt.

Vùng trồng khoai xuất khẩu vào Trung Quốc phải áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và trong quá trình canh tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giám sát các đối tượng kiểm dịch mà GACC quan tâm. Đồng thời, thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm sinh vật gây hại…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xây dựng và thực hiện chương trình giám sát chính thức đối với cơ sở đóng gói để giám sát quá trình chế biến (bao gồm làm sạch và đóng gói), bảo quản và vận chuyển khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo đó, cơ sở đóng gói phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc hoàn chỉnh nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc khoai lang một cách chính xác.

Cơ sở đóng gói phải phân loại khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc và loại bỏ các sản phẩm có đốm bệnh, biến dạng, củ khoai có triệu chứng sâu bệnh, rửa bằng nước 2 lần nhằm loại bỏ tạp chất và thực hiện các biện pháp khác nhằm đảm bảo khoai lang không có côn trùng sống, đất, tàn dư thực vật như: rễ, lá và các tạp chất khác…

Theo tìm hiểu của KTSG Online, thời gian qua, do khoai lang Việt Nam chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong khi đây là thị trường tiêu thụ chính, cho nên, đã dẫn đến tình trạng diện tích sản xuất khoai lang của tỉnh Vĩnh Long từ 13.000-14.000 héc ta mỗi năm giảm xuống chỉ còn khoảng 750 héc ta vào ngoái.

Còn hiện tại, theo ông Phúc, vùng chuyên canh khoai lang của tỉnh Vĩnh Long là huyện Bình Tân có diện tích sản xuất khoảng trên 100 héc ta.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới