Xuất khẩu lao động giảm gần 60% so với năm 2019
T.H
(TBKTSG Online) - Năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã điều chỉnh chỉ tiêu đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ 130.000 xuống 70.000 người, giảm gần 50% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Lao động làm thủ tục trước khi sang Hàn Quốc làm việc. Ảnh minh họa: TTXVN |
Thế nhưng, việc thực hiện chỉ tiêu này cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và khó đạt được. Theo số liệu mới nhất của Cục Quản lý lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 11 tháng, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 54.307 lao động (20.170 lao động nữ), chỉ đạt 77,6% kế hoạch đã điều chỉnh năm 2020 và chỉ bằng 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 tháng năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 132.802 lao động.
Trong 11 tháng qua, hai thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất là Nhật Bản với 27.325 lao động và Đài Loan 23.403 lao động. Các thị trường xuất khẩu lao động khác như Hàn Quốc, Romania, Trung Quốc, Singapore, Uzbekistan, Algeria...mỗi thị trường chỉ tiếp nhận từ vài trăm đến khoảng 1.000 lao động.
Trong báo cáo khảo sát tình hình người lao động của doanh nghiệp ở nước ngoài bị tác động bởi dịch Covid19, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam đã dự báo trong thời gian tới và sau khi hết dịch, nhiều khả năng việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Thời hạn tái mở cửa thị trường sẽ khó phán đoán do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như chủ trương của chính phủ Việt Nam và các nước.
Ngoài ra, ngay cả khi hoạt động đưa người lao động được mở cửa trở lại thì về quy mô sẽ giảm sút nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Sau khi vượt qua đại dịch thì việc khôi phục kinh tế, sản xuất không thể bình thường trong thời gian ngắn nên việc tuyển thêm người lao động mới sẽ là điều khó khăn.
Hộ lý, điều dưỡng Việt Nam được đánh giá cao khi làm việc tại Nhật Bản Ứng viên điều dưỡng và hộ lý của Việt Nam làm việc tại Nhật Bản luôn được các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Nhật đánh giá cao về tính cần mẫn, nhiệt tình trong công việc. Năng lực chuyên môn và trình độ tiếng Nhật của các ứng viên có thể đảm đương được công việc mà nhân viên điều dưỡng, hộ lý người Nhật Bản đang làm. Thông tin này được đại diện phía Nhật Bản khẳng định tại hội nghị “Sơ kết thực hiện Chương trình hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) giai đoạn 2012-2019” do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 12-11 tại Hà Nội. Chương trình đưa điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản được triển khai theo khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế giữa hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản từ năm 2012. Trong bảy năm triển khai, phía Việt Nam đã tuyển chọn và đào tạo tiếng Nhật cho 8 khóa điều dưỡng và hộ lý, với 1.670 ứng viên. Trong đó, đã có 1.340 ứng viên của 7 khóa đã được đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi tại Nhật Bản. Việt Nam là quốc gia thứ ba trong khu vực ASEAN sau Indonesia và Philippines có thỏa thuận đưa điều dưỡng và hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. |
Tổng hợp từ TTXVN