(KTSG Online) - Trong tháng đầu năm 2024, dự báo mặt hàng rau quả sẽ mang về khoảng 500 triệu đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đã chia sẻ thông tin trên với KTSG Online bên lề Hội thảo xin ý kiến với dự tháo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 26-1 tại TPHCM.
Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan về kim ngạch xuất khẩu nửa tháng đầu năm 2024 đã đạt 230 triệu đô la, ông Nguyên cho rằng nửa thời gian còn lại của tháng 1 này dự báo kim ngạch sẽ cao hơn.
Nguyên nhân là vì Tết Nguyên đán cần kề nên nhu cầu mua sắm rau quả sẽ tăng cao, trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mặt hàng rau quả lớn nhất Việt Nam. Trong đó sầu riêng và thăng long... là những mặt hàng sẽ có giá trị xuất khẩu lớn khi nhu cầu làm quà biếu với trái sầu riêng tăng cao; trong khi nhu cầu cho trái thanh long để chưng và cúng Tết đến cũng rất cao.
Do nhu cầu tăng cao nên giá sầu riêng mua tại vườn đã lập đỉnh mới với 180.000 - 200.000 đồng/kg, trong khi trái thanh long cũng đã lên gần 30.000 đồng/kg, theo ông Nguyên.
Cũng theo ông Nguyên, nhu cầu nhập khẩu rau quả thị trường Trung Quốc ở Việt Nam tăng cao trong thời gian này một phần do tình trạng mất an ninh tại khu vực Biển Đỏ. Đó là rau quả từ khu vực châu Âu và các nước khác đưa đến Trung Quốc đang gặp trở ngại với chi phí cước vận tải tăng cao, giao hàng chậm... Điều này buộc nhà nhập khẩu, kinh doanh rau quả Trung Quốc sẽ chuyển sang mua rau quả ở những thị trường gần hơn và có giá cạnh tranh hơn như Việt Nam.
Do đó, ông Nguyên dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 1 này của Việt Nam có thể đạt đến 500 triệu đô la, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Với con số kim ngạch tăng cao trong tháng 1/2024 được xem là bước khởi đầu suôn sẻ, ông Nguyên cho rằng đây là động lực cho xuất khẩu rau quả tiến tới đạt mục tiêu kim ngạch trong năm 2024 lên đến khoảng 6,5 tỉ đô la.
Trong đó, sầu riêng được dự đoán sẽ đạt kim ngạch 3,5 tỉ đô la trong năm 2024 khi thị trường Trung Quốc ngày càng rộng mở với loại “trái cây vua” này của Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu rau quả năm 2023 ước đạt 5,6 tỉ đô la, tăng 80% so với năm 2022. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 65,6% tổng kim ngạch ngành.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2023 riêng sầu riêng đem về 2,3 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài sầu riêng tươi nguyên trái, lượng sầu riêng đông lạnh, sầu riêng sấy xuất khẩu cũng ghi nhận có sự tăng mạnh.
Về thị trường, trong năm 2023, riêng Trung Quốc đã nhập hơn 1,4 triệu tấn sầu riêng từ Việt Nam, tăng 69% so với năm trước, với tổng giá trị là 2,1 tỉ đô la. Ngoài ra, các quốc gia khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, xuất khẩu sầu riêng sang Czech ghi nhận tăng tới 28,195%; thị trường Canada, Mỹ, Papua New Guinea cũng ghi nhận mức tăng trưởng từ 222 - 837% so với năm trước...
Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Dự thảo chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Mục tiêu năm 2030 là tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60 - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên.
Mục tiêu đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12 - 15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70-90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày tóm tắt nội dung dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược. Các nhóm nhiệm vụ lớn được nêu ra tại Chiến lược bao gồm:
1. Hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics,
2. Đổi mới quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại.
3. Phát triển thị trường logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết vùng kinh tế, hành lang kinh tế, khu vực và quốc tế bảo đảm tăng trưởng bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng và xanh hóa các hoạt động dịch vụ logistics dựa trên nền tảng số.
4. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics.
5. Đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ logistics chất lượng cao và phong cách cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp.
6. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển logistics ở cả Trung ương và địa phương.
7. Nâng cao vai trò của các hiệp hội trong lĩnh vực logistics và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng hiện đại, phát triển các dịch vụ logistics giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.
Các đại biểu tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn cùng với những mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp, kiến nghị cùng với những nhiệm vụ, đề án, dự án triển khai tương ứng liên quan.
Toàn bộ hồ sơ dự thảo Chiến lược và các văn bản liên quan được đăng tải tại địa chỉ http://bit.ly/chienluoclogistics. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tiếp nhận các ý kiến đóng góp cho dự thảo Chiến lược trước khi tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4-2024.