Thứ ba, 22/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu suy giảm, gỡ khó bằng cách nào?

L.Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cùng với việc thực hiện nhiều phương án để tìm cách “hạ nhiệt” thuế đối ứng của Mỹ với thị trường Việt Nam thì thúc đẩy tiêu dùng nội địa được xem là giải pháp căn cơ để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu có thể sụt giảm.

Tự lực từ sản xuất đến tiêu dùng

Hôm qua (18-4), có hơn 100 đại diện doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng đã có mặt tại Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) để trao đổi những vẫn đề liên quan đến thuế đối ứng mà Mỹ áp với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại đây, những đề xuất về kích thích tiêu dùng nội địa đã được đề cập đến như một trong những giải pháp quan trọng để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của thuế quan.

Thay vì tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ xuất khẩu, Chính phủ và doanh nghiệp cần tính đến những giải pháp kích thích tiêu thụ tại thị trường nội địa. Ảnh minh họa: L.H

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI: “Giờ là lúc chỉ nói chuyện làm thế nào để vượt qua?”. Từ ngắn gọn nhất được ông Tuấn nói ra về việc này là “tự lực”.

Tự lực ở đây được diễn giải dưới góc độ. Với quốc gia, phải có những giải pháp tự thân để thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu, nhất là xuất khẩu tập trung vào một thị trường, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa lớn mạnh hơn. Với doanh nghiệp là sử dụng các giải pháp tự thân để từng bước cải cách, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, giảm sự lệ thuộc vào xuất khẩu.

Dự báo của Trung tâm nghiên cứu BIDV Research được chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cập nhật hôm 18-4 cho thấy rằng, sẽ có ba kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt nam với chính sách thuế quan mới của Mỹ.

(1) Kịch bản tiêu cực nhất: Sau ngày 9-7-2025, Việt Nam vẫn có thể phải chịu mức thuế đối ứng 46%, xuất khẩu giảm  22-24 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng GDP sẽ chỉ đạt 5,5%- 6%; lạm phát ở mức 5,5-6%.

(2) Kịch bản cơ sở: Nếu Việt Nam đàm phán được với Mỹ giảm thuế đối ứng còn khoảng 20-25% so với mức 46%  thì xuất khẩu sẽ giảm 6-7,5 tỉ đô la, tăng trưởng GDP còn khoảng 6,5-7%.

(3) Kịch bản tích cực nhất: Việt Nam chỉ bị áp thuế 10% thì mức độ ảnh hưởng không đáng kể và mọi chỉ tiêu nói trên vẫn như mục tiêu Chính phủ đề ra, GDP vẫn ở mức 7,5-8%.

Tuy nhiên, ông Lực nhận định, việc lệ thuộc kinh tế quá vào các quyết định bên ngoài chứa đựng nhiều rủi ro. Theo tính toán tăng trưởng GDP dựa theo phương pháp chi tiêu, hai trụ cột lớn để tác động đến GDP là tiêu dùng và đầu tư (tích lũy tài sản).

Thế nhưng, theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), vốn đầu tư công thực hiện trong quí 1 năm nay ước chỉ đạt 13,5% kế hoạch năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tiêu dùng quí 1 năm nay chỉ đạt 6,93%, thấp hơn thời điểm trước Covid-19 (quí 1-2019 đạt 7/09%) thể hiện sự thắt chặt chi tiêu của người dân.

Những chuyên gia như ông Lực và ông Anh Tuấn cho rằng, hơn 100 triệu người dân Việt Nam là cực kỳ quan trọng và có giá trị trong việc kích thích tiêu dùng nội địa. Đây là bệ đỡ cho hàng xuất khẩu sẽ bị tác động mạnh theo hướng suy giảm kể từ quí 2 năm nay. Hơn nữa, kích thích tiêu dùng nội địa, nhất hàng Việt sẽ góp phần giảm nguy cơ hàng hóa các nước lẽ ra xuất khẩu đi Mỹ lại chuyển hướng đổ vào Việt Nam.

Kích cầu theo hướng nào?

Cùng với những giải pháp đối ngoại cấp Chính phủ, cấp các đoàn đàm phán vẫn đang diễn ra để lấy lại “đường đi” tốt hơn cho hàng Việt và hỗ trợ xuất khẩu, các chuyên gia kinh tế và đại diện các hiệp hội đều mong muốn Chính phủ có các giải pháp cùng doanh nghiệp tập trung vào các động lực tăng trưởng khác như đầu tư, tiêu dùng và các động lực tăng trưởng mới.

Đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ (Amcham), bà Nguyễn Việt Hà, cho rằng Chính phủ cần có đồng loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại thị trường nội địa, từ chính sách thuế quan và phi thuế quan. Trong đó, chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.

Theo Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, VCCI đã gửi nhiều văn bản lên Quốc hội đề xuất chưa  tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, lùi đến năm 2028 với mức tăng chia nhỏ hơn, nhất là các đối tượng đánh thuế như nước ngọt có gas hay một số loại xe ô tô.

Ông Lực cũng cho biết, phía Mỹ đang nghĩ Việt Nam đánh thuế giá trị gia tăng quá cao nên xem như hàng hóa bị đánh thuế hai lần.

Như vậy, các chuyên gia và doanh nghiệp đều có cùng ý kiến là cùng với các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường thì việc cấp bách hơn là kích thích tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng tiêu thụ hàng trong nước để mở ra cánh cửa bền vững hơn cho sản xuất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới