(KTSG Online) – Trong tháng 6, xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh nhất trong gần 2 năm nhưng nhập khẩu lại giảm. Sự lệch hướng này đưa thặng dư thương mại hàng tháng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lên mức cao nhất trong lịch sử.
Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng cán cân thương mại nghiêng về mạnh về phía Trung Quốc có thể đẩy cao căng thẳng thương mại với các đối tác, đặc biệt là Mỹ, nơi nền kinh tế đang có dấu hiệu suy yếu.
Thặng dư thương mại cao nhất lịch sử
Theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), công bố hôm 12-7, trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng hàng năm 8,6%, lên 308 tỉ đô la Mỹ, cao nhất trong gần 2 năm.
Con số này cũng đánh dấu tháng tăng trưởng xuất khẩu thứ ba liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu giảm 2,8%, xuống còn 209 tỉ đô la, đưa thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng trước lên 99 tỉ đô la, cao nhất trong lịch sử.
Dữ liệu cho thấy, trong tháng trước, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ lên mức 32 tỉ đô la Mỹ. Con số này đối với Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN lần lượt là 23 và 17 tỉ đô la.
Xe điện, sắt thép, đồ gia dụng, thời trang nằm trong số những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.
Tình trạng mất cân bằng thương mại ngày càng gia tăng với Trung Quốc đã khiến Liên minh châu Âu (EU) gần đây tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Để đáp trả, trong tuần này, Bắc Kinh thông báo mở cuộc điều tra các rào cản thương mại của EU đối với hàng hóa Trung Quốc trong một loạt lĩnh vực từ đường sắt, điện mặt trời, điện gió cho đến thiết bị an ninh.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, trong trường hợp xác định rào cản thương mại của EU áp dụng trái luật, Trung Quốc có thể đàm phán giải quyết tranh chấp hoặc đưa ra biện pháp trả đũa.
Diễn biến này cho thấy Trung Quốc và EU đang tiến gần đến một cuộc chiến tranh thương mại.
Mối quan hệ của Bắc Kinh với Brussels rơi xuống mức thấp mới trong những tháng gần đây, khi EU chuyển sang chính sách thương mại cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Cách tiếp cận này của EU ngày càng đồng điệu với Mỹ. Các nhà lãnh đạo ở châu Âu và Mỹ liên tục chỉ trích Bắc Kinh thúc đẩy xuất khẩu hàng rẻ, gây bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất địa phương
Zhiwei Zhang, chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management nhận xét, thặng dư thương mại kỷ lục phản ánh các điều kiện kinh tế ở Trung Quốc, với nhu cầu nội địa yếu và năng lực sản xuất mạnh, hướng đến xuất khẩu.
“Hoạt động xuất khẩu liên tục mạnh mẽ sẽ gây rủi ro lớn đối Trung Quốc trong nửa cuối năm nay. Xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn vì kinh tế Mỹ đang suy yếu”, Zhiwei Zhang nói.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng vọt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 nhờ xuất khẩu sản phẩm công nghệ cho phép mọi người làm việc tại nhà tăng bùng nổ. Kể từ đó, xuất khẩu suy yếu nhưng bắt đầu tăng mạnh trở lại trong những tháng gần đây. Trong khi đó, nhu nội địa yếu đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang mua ít hàng hóa hơn từ các nước khác.
Căng thẳng thương mại sẽ leo thang?
Các nhà máy ở Trung Quốc đang sản xuất gần 1/3 tổng sản lượng hàng hóa công nghiệp của thế giới. Bắc Kinh đã đặt mục tiêu thúc đẩy “các lực lượng sản xuất mới”, với trọng tâm là sản xuất công nghệ cao, dựa nhiều hơn vào robot và các quy trình tự động hóa khác.
Sức mạnh xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế của Trung Quốc, nơi cơn khủng hoảng thị trường nhà ở tiếp tục làm suy yếu tâm lý của người tiêu dùng. Tuy nhiên, làn sóng xuất khẩu ồ ạt của Trung Quốc có nguy cơ đẩy tăng căng thẳng thương mại với Mỹ, và các nơi khác. Điều này nguy cơ làm gián đoạn động lực tăng trưởng mới của Bắc Kinh.
Theo Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng của Công ty đầu tư và tư vấn bất động sản thương mại Jones Lang LaSalle, thặng dư kỷ lục của Trung Quốc có thể khiến các đối tác thương mại nhanh chóng đưa ra kết luận về việc Trung Quốc bán phá giá hàng hóa ra nước ngoài để giải quyết tình trạng dư thừa công suất sản xuất trong nước.
Mỹ, EU, Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác đã tăng thuế hoặc tìm cách áp đặt mức thuế mới đối với hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc trong những tuần gần đây.
Ngoài EU và Mỹ, nhiều nước khác cũng đang tìm cách hạn chế xe điện giá rẻ từ Trung Quốc.
Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tăng thuế nhập khẩu 40% đối các các mẫu xe điện từ Trung Quốc hoặc mức thuế tối thiểu 7.000 đô la Mỹ cho mỗi xe điện. Nếu mức thuế 40% tính cho một mẫu xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc dưới 7.000 đô la, thì mức thuế tối thiểu sẽ được áp dụng.
Brazil áp thuế nhập khẩu 10% nhằm vào xe điện Trung Quốc kể từ tháng 1-2024. Mức thuế này tăng lên 18% trong tháng 7-2024 và cuối cùng lên 35% vào tháng 7-2026.
Canada cũng đang đề xuất áp thuế đối với xe điện Trung Quốc. Các nhà sản xuất ô tô và công đoàn ô tô ở Canada lo ngại nguy cơ xe điện giá rẻ của Trung Quốc tràn vào. Bộ trưởng Tài chính Canada, Chrystia Freeland cho rằng, Trung Quốc cố tình tạo ra công suất và nguồn cung quá mức để xuất khẩu sang nước khác.
Ngành công nghiệp ô tô của Canada sản xuất hơn 1,5 triệu xe, hỗ trợ gần 550.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp. Ngành này đóng góp 18 tỉ đô la Mỹ vào GDP của Canada trong năm 2023 và là một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất đất nước.
Indonesia muốn áp thuế 200% với hàng dệt may Trung Quốc
Tại Indonesia, giới chức trách đang lên kế hoạch áp thuế đến 200% đối với các sản phẩm dệt may của Trung Quốc nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước.
“Chúng tôi có thể làm điều đó để đảm bảo các nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như giúp các ngành công nghiệp trong nước tồn tại và phát triển”, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan phát biểu với báo chí gần đây.
Theo ông, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây đã dẫn đến làn sóng hàng hóa Trung Quốc tràn vào các thị trường như Indonesia. Hồi cuối tháng 6, Bộ Tài chính Indonesia cho biết đang chuẩn bị ban hành quy định mới để áp thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá đối với hàng dệt may, giày dép, đồ điện tử, gốm sứ và mỹ phẩm do Trung Quốc sản xuất.
Ngành dệt may của Indonesia đang sử dụng 3,9 triệu lao động, chiếm gần 20% lực lượng lao động ngành sản xuất của cả nước.
Kể từ năm 2019, có 36 nhà máy dệt ở máy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ngừng hoạt động, trong khi 31 nhà máy khác sa thải hàng loạt. Trong năm nay, có đến 50.000 công nhân trong lĩnh vực dệt may ở Indonesia bị mất việc
Tại Ấn Độ, giới chức trách đang giám sát thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu thép lớn nhất vào nền kinh tế lớn thứ ba châu Á. Các nhà máy thép của Ấn Độ đang kêu gọi chính phủ có biện pháp can thiệp hoặc tăng thuế nhập khẩu đối với thép của Trung Quốc.
Hồi tháng 5, Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết, cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang rơi vào bế tắc. Lý do là Saudi Arabia, một trong những thành viên của GCC, lo ngại hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc có thể làm đe dọa tham vọng cường quốc công nghiệp của Riyadh.
Theo Bloomberg, Reuters, New York Times