Chủ Nhật, 16/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu văn học: vẫn còn “hữu xạ tự nhiên hương”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu văn học: vẫn còn “hữu xạ tự nhiên hương”

Nguyễn Vinh

Xuất khẩu văn học: vẫn còn “hữu xạ tự nhiên hương”
Từ bên phải qua: dịch giả Hana Choi, nhà văn Hồ Anh Thái và nhà văn Jeong You Jeong trong buổi trò chuyện - Ảnh: Nguyễn Vinh

(TBKTSG Online) - Nhiều điểm chung, điểm riêng và kể cả những vùng ngoại lệ của hai nền văn học Việt Nam – Hàn Quốc được hai nhà văn Hồ Anh Thái và Jeong You Jeong mổ xẻ trong một cuộc trao đổi ngắn sáng nay 30-10, tại Nhà xuất bản Trẻ, TPHCM.

Nhà văn Jeong You Jeong, một trong những cây bút tiêu biểu nhất của văn học đương đại Hàn Quốc, tác giả của tiểu thuyết Bảy năm bóng tối vừa được dịch sang tiếng Việt (Kim Ngân dịch, Alphabooks & nhà xuất bản Lao động ấn hành), chia sẻ rằng cá nhân bà thích viết về những nhân vật bình thường đặt trong những những bối cảnh phi thường.

Theo bà, trước những sự cố lớn lao của cuộc sống thì tính cách, cá tính mỗi nhân vật sẽ được thể hiện rõ ràng nhất. Qua đó, sẽ cho thấy “cõi địa ngục sâu thẳm” bên trong tâm hồn mỗi con người. Và đó cũng là quy tắc xây dựng nhân vật của bà thông qua các tiểu thuyết đang gây sự chú ý của người đọc không chỉ tại Hàn Quốc mà còn ở các quốc gia khác.

Hồ Anh Thái, nhà văn và là cây bút tiểu luận, phê bình của văn học đương đại Việt Nam, đưa ra phản hồi khi đọc tác phẩm Bảy năm bóng tối: “Một tiểu thuyết không dễ đọc nhưng đầy hấp dẫn. Bà Jeong You Jeong viết về những kẻ gây ra án mạng là những người lành còn những kẻ đi báo thù lại là kẻ ác. Bà mô tả và kiến giải tâm lý hợp lý trong cả hai tình thế đó”.

Hồ Anh Thái cũng là nhà văn của hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tiểu luận văn chương có phong cách và giọng điệu riêng. Ông có nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Anh và từng có tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo được dịch sang tiếng Hàn. Ông cũng từng tham gia nhiều diễn đàn, gặp gỡ với độc giả, giới văn chương Hàn Quốc. Với ông, để một tác phẩm văn học trong nước được “xuất khẩu”, trước hết, nó phải gây sự chú ý ở nước sở tại; đó phải là tác phẩm đi sâu vào tâm lý cá nhân để chạm đến tính nhân loại.

Tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo của ông được viết năm 1985, trong bối cảnh Việt Nam hậu chiến, nhân vật là những cựu binh nữ trong một lâm trường vắng bóng nam giới (do hy sinh ở chiến trường).

“Những ức chế không nằm ở phương diện tâm sinh lý con người, mà chạm đến vấn đề người phụ nữ Việt Nam hậu chiến – là những gì tôi thực sự quan tâm trong lịch sử sau chiến tranh ở Việt Nam. Nhờ đó, tôi tiếp cận với tiểu thuyết này một cách rất tự nhiên”, bà Hana Choi, dịch giả chuyển ngữ Người đàn bà trên đảo, nhận định.

“Hai đất nước từng trải qua chiến tranh khốc liệt, có một truyền thống văn hóa có nhiều nét tương đồng, cả hai nằm trong số những quốc gia hiện đại hóa, Việt Nam và Hàn Quốc đang xích lại gần nhau, tìm hiểu kỹ hơn về nhau thông qua nhiều phương diện, trong đó có văn hóa, văn học”, đại diện Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc (Literature Translation Institute of Korea) nói. Được biết, trong tương lai, thông qua Viện này, nhiều tác phẩm văn chương Hàn Quốc sẽ được giới thiệu với người đọc Việt Nam một cách hệ thống hơn. Và ngược lại, việc tìm hiểu để giới thiệu văn chương Việt Nam với người đọc Hàn Quốc sẽ được xúc tiến mạnh hơn.

Tuy nhiên, một trong những điểm khác biệt trong việc “xuất khẩu văn học” được hai diễn giả - nhà văn Hồ Anh Thái và Jeong You Jeong nêu ra trong cuộc trao đổi, đó chính là: trong khi một tác phẩm văn học Việt Nam muốn được dịch ra tiếng nước ngoài thì phải trông chờ vào sự “hữu xạ tự nhiên hương”, thì tại Hàn Quốc ngày nay, có hai kênh chính để đưa tác phẩm văn học đến với độc giả thế giới: sự xúc tiến của một cơ quan hỗ trợ giới thiệu các giá trị văn học mới ra bên ngoài và sự giao thương tác quyền diễn ra chuyên nghiệp của các nhà xuất bản tại Hàn Quốc với đối tác là những nhà xuất bản lớn trên toàn cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới