Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục giảm, gây áp lực lên nền kinh tế

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

KTSG Online) ­ - Xuất nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục giảm trong hai tháng đầu năm, gây lo ngại cho triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách “zero Covid” vào cuối năm ngoái.

Cảng container ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: CFOTO/Zuma Press

Dữ liệu chính thức công bố hôm 7-3 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2 đạt 506 tỉ đô la, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm 9,9% vào tháng 12. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 389,4 tỉ đô la, giảm 10,2% so với một năm trước đó. Mức giảm này cao hơn nhiều so với mức giảm 7,5% trong tháng 12 và mức giảm 5,5% theo dự báo.

Xuất khẩu suy giảm mạnh nhất ở mảng thiết bị xử lý dữ liệu, cùng với màn hình LCD và mạch tích hợp. Tuy nhiên, xuất khẩu ô tô và khung gầm ô tô, dầu tinh luyện vẫn tăng mạnh, lần lượt tăng 65,2% và 101,8% về giá trị.

Dữ liệu hải quan cho thấy nhập khẩu dầu ăn, than và đất hiếm của Trung Quốc tăng mạnh nhất trong số tất cả hàng hóa được mua trong hai tháng đầu năm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa bán dẫn và sản phẩm thép giảm mạnh nhất. Nhập khẩu dầu thô và khí tự nhiên lần lượt giảm 1,3% và 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng Cục hải quan Trung Quốc cho biết  nhu cầu từ các nước Đông Nam Á tăng trong hai tháng đầu năm, trong khi thương mại với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản giảm. Các lô hàng sản phẩm cơ điện chiếm 58% giá trị xuất khẩu tính theo đồng nhân dân tệ trong kỳ.

Các nhà kinh tế cho rằng nhập khẩu giảm mạnh chủ yếu là do giá cả hàng hóa yếu hơn và đồng đô la mạnh hơn, chứ không phải là dấu hiệu của nhu cầu trong nước ảm đạm. Dữ liệu thương mại trong hai tháng đầu năm của Trung Quốc thường được kết hợp để tránh bị bóp méo do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm cho thấy thấy nhu cầu đối với các sản phẩm của nước này tiếp tục yếu, khiến Bắc Kinh lo ngại đà tăng trưởng chậm lại của toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nước này trong suốt năm 2023.

Zhou Hao, nhà kinh tế trưởng của Guotai Junan International Holdings, nói: “Các số liệu thương mại của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2023 không đồng nhất trong khi xu hướng chung vẫn còn yếu”.

Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc bắt đầu giảm vào cuối năm 2022 khi lạm phát và lãi suất cao hơn ở phần còn lại của thế giới kìm hãm sức chi tiêu của người tiêu dùng. Xuất khẩu đóng vai trò cỗ máy tăng trưởng chính của nền kinh tế Trung Quốc trong hai năm qua, giúp bù đắp sự sụt giảm chi tiêu trong nước khi các hạn chế đi lại để kiểm soát Covid-19 gây tổn thương niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Xu hướng đó giờ đây đã thay đổi. Chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc tăng trở lại sau khi chính phủ đột ngột dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến đại dịch vào tháng 12 đồng thời làn sóng lây nhiễm Covid-19 lắng dịu đầu năm nay. Hôm 6-3, một  quan chức chính phủ Trung Quốc ghi nhận đà phục hồi tiêu dùng diễn ra nhanh chóng và lĩnh vực này sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Nhà kinh tế David Qu của Bloomberg Economics nhận định sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2023 do nhu cầu suy yếu bên ngoài sẽ kìm hãm tốc độ phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.  Điều này có nghĩa là các động lực tăng trưởng ở trong nước như tiêu dùng và đầu tư giờ đây sẽ phải đảm trách vai trò lớn hơn. Ông cho rằng điều cần thiết đối với Bắc Kinh là phải thực hiện các biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa, vốn vẫn bị hạn chế do niềm tin yếu và thu nhập suy giảm

Triển vọng thương mại toàn cầu năm nay vẫn còn yếu, khó có thể hỗ trợ cho kinh tế Trung Quốc. Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết nhiều công ty đã báo cáo các đơn hàng xuất khẩu giảm giữa lúc giá trị của chúng cũng ngày càng giảm và các hợp đồng xuất khẩu dài hạn ngày càng ít hơn.

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng của Jones Lang Lasalle, nhận định: “Xuất khẩu của Trung Quốc sẽ đối mặt với áp lực giảm khá lớn trong năm nay do thương mại toàn cầu dự kiến giảm cùng với rủi ro tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế phát triển lớn”.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn khoảng 5% trong năm nay, sau khi mục tiêu tăng trưởng 5,5% vào năm ngoái bị hụt với biên độ lớn so với mức tăng trưởng thực tế 3%. Trong cuộc khảo sát do Bloomberg thực hiện, các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đạt 5,3% trong năm nay.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới