Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất nhập khẩu và thế chân kiềng “phụ thuộc”

Nguyễn Duy Nghĩa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Lâu nay, khi nói về thành tích xuất nhập khẩu người ta thường ngợi ca hết lời. Ngược lại, với điểm yếu thì chỉ dùng từ “hạn chế” và cũng chỉ vài dòng, đại ý như “xuất khẩu còn phụ thuộc vào khu vực FDI; nhập khẩu còn lớn; năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế...”.

Nhưng, điều đó cũng đủ để lột tả thế chân kiềng “phụ thuộc” của xuất nhập khẩu của Việt Nam: Phụ thuộc vào FDI - phụ thuộc vào nhập khẩu - phụ thuộc vào số ít thị trường nước ngoài. Ba mặt liên quan với nhau, ba trong một, một mang hồn cốt cả ba.

Có địa phương, sự phụ thuộc vào FDI là rất lớn. Trong ảnh: Công nhân sản xuất trong Nhà máy Samsung ở Bắc Ninh. Ảnh: T.L

Phụ thuộc FDI

Ngay khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, họ đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu của nước ta và luôn ở thế thượng phong. Và trong ba năm gần đây luôn chiếm trên 70% (năm 2019 chiếm 70,1%, 2020 lên 72,3%, 2021 là 73,6%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 là 668,5 tỉ đô la Mỹ, thì FDI đóng góp tới 465,6 tỉ đô la, chiếm 69,6%. Tỷ trọng chung là như vậy, tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, FDI lại càng áp đảo...

Số doanh nghiệp FDI không nhiều, có lĩnh vực thua xa số doanh nghiệp Việt Nam, nhưng đóng góp cho xuất khẩu thì không kém. Đơn cử như mặt hàng đồ gỗ, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của FDI là 48% so với 52% của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng số doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 15% so với 85% số doanh nghiệp trong nước. Với các mặt hàng công nghệ càng cao số doanh nghiệp FDI càng ít nhưng tỷ trọng xuất khẩu lại rất cao.

Có địa phương, sự phụ thuộc vào FDI là rất lớn. Ví dụ như Bắc Ninh, năm 2021 xuất khẩu đứng thứ hai cả nước (sau TPHCM), đạt 44,8 tỉ đô la, xuất siêu tới 6,5 tỉ đô la (trong khi TPHCM nhập siêu 15,2 tỉ đô la). Đó không phải hoàn toàn do nội lực của Bắc Ninh mà chỉ do tỉnh nhỏ nhất nước này thu hút FDI thuộc nhóm hàng đầu cả nước. “Hình hài” xuất khẩu của Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai... cũng tương tự.

Phụ thuộc nhập khẩu

Chọn Việt Nam là điểm đến, các doanh nghiệp FDI đều muốn được cung cấp linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu tại chỗ để nhẹ giá thành đầu vào và chủ động quy trình sản xuất, nên đã khích lệ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam; và cũng để thay đổi định kiến công nghiệp Việt Nam chỉ là “gia công - lắp ráp”, từ đó càng thu hút FDI. Song đến nay, công nghiệp hỗ trợ vẫn cứ ì ạch, nên khu vực FDI vẫn phải dựa vào phụ tùng, nguyên vật liệu từ bên ngoài.

Doanh nghiệp trong nước còn phụ thuộc vào nhập khẩu trầm trọng hơn doanh nghiệp FDI. Số lượng và chủng loại phụ tùng, nguyên vật liệu phải nhập nhiều hơn, bởi ngoài những phụ tùng, nguyên vật liệu là sản phẩm công nghệ, còn phải nhập khẩu cả nông phẩm, và không chỉ để sản xuất thành hàng xuất khẩu mà còn cả hàng tiêu dùng nội địa.

Thủy sản xuất khẩu phải nhập khẩu thủy sản nguyên liệu. Xuất khẩu nhân điều phải nhập khẩu hạt điều thô. Chế biến gỗ phải nhập khẩu gỗ tròn, gỗ dán, ván sợi... Mọi chuyện trên đều có nguyên nhân là từ công nghiệp hỗ trợ yếu kém.

Rồi còn chuyện “rước” về các nhà máy điện chạy than, để từ năm 2011 liên tục phải nhập khẩu than. Năm 2021 nhập 35,7 triệu tấn, gấp 18 lần lượng than xuất khẩu. Từ một quốc gia xuất khẩu than dần hóa thành “cường quốc” nhập khẩu than.

Nhập khẩu lớn nên phụ thuộc về số lượng, tiến độ, phẩm cấp; phụ thuộc nước chủ hàng, ách tắc vận chuyển..., doanh nghiệp Việt Nam đều chịu trận.

Phụ thuộc thị trường

Việt Nam nhập khẩu từ trên 90 thị trường, song chủ yếu là từ Trung Quốc. Năm 2021 nhập từ nước láng giềng này là 109,8 tỉ đô la, chiếm một phần ba tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 30,4% so với năm 2020. Với các mặt hàng nhập khẩu chính thì tỷ trọng nhập từ Trung Quốc càng cao, thường chiếm ngôi đầu.

Mặt hàng điện thoại và linh kiện nhập từ Trung Quốc gần một nửa. Hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, nhập từ Trung Quốc đứng đầu, hơn hẳn ba thị trường tiếp sau là EU, ASEAN, Hàn Quốc. Ba thị trường hàng đầu nhập khẩu vải là Trung Quốc (khoảng 60%), Hàn Quốc và Đài Loan. Xơ sợi, Trung Quốc cũng đứng đầu với trên 50%. Gỗ nguyên liệu, Việt Nam nhập của 14-15 thị trường, nhiều nhất vẫn từ Trung Quốc...

Thị trường xuất khẩu cũng bị phụ thuộc. Đã ký FTA với Mỹ, vào WTO, tham gia CPTPP, EVFTA cùng nhiều FTA khác, với nhiều ưu đãi, những tưởng thị trường xuất khẩu thênh thang hết cỡ. Nhưng các nước lập tức “chăng dây” bảo hộ, nơi nâng hàng rào kỹ thuật, chốn ra quy định kiểm soát với thời hạn từ khi ban hành tới lúc có hiệu lực cấp tốc hoặc quá rắc rối, ta không kịp xoay xở. Thủ tục kiểm định phức tạp, tốn kém. Tối mắt với các vụ kiện, áp thuế chống bán phá giá, trả lại hàng vi phạm; ách tắc tại cửa khẩu...

Trái cây cứ đến vụ thu hoạch là vất vả xuất khẩu. Vụ ách tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn cuối năm 2021 là đỉnh cao vì lập tới ba kỷ lục: dài ngày nhất - nhiều chủ hàng nhất - thiệt hại lớn nhất, nhưng cũng chỉ là một trong những “huyệt” mà ta bị “điểm” vì... phụ thuộc.

Thị trường xuất - nhập không thể tương hỗ. Việt Nam có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều thị trường dành ưu đãi cho xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng do chủ thể xuất khẩu và nhập khẩu ở từng thị trường lệch pha, nên không thể dùng nhập khẩu để hối thúc đối tác phải gia tăng nhập khẩu từ Việt Nam. Ngược lại, không thể dùng lợi thế từ xuất khẩu để ràng buộc bên kia xuất khẩu sang Việt Nam những thiết bị, vật tư kỹ thuật ta mong muốn.

Tiếng rằng năm 2021 xuất siêu 4 tỉ đô la, nối dài mạch xuất siêu sáu năm liền (2016-2021), song thực sự là nhờ khu vực FDI xuất siêu đến 29,3 tỉ đô la, còn doanh nghiệp Việt Nam nhập siêu 25,3 tỉ đô la. Nhìn lại năm năm trước (2016-2020), tình hình cũng tương tự.

Lối ra

Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng ưu tiên với một số ngành trọng điểm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, nguyên vật liệu trong nước để sản xuất thay thế dần nguồn nhập khẩu; tái cơ cấu sản xuất với kỹ thuật hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa; phát triển dịch vụ logistics; chuyển biến mạnh chế biến nông sản; đa dạng hóa thị trường; tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức từ các FTA; tăng cường năng lực phòng vệ thương mại; đổi mới điều hành xuất nhập khẩu...

Đường hướng đã từng được vạch ra, song đến nay vẫn bí. Với vị thế, tiềm lực, cơ đồ mới, hy vọng năm 2022, xuất nhập khẩu không chỉ đạt, vượt chỉ tiêu bằng con số mà thực sự mọi chuyện sẽ khác, phải khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới