Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất siêu đạt kỷ lục, doanh nghiệp Việt lạc quan về thương mại quốc tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất siêu đạt kỷ lục, doanh nghiệp Việt lạc quan về thương mại quốc tế

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Số liệu thương mại trong 11 tháng đầu năm ghi nhận con số xuất siêu kỷ lục, trong bối cảnh doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn lạc quan nhất thế giới về thương mại toàn cầu, theo khảo sát của HSBC công bố mới đây.

Xuất siêu đạt kỷ lục, doanh nghiệp Việt lạc quan về thương mại quốc tế
Hình minh họa: TTXVN.

Tín hiệu lạc quan từ xuất siêu kỷ lục

Theo công bố của Tổng cục Thống kê hôm 29-11, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng năm 2020 đầu năm tiếp tục là điểm sáng khi ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỉ đô la Mỹ (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,8 tỉ đô la). Trong đó, khu vực trong nước nhập siêu 12,4 tỉ đô la, còn khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,5 tỉ đô la.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm ước đạt gần 255 tỉ đô la, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước chiếm 28,7% tổng kim ngạch, tăng 1,6%; còn khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm 71,3%, tăng 6,9%.

Về phía nhập khẩu, kim ngạch đạt 234,5 tỉ đô la, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 9%, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,2%.

Xuất siêu tăng lên trong bối cảnh mức độ lạc quan về thương mại toàn cầu của doanh nghiệp hoạt động tại thị trường Việt Nam cũng tăng lên, theo khảo sát Navigator vừa công bố của HSBC (khảo sát 10.000 doanh nghiệp ở 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm 200 doanh nghiệp tại Việt Nam).

Cụ thể, có 91% các doanh nghiệp tỏ ra rất lạc quan về thương mại quốc tế so với các doanh nghiệp trên toàn cầu (72%), mặc dù phần lớn cho rằng thương mại quốc tế đang trở nên ngày càng khó khăn hơn.

“Trong năm qua khi cả thế giới chống chọi với đại dịch Covid-19, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tự điều chỉnh sang hình thức 'bình thường mới' và đang hướng tới tương lai với một tinh thần lạc quan hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác trên thế giới”, báo cáo của HSBC nhận định.

Trong khảo sát năm nay, có đến 86% doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng trong năm sau, cao hơn mức trung bình toàn cầu và khu vực châu Á Thái Bình Dương (lần lượt 64% và 60%).

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng đến kỳ vọng tăng trưởng khi chỉ có 66% cho rằng tăng trưởng sẽ lớn hơn 5% (cùng kỳ là 92%). Số doanh nghiệp thể hiện sự bi quan hoặc "dự kiến sẽ thu hẹp hoạt động" cũng tăng lên ở mức 26% (cùng kỳ 4%).

Dù vậy, tỷ lệ doanh nghiệp Việt lạc quan về tăng trưởng vẫn cao hơn mức trung bình toàn cầu (55% so với 29%).

“Hoạt động trong nước đang dần quay trở lại trạng thái bình thường, không mấy ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp thể hiện tinh thần lạc quan đối với tăng trưởng”, báo cáo HSBC nhận định. Con số này bao gồm những doanh nghiệp khai thác trong nước, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa,  các doanh nghiệp thiên về kinh doanh trực tuyến.

Theo khảo sát, nhìn chung các doanh nghiệp Việt ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch hơn so với các doanh nghiệp trên toàn cầu, với khoảng 59% doanh nghiệp (so với 45% trên toàn cầu) dự kiến đến cuối năm 2021 có thể đạt được mức lợi nhuận tại thời điểm trước dịch và 86% kỳ vọng đạt được vào cuối năm 2022.

 

 

Hiệp định thương mại ‘mở đường’ cho tương lai tích cực

Theo báo cáo của Bộ Công Thương vào cuối tháng 10, kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi, trong đó có tình trạng thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại, kết quả thặng dư cán cân thương mại được Bộ đánh giá là sự nỗ lực rất lớn.

Đáng chú ý, cũng theo báo cáo này, Bộ Công thương cho biết sau hơn 2 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu. Hiệp định này được kỳ vọng động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong những tháng còn lại của năm nay và năm sau.

Theo HSBC, các hiệp định thương mại tự do vừa được thiết lập, như EVFTA, hay mới Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các tiêu chuẩn giúp thúc đẩy quá trình tăng trưởng tiếp theo trên toàn cầu. “Tất cả chúng ta đều hy vọng rằng sự lạc quan sẽ quay trở lại với nền kinh tế toàn cầu vào thời điểm này năm sau”, Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam bình luận.

Việc Việt Nam tham gia RCEP, hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới (tập hợp 15 quốc gia châu Á với thị trường khoảng 2,3 tỉ dân), sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường lớn và tạo môi trường thương mại với những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. “Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ cần chuẩn bị tốt hơn để nắm bắt tiềm năng mà hiệp định mang lại”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám Đốc PwC Việt Nam đánh giá.

Theo PwC, các doanh nghiệp đứng trước cơ hội tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyển sang các mô hình mới thích hợp hơn trong khu vực, với đặc điểm chung là được hỗ trợ bởi công nghệ giúp sản xuất, phân phối hiệu quả hơn.

Khảo sát Navigator năm nay của HSBC cũng cho thấy để thích ứng với các yếu tố khách quan, có đến 68% doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện các thay đổi trong vòng 12 tháng qua (so với 74% trên toàn cầu).

Nhu cầu cần cắt giảm chi phí (46%), giảm thiểu rủi ro (46%) và tăng cường hợp tác (43%) là những yếu tố hàng đầu thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện việc thay đổi.

Khảo sát cũng cho thấy 88% doanh nghiệp Việt Nam có ý định tăng cường đầu tư cho các hoạt động kinh doanh của mình trong năm tới (nhiều hơn so với 2/3 doanh nghiệp trên toàn cầu).

Khoảng 69% doanh nghiệp dự định trong năm 2021 sẽ tập trung đầu tư vào các kênh bán hàng, 68% vào nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, 67% vào trải nghiệm khách hàng và 67% vào quản lý dòng tiền.

Đối với đầu tư vào công nghệ, 61% doanh nghiệp cho rằng sẽ thực hiện để cải thiện tốc độ tiếp cận thị trường, 59% để nhắm vào khách hàng mới và 55% để tăng cường tự động hóa và hiệu quả hoạt động.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới