(KTSG Online) - Triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại giúp Cần Thơ hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Đây cũng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Liên quan vấn đề nêu trên, KTSG Online đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ (CPA).
Mời gọi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
PV: Năm 2024, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại của CPA đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên: Năm 2024, CPA đã thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại. Điều này góp phần khá lớn cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ.
Dựa trên nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch xúc tiến theo hướng thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm rõ ràng. Chúng tôi chủ động lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố để tiếp xúc mời gọi đầu tư.
Các hoạt động được triển khai linh hoạt qua nhiều hình thức, gồm trực tiếp và trực tuyến, ứng dụng công nghệ số nhằm quảng bá nhanh chóng, hiệu quả các tiềm năng, cơ hội và chính sách đầu tư của thành phố đến đối tác trong và ngoài nước.
Cụ thể, chúng tôi đã tổ chức các đoàn xúc tiến tại những thị trường tiềm năng như Anh và Thụy Sĩ. Tại đây, doanh nghiệp của Cần Thơ đã tiếp cận thị trường, thúc đẩy kết nối giao thương, xuất khẩu gạo, thủy sản, nông sản chế biến và tham dự diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Thụy Sĩ. Cùng với đó là phối hợp tổ chức đoàn công tác tại Đức và Hà Lan để mời gọi hợp tác về dịch vụ cảng, logistics và tìm hiểu mô hình kinh tế tiên tiến của những quốc gia này.
Bên cạnh xúc tiến bên ngoài, chúng tôi cũng chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, ngày 13-12 vừa qua, CPA đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức “Tọa đàm đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp thành phố Cần Thơ” nhằm lắng nghe, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Ngoài xúc tiến đầu tư, CPA còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua nhiều hình thức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung cầu, khai thác thị trường hiện có và tìm kiếm thị trường mới.
Chẳng hạn, tháng 8-2024, chúng tôi đã tổ chức chương trình “Hội nghị Xúc tiến Đầu tư - Thương mại tại thành phố Cần Thơ” với sự tham gia của doanh nghiệp từ TPHCM, Thủ Đức và Thanh Hóa. Sự kiện có 70 gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng, ký kết 7 bản ghi nhớ hợp tác, góp phần tăng cường kết nối đầu tư giữa ba địa phương.
Đáng chú ý, Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2024 do chúng tôi tổ chức đã thu hút gần 400 gian hàng với doanh thu khoảng 50 tỉ đồng, cùng 80 hợp đồng ký kết thành công. Trong buổi lễ khai mạc Hội chợ đã diễn ra lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác xúc tiến thương mại, đầu tư giữa 3 địa phương là thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp.
Vốn ngoại “rót” mạnh vào Cần Thơ
Sức hút từ các hoạt động của CPA đối với các nhà đầu tư ra sao, thưa bà?
Các hoạt động xúc tiến đã mang lại kết quả tích cực, giúp quảng bá tiềm năng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số và tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại đã giúp tăng cường kết nối giao thương, mở rộng kênh phân phối và xây dựng niềm tin từ nhà đầu tư.
11 tháng đầu năm nay, Cần Thơ có 8 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 7.388 tỉ đồng. Lũy kế đến nay, có 95 dự án được UBND thành phố Cần Thơ chấp thuận chủ trương đầu tư đang triển khai thực hiện, tổng diện tích sử dụng đất hơng 1.923 hécta.
Trong khi đó, về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lũy kế đến nay, Cần Thơ có 80 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,219 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, trong khu công nghiệp có 29 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 612 triệu đô la Mỹ và ngoài khu công nghiệp 51 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 1,607 tỉ đô la Mỹ.
Rõ ràng, việc thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trong nước năm 2024 vẫn còn hạn chế, đâu là nguyên nhân, thưa bà?
Quy mô hoạt động xúc tiến còn hạn chế do kinh phí không đủ lớn, đặc biệt trong các chương trình xúc tiến thương mại xuất khẩu. Điều này, khiến thành phố Cần Thơ gặp khó khăn trong việc quảng bá hình ảnh địa phương và sản phẩm, cũng như cạnh tranh với các tỉnh, thành khác trong khu vực.
Năm 2025: xúc tiến đa phương thức, hạ tầng sẵn có “kéo” nhà đầu tư đến Cần Thơ
Từ những kết quả và thách thức đã nêu, kế hoạch của CPA trong năm 2025 ra sao, thưa bà?
Chúng tôi tiếp tục xúc tiến đầu tư, thương mại gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tiếp nối các chương trình xúc tiến đã được hoạch định từ các năm trước.
Đối với xúc tiến đầu tư, để hoạt động này có hiệu quả, trong năm 2025 chúng tôi sẽ nghiên cứu, triển khai đa dạng hóa các phương thức xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ. Đồng thời, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực… để sẵn sàng đón các nhà đầu tư.
Cần Thơ sẽ tiếp tục duy trì các thị trường đối tác truyền thống, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan và Ba Lan đồng thời mở rộng xúc tiến đầu tư sang các nước đối tác, là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do lớn như: CPTPP, EVFTA. Những ngành nghề ưu tiên sẽ là ngành đón đầu cách mạng 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật nano, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững.
Chúng tôi cũng sẽ tận dụng triệt để các mối quan hệ và chương trình hợp tác quốc tế song phương và đa phương để xúc tiến đầu tư; tập trung tiếp cận, mời gọi các công ty xuyên quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến đến từ các quốc gia châu Á và châu Âu.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư của thành phố. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu, tạo niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách của thành phố, qua đó, mời gọi các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư chiến lược.
Về xúc tiến thương mại, chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tốt cơ hội, lợi thế để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tăng cường quảng bá tiềm năng thế mạnh, sản phẩm, doanh nghiệp, chính sách đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mời gọi các nhà đầu tư đến Cần Thơ phát triển sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm có chất lượng cao, khảo sát thị trường trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của thành phố; duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức hội chợ, triển lãm thường niên tại Cần Thơ; hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu và bán hàng Việt tại các huyện, vùng nông thôn và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Tiếp tục hợp tác, liên kết với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước tổ chức các lớp đào tạo nâng cao kỹ năng, kiến thức cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế của thành phố; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức làm công tác xúc tiến thương mại có tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế…
Xin cảm ơn bà!