Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xung đột Nga-Ukraine gây ra khủng hoảng lượng thực nghiêm trọng nhất từ năm 2008

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá lương thực và phân bón tăng mạnh do chiến tranh ở Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008, khiến cuộc sống và sinh kế của 345 triệu người gặp nguy hiểm ngay lập tức, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết trong báo cáo công bố hôm thứ Sáu.

Các bao ngũ cốc ở một nhà kho ở Adama, Ethiopia. Số ngũ cốc này được Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc mua từ Ukraine để cứu trợ cho Ethiopia. Ảnh: Reuters

Trong khi cú sốc lương thực đang ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới, nhất là phần lớn 48 nước thu nhập thấp, trong đó có nhiều nước phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu từ Ukraine và Nga.

Trong báo cáo mới nhất, các nhà kinh tế IMF cho biết, khoảng một nửa trong số các nước này, chẳng hạn như Somalia, Nam Sudan và Yemen, đặc biệt dễ bị tổn thương do những thách thức kinh tế nghiêm trọng và thể chế yếu kém của họ hiện nay.

Tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng kể từ năm 2018 khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, xung đột khu vực và đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất và phân phối lương thực, đồng thời làm tăng giá.

Tình hình xấu đi rõ rệt sau khi Nga phát động cuộc chiến tranh Ukraine. Xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ hai nước này giảm mạnh, khiến một số nước phải áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Trước chiến tranh, Ukraine và Nga chiếm tổng cộng 30% lượng lúa mì, 20% lượng ngô và 75% lượng dầu hướng dương thương mại trên toàn cầu.

Trong một bài viết đăng trên blog của IMF, các quan chức IMF bao gồm Giám đốc điều hành Kristalina Georgieva cho biết: “Kết quả là sinh kế của 345 triệu người đang bị đe dọa ngay lập tức do tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Trên toàn cầu, hơn 828 triệu người đi ngủ với bụng đói mỗi đêm... Chỉ riêng trong năm nay, chúng tôi ước tính các nước dễ bị tổn thương sẽ cần tới 7 tỉ đô la để giúp các hộ gia đình nghèo nhất đối phó tình trạng thiếu đói”.

Trong khi giá lương thực đã hạ nhiệt kể từ khi Ukraine nối lại xuất khẩu ngũ cốc hồi đầu tháng 8 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trước chiến tranh. Triển vọng các vụ mùa ở Ukraine trong năm tới  vẫn không chắc chắn do chiến tranh làm gián đoạn các hoạt động nông nghiệp và kinh tế.

IMF ước tính cú sốc lương thực làm tăng thêm gần 9 tỉ đô la chi phí liên quan đến lương thực cho 48 nước bị ảnh hưởng và cần 50 tỉ đô la để xóa bỏ tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2022. Chi phí lương thực tăng cao sẽ làm xói mòn dự trữ ngoại tệ ở nhiều nước có nền kinh tế mong manh hoặc đang có xung đột vũ trang. Những nước này vốn đã đối mặt với các vấn đề cân bằng thanh toán sau do tác động đại dịch Covid-19 và chi phí năng lượng tăng cao.

Nhiều nền kinh tế phát triển đang đối mặt với sự suy giảm mạnh về triển vọng kinh tế của họ, nhưng các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng lương thực là các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển, đang phụ thuộc vào nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu ngày càng đắt đỏ. Nhiều nền kinh tế này đối mặt với khối nợ ngày càng phình to trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng và đồng tiền mất giá.

IMF kêu gọi tăng tốc hỗ trợ nhân đạo thông qua Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác cũng như các biện pháp tài khóa có trọng điểm ở các nước bị ảnh hưởng để hỗ trợ người nghèo. Nhưng IMF cũng nhấn mạnh các chính phủ cần ưu tiên chống lạm phát.

Theo bà Georgieva, trợ giúp xã hội ngắn hạn nên tập trung vào việc cứu trợ lương thực khẩn cấp hoặc chuyển tiền mặt cho người nghèo, chẳng hạn như những chương trình hỗ trợ được công bố gần đây bởi các nước như Djibouti, Honduras và Sierra Leone.

IMF cũng kêu gọi loại bỏ các lệnh cấm xuất khẩu lương thực và các biện pháp bảo hộ khác khi trích dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho biết những biện pháp này chiếm tới 9% mức tăng giá lúa mì thế giới.

Theo IMF, việc cải thiện sản xuất và phân phối lương thực, bao gồm cả việc tăng cường tài trợ thương mại, cũng là yếu tố quan trọng để giải quyết cú sốc giá lương thực hiện nay. IMF cho biết thêm các khoản đầu tư vào nền nông nghiệp chống chịu tốt với khí hậu, quản lý nước và bảo hiểm mùa màng cũng cần thiết để đối phó với hạn hán và các hiện tượng khí hậu khó lường khác.

Hôm 30-9, Hội đồng điều hành của IMF đã ​​ thông qua việc thành lập một quỹ mới để giải quyết cú sốc lương thực, cung cấp hàng tỉ đô la vốn vay trong năm tới cho các nước dễ bị tổn thương nhất. Cơ chế cho vay khẩn cấp này dự kiến sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 1,3 tỉ đô la.

 IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đang chuẩn bị tổ chức một hội nghị tại Washington bắt đầu từ ngày 10 -10 để thảo luận về rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và các vấn đề liên quan. Các chủ đề được các quan chức tài chính và ngân hàng trung ương trên thế giới thảo luận tại hội nghị sẽ bao gồm lạm phát cao, lãi suất tăng, cơn biến động ngày càng tăng của thị trường và tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo WSJ, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới