(KTSG Online) – Các chuyên gia cho rằng dịch bệnh bùng phát trở lại và căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine khiến giá nhiều mặt hàng nhiên liệu tăng phi mã, tạo áp lực lớn lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam, qua đó ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Định - Phó phòng Chính sách tổng hợp thuộc Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - dự báo CPI khoảng 3,6% đến 4,3% trong năm 2022 do căng thẳng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến giá của nhiều loại nhiên liệu gia tăng nhanh.
Cụ thể, giá dầu bình quân trên thị trường Singapore tăng từ mức 98 đô-la Mỹ một thùng trong tháng 1-2022 lên mức 130 đô-la cách đây ít ngày. Giá than tăng từ mức 200 đô-la một tấn lên mức 400 đô-la trong vòng 2 tuần gần đây.
Xu hướng này khiến ông Định lo ngại ngành điện và giá sản xuất điện sẽ chịu ảnh hưởng.
“Nhiên liệu như xăng, dầu, than hay điện đều là những mặt hàng chi phối trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Bất kỳ lúc nào các mặt hàng nhiên liệu tăng giá, đều gây ra áp lực trong công tác kiểm soát lạm phát”, ông Định nói tại toạ đàm “Kiểm soát lạm phát- Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế” ngày 9-3.
Cũng theo ông Định, các cơ quan quản lý chưa điều chỉnh giá của một số dịch vụ công trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì vậy, mọi áp lực tăng giá sẽ dồn sang năm 2022.
Tương tự, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết Việt Nam hiện phải chịu áp lực lạm phát từ 3 yếu tố, gồm: tổng cầu trong nước tăng đột biến do nhu cầu nội địa tăng; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng; giá nhiên liệu thế giới tăng tác động tới giá nhiên liệu trong nước do nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.
Còn ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội - cho rằng xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá nguyên liệu đầu vào bước vào đợt tăng mới, qua đó khiến nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều áp lực hơn.
Cụ thể, Nga còn xuất khẩu rất nhiều các loại hàng hoá khác như niken, titanium, kim loại cơ bản... thậm chí là lúa mì, lương thực và chất dinh dưỡng của phân bón. Chỉ riêng phân bón cũng đã tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.
Bởi lẽ, Việt Nam có sản xuất phân bón nhưng cũng nhập phân bón rất nhiều. Giá phân bón tăng không chỉ tác động đến doanh nghiệp, nền nông nghiệp mà tác động đến cả bà con nông dân.
Ngoài ra, theo thống kê của Liên minh châu Âu (EU), chỉ số giá tiêu dùng tại châu Âu tháng 2-2022 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến nhiều quốc gia buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. Và chính những điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ tại Việt Nam.
Với những yếu tố trên, ông Nguyễn Bích Lâm lo ngại một mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập nếu xảy ra kịch bản xấu nhất với chỉ số lạm phát. Như vậy, mọi kế hoạch kinh doanh, đầu tư sẽ phải xây dựng trên mặt bằng giá cao hơn.
Ngoài ra, thu nhập thực của người dân sẽ hao hụt. Còn đồng tiền nội địa mất giá.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu cho rằng áp lực lạm phát với Việt Nam hiện rất lớn trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai gói phục hồi kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỉ đồng.
"Tại thời điểm chuẩn bị ban hành gói phục hồi kinh tế, nhiều chuyên gia đã lo lắng cho mục tiêu lạm phát. Giờ có thêm các áp lực mới, rủi ro lạm phát lại càng tăng cao", ông Hiếu nói tại tọa đàm "Xung Đột Nga - Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội" ngày 7-3.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Ninh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm - lo ngại lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến người lao động.
“Thu nhập của những đối tượng này phụ thuộc bởi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Khi kinh tế giảm sút, thị trường của doanh nghiệp bị co hẹp thì chi phí về lương, an sinh xã hội và các chế độ khác cho người lao động đương nhiên sẽ phải cân nhắc”, ông Ninh nói.
Cũng theo ông Ninh, hiện chưa thể dự báo chính xác diễn biến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Vì vậy, doanh nghiệp khó có thể tìm cách “lách” hay sử dụng các hệ thống thanh toán khác nếu các lệnh trừng phạt, cấm giao thương với Nga xảy ra.
Điều này, theo ông Ninh, sẽ ảnh hưởng tới quan hệ thương mại và đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và Nga.
“Tất cả các dự án liên quan đến công nghệ, tài chính của Nga đều phải dừng lại, tính bất định này khiến doanh nghiệp Việt Nam và Nga phải dò dẫm, ngày nào biết ngày đó, đây là thực tế”, ông Ninh chia sẻ.
Với Tập đoàn Hồ Gươm, ông cho biết doanh nghiệp đang chịu tác động từ những nhóm biện pháp trừng phạt nặng nề nhất.
Về xuất khẩu, việc một số ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT khiến lô hàng xuất khẩu trị giá 1 triệu đô-la của doanh nghiệp hiện chưa được thanh toán. Ngoài ra, một lô hàng đã xuất sang Hà Lan cũng bị giam ở kho, chưa thể chuyển sang Nga.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đàm phán lại với các đối tác trong bối cảnh nền kinh tế Nga có xu hướng giảm nhu cầu tiêu thụ do người dân hạn chế chi tiêu. Điều này, theo ông Ninh, có thể khiến doanh nghiệp mất đơn hàng may mặc giá trị gần 5 triệu đô-la.
Về vận chuyển, vị này cho biết việc lưu thông hàng hóa hiện gặp nhiều khó khăn hơn do doanh nghiệp phải lựa chọn cung đường dài hơn và những phương thức vận chuyển khác.
“Trước đây doanh nghiệp dùng phương thức vận chuyển rẻ nhất, giờ có thể phải vận chuyển bằng đường sắt hay hàng không. Nhưng hai con đường này rất vòng vèo”, ông Ninh nói.
Theo ông Ninh, quãng thời gian vận chuyển dài hơn sẽ tạo ra những rủi ro như gia tăng chi phí lưu kho, bảo quản hàng hoá.