Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ý tưởng gợi mở từ một vụ kiện

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Báo Thanh Niên ngày 27-6-2023 đưa tin bà Nguyễn Thị Hồng kiện Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại 1,3 tỉ đồng do không chịu cập nhật biến động, đăng bộ sang tên ba lô đất mà bà đã mua của vợ chồng ông Cao Văn Đực I tại phường Phú Thuận, quận 7. Đúng sai trong chuyện này như thế nào sẽ do tòa án phán quyết, tuy nhiên, những thông tin được công khai trên báo chí cũng phần nào cho thấy nạn đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có thể gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp nhiều như thế nào.

Chuyện người dân, doanh nghiệp kiện cơ quan quản lý nhà nước vì các quyết định gây thiệt hại cho họ không hiếm, nhưng đây là một trong những trường hợp hiếm hoi cơ quan nhà nước bị kiện vì không chịu giải quyết công việc cho dân. Quan trọng hơn, vụ kiện này cũng gợi mở thêm hướng giải quyết đối với nạn “không dám nghĩ, không dám làm” đang lan rộng ở nhiều địa phương.

Trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, quan hệ giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước vẫn là mối quan hệ xin - cho. Ngoài việc phải chi tiền “bôi trơn” để nhanh chóng được việc, người dân cũng như doanh nghiệp hầu như chỉ biết chịu trận trước thái độ sách nhiễu, thờ ơ, đùn đẩy trách nhiệm… của không ít cán bộ công quyền.

Để giải quyết vấn đề này, cần xác định lại quan hệ giữa cơ quan nhà nước và công dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính là mối quan hệ giữa bên cung cấp dịch vụ và khách hàng, trong đó cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm và không được từ chối yêu cầu hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Thay vì thụ động chờ, người dân và doanh nghiệp có thể chủ động dựa vào tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình và yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước thực thi chức trách của mình. Tuy nhiên, do thủ tục kiện tụng phức tạp, tốn kém và mất thời gian, cộng thêm nỗi sợ có thể sau này sẽ bị làm khó, nên hãn hữu lắm người dân mới dám nghĩ đến việc đưa ra tòa.

Vì vậy cũng cần xem xét thêm các cơ chế “gần gũi” hơn với doanh nghiệp và người dân để làm trung gian giải quyết bất đồng giữa họ và cơ quan quản lý nhà nước, chẳng hạn như thông qua trọng tài hoặc cơ quan giải quyết khiếu nại của công dân, trong đó, cơ quan giải quyết khiếu nại của công dân là khả thi nhất vì đây là nơi dễ được người dân nghĩ đến nhất mỗi khi gặp khó khăn.

Lâu nay, các địa phương đều có ban tiếp công dân ở cả cấp tỉnh, thành phố lẫn cấp quận huyện. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các ban này không cao, vì do những người trong bộ máy hành pháp của địa phương kiêm nhiệm. Sẽ là hiệu quả hơn nếu cơ quan giải quyết khiếu nại của công dân không trực thuộc cơ quan hành pháp, mà đặt dưới quyền điều hành của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, là những cơ quan dân cử.

Ngoài ra, hãy xem những vụ kiện, những vụ khiếu nại qua trọng tài hoặc cơ quan giải quyết khiếu nại của công dân như phiếu tín nhiệm của người dân, doanh nghiệp đối với người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước cũng như các bộ phận chuyên môn. Đây có thể xem một trong những tiêu chí để xác định đâu là những cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, không dám nghĩ và không dám làm để loại ra khỏi bộ máy.

3 BÌNH LUẬN

  1. Một thể chế thượng tôn pháp quyền thường áp dụng hai công cụ pháp lý có hiệu lực nhất để giải quyết xung khắc xã hội. Một là quyền bỏ phiếu của công dân, hai là quyền khởi kiện dân sự. Quyền bỏ phiếu thể hiện trình độ dân chủ hóa. Quyền khởi kiện thể hiện trình độ trật tự, công bằng, văn minh. Vì vậy, khởi kiện là quyền chính đáng của công dân. Nhưng khởi kiện sao cho đúng đắn, phán quyết có hiệu lực cao, đó mới thực sự là quyền chân chính.

  2. Quyền khởi kiện cơ quan nhà nước (kiện hành chính) giờ đã được pháp luật quy định chi tiết, người dân cũng đi kiện nhiều hơn. Tuy nhiên như báo chí có đưa tin hồi cuối năm ngoái là một tỷ lệ lớn lãnh đạo chính quyền (bị kiện) không tham dự phiên tòa hoặc không chịu thi hành bản án. Nhưng các cơ quan/cá nhân đó cũng không bị chế tài gì hết. Như vậy quyền khởi kiện của người dân là không thực chất.

  3. Có tội hay không, phải chờ phán quyết chính thức. Cựu tổng thống Donald Trump hiện tại vẫn phải ra tòa vì những câu chuyện lùm xùm của nhiệm kỳ cũ. Nhưng cũng chính ông, vẫn đủ điều kiện và đủ sức ra tranh cử tổng thống trong nhiệm kỳ tới. Chưa biết ai thắng ai trong cuộc tranh cử sắp đến. Nhưng rất rõ ràng một điều là, người có tội hoặc chưa có tội, khi tòa án chưa có QĐ chuẩn y cuối cùng, thì vẫn mãi là người tự do. Họ có thể làm những gì mà pháp luật không cấm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới