Ý tưởng hay, nhưng…
Đình Dũng
Chính phủ đã bật đèn xanh cho phép xây dựng đề án thí điểm ngân hàng tiết kiệm nhà ở nhằm cung cấp thêm nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Ảnh: THANH TAO. |
(TBKTSG) - Bẵng đi một thời gian, vấn đề giúp người dân mua nhà qua hình thức gửi tiết tiệm lại được nhắc đến, và lần này nó không còn dừng ở ý tưởng sẽ thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở như lần trước, mà nâng hẳn lên thành ngân hàng tiết kiệm nhà ở.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết Chính phủ đã bật đèn xanh cho phép xây dựng đề án thí điểm ngân hàng tiết kiệm nhà ở nhằm cung cấp thêm nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Nghe đâu ban đầu bộ định đưa việc thành lập ngân hàng này vào dự thảo Luật Nhà ở, nhưng rồi cuối cùng chỉ dừng lại ở mức thí điểm đề án. Bộ cho biết sẽ bắt đầu phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để xây dựng đề án này ngay sau Tết Nguyên đán.
Theo thông tin ban đầu, ngân hàng này chỉ tập trung huy động vốn và cho vay trong lĩnh vực nhà ở với lãi suất cho vay luôn thấp hơn lãi suất thương mại trong thời gian từ 10-15 năm. Chỉ có điều, người muốn vay mua nhà trước tiên phải tham gia gửi tiết kiệm vài ba năm, cho tới khi nào số tiền gửi tiết kiệm được khoảng từ 50-70% số tiền muốn vay thì mới đủ điều kiện vay. Nói cách khác, người dân muốn vay tiền mua nhà thì phải có tiền gửi vào ngân hàng này.
Chưa biết cụ thể ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ hoạt động ra sao, chứ với điều kiện ràng buộc như trên thì ngân hàng này chưa thoát được cái bóng của ý tưởng thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở năm nào.
Ba năm trước, ý tưởng thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở được Bộ Xây dựng khởi xướng với kỳ vọng sẽ giúp người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà ở. Theo tinh thần hoạt động của quỹ thì người có nhu cầu mua nhà phải trích 1% lương hàng tháng của mình để đóng vào quỹ, và người đó chỉ có thể vay sau khi đã tham gia quỹ tối thiểu năm năm, hay đóng được khoảng 30% giá trị căn nhà mình muốn mua. Một năm sau đó ý tưởng trên lại được xới lên, làm mới lại rồi… để đó cho tới nay.
Không chỉ có người mua nhà, mà cả giới đầu tư kinh doanh bất động sản đều nhận định đây là một ý tưởng hay, song vấn đề là tính khả thi tới đâu. Chưa nói đến vấn đề quản lý và điều phối một cách minh bạch số tiền đến tay người vay như thế nào, chỉ riêng số tiền trích từ lương đã khiến nhiều người băn khoăn liệu người tham gia tiết kiệm có mua được nhà?
Giả sử một người có mức lương 6 triệu đồng/tháng, mỗi tháng trích 1% lương, tương đương 60.000 đồng/tháng, tức khoảng 720.000 đồng/năm. Nếu tham gia tiết kiệm trong 10 năm ròng rã, người này cũng chỉ góp được 7,2 triệu đồng. Số tiền này chưa đủ để mua một mét vuông nhà-giá-thấp hiện nay, và nếu phải tiết kiệm đủ 30% giá trị căn nhà khoảng 700-800 triệu đồng mới được phép vay thì sẽ phải tham gia đến bao giờ?
Một vấn đề khác nữa là nguồn vốn để ngân hàng tiết kiệm nhà ở hoạt động, bởi nói gì thì nói ngân hàng phải kinh doanh để bảo toàn vốn và có lãi để trả cho người gửi tiết kiệm. Vào thời điểm đề xuất thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở, Bộ Xây dựng từng tính toán sẽ có nguồn tiền từ tiền sử dụng đất thu được từ các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới, từ ngân sách địa phương, từ ngân sách trung ương cấp một lần ban đầu, từ lợi nhuận phát hành xổ số kiến thiết hoặc xổ số nhà ở, hay từ nguồn vốn phát hành trái phiếu nhà ở. Vấn đề là liệu có suôn sẻ như dự tính của bộ khi nguồn tiền từ đất đang là nguồn sữa nuôi các địa phương, hay lại kỳ vọng vào việc huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân để cho vay phát triển nhà ở?
Một giám đốc công ty địa ốc nhận định hiện nay có rất nhiều ý tưởng hay, nhưng thực tế lại làm chẳng tới đâu. Chẳng hạn như gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, ý nghĩa chương trình rất hay nhưng thực hiện lại chuệch choạc.
Sự thận trọng rào trước đón sau, cộng với việc thiếu nguồn cung nhà và sự xét nét cho vay của ngân hàng khiến gói tín dụng này khó đến tay người có nhu cầu. Đâu phải ngẫu nhiên gói tín dụng 30.000 tỉ đồng được chọn là một trong các đề tài nổi bật trong năm để các táo quân đem về báo cáo Ngọc hoàng trong chương trình táo giao thừa Tết Nguyên đán vừa qua. Các danh hài miền Bắc đã ví gói tín dụng như chiếc cột bôi mỡ với túi tiền treo lơ lửng trên đầu cột còn người dân cứ trèo lên lại tụt xuống. Điều này khiến nhiều người nghĩ một khi ngân hàng tiết kiệm ra đời, điều kiện cho vay nhiêu khê cũng không kém.
Có ý kiến cho rằng nếu đã xem việc giúp người thu nhập thấp mua nhà ở là chính sách xã hội thì việc giao nhiệm vụ giải ngân gói 30.000 tỉ đồng cho nhóm năm ngân hàng thương mại là chưa đúng đối tượng. Dù gì thì đây cũng là các ngân hàng thương mại, nên yếu tố lợi nhuận luôn được coi trọng. Hơn nữa họ cũng phải thận trọng trong việc xét duyệt hồ sơ vay sao cho đúng đối tượng.
Lẽ ra, việc giúp người nghèo mua nhà phải giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là ngân hàng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được thành lập để phục vụ người nghèo trong cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế ngân hàng này ít khi được nhắc đến.
Vấn đề đặt ra là có nhất thiết phải thành lập ngân hàng chuyên ngành cho vay mua nhà hay không, khi không thiếu các kênh cho vay. Bên cạnh các ngân hàng, ở các địa phương hiện đã có quỹ phát triển nhà, như Quỹ Phát triển nhà TPHCM đã thành lập cả chục năm nay. Nhiều người cho rằng, thay vì “đẻ” thêm ngân hàng, bộ chỉ cần tập trung phát triển các quỹ tại địa phương là giải quyết được vấn đề.
Sẽ chẳng đi tới đâu nếu có ngân hàng tiết kiệm nhà ở mà điều kiện tham gia và ràng buộc nhiêu khê khiến người muốn mua nhà khó tiếp cận, giống như trèo cây cột mỡ, hay món “xương gà chiên bơ”: ngửi mùi thì rất thơm nhưng không ăn được.