Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Yêu cầu chi trả bảo hiểm: chứng từ y tế gốc thuộc về ai?

Trương Trọng Hiểu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đại dịch Covid-19 là một trong những yếu tố cộng hưởng, tạo đà tăng trưởng mạnh cho ngành bảo hiểm. Bên cạnh các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe cũng là một trong những lựa chọn khá phổ biến. Nhưng cũng từ đó, tranh cãi qua lại giữa bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm và bên mua bảo hiểm xuất hiện ngày càng nhiều. Ví dụ, liên quan câu hỏi: Ai là người có quyền nắm giữ hồ sơ y tế (sức khỏe) gốc của khách hàng?

Yêu cầu thực tế

Thực tế, trong hồ sơ yêu cầu chi trả bảo hiểm bao giờ cũng bao gồm hai loại chứng từ quan trọng: chứng từ y tế (sổ khám bệnh, phiếu điều trị, phiếu chỉ định xét nghiệm, kết quả xét nghiệm hoặc phiếu chụp liên quan, phiếu mổ, đơn thuốc, giấy ra viện...) và chứng từ tài chính liên quan đến chi phí y tế. Để bảo đảm độ chắc chắn của thông tin, các công ty bảo hiểm thường yêu cầu khách hàng nộp chứng từ gốc.

Sau khi tiến hành thanh toán, sẽ chẳng có gì bất thường khi công ty bảo hiểm lưu giữ lại chứng từ tài chính. Nhưng khó có thể thuyết phục nếu khách hàng không được phía công ty chuyển trả chứng từ y tế gốc của họ.

Có thể, việc lưu giữ chứng từ gốc là phương cách để tránh trường hợp người mua bảo hiểm tiếp tục sử dụng chứng từ để yêu cầu thanh toán bảo hiểm ở những đơn vị bảo hiểm khác. Tuy nhiên, đây là một lập luận thiếu thuyết phục.

Để thanh toán khoản bồi thường bảo hiểm cho khách hàng, công ty bảo hiểm cần thiết phải kiểm tra chứng từ y tế gốc. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, đối chiếu, nếu cần thì công ty có thể lưu giữ bản sao các chứng từ này chứ không thể là bản gốc.

Thứ nhất, quản lý hành vi tạo lập hồ sơ thanh toán bảo hiểm ở những đơn vị khác, ngay cả khi đó là việc làm bất hợp pháp, không phải là chức năng của công ty bảo hiểm hiện tại. Đó là công việc quản lý của nhà nước. Ngoài ra, nếu có thực hiện hành vi phi pháp thì người mua bảo hiểm phải tự chịu trách nhiệm và pháp luật phát huy vai trò của mình ngay khi tình huống đó xảy ra.

Thứ hai, như cách một số công ty bảo hiểm đã thực hiện, chỉ cần một dấu mộc với nội dung hàm ý “hồ sơ đã được giải quyết bảo hiểm” trên chứng từ thì đã có thể giải quyết được mối lo ngại đó của bên cung ứng dịch vụ bảo hiểm khi trả lại hồ sơ cho khách hàng. Ngay cả khi hồ sơ yêu cầu thanh toán bảo hiểm cung cấp chứng từ tài chính điện tử thì đó cũng không thể là lý do để giữ lại chứng từ y tế gốc của khách hàng.

Hay nói cách khác, để thanh toán khoản bồi thường bảo hiểm cho khách hàng, công ty bảo hiểm cần thiết phải kiểm tra chứng từ y tế gốc. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, đối chiếu, nếu cần thì công ty có thể lưu giữ bản sao các chứng từ này chứ không thể là bản gốc.

Doanh nghiệp lưu trữ thông tin hộ khách hàng?

Hồ sơ y tế là thông tin cá nhân của người bệnh. Dẫu là khách hàng của công ty bảo hiểm thì cũng không thể vì lý do mua bảo hiểm mà khách hàng lại mất đi quyền sở hữu, nắm giữ và quản lý thông tin (sức khỏe) của cá nhân mình. Hay nói cách khác, không thể bằng một hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hiểm mà công ty bảo hiểm dễ dàng trở thành người sở hữu thông tin đó. Công ty bảo hiểm cũng không phải là nơi để lưu giữ hồ sơ y tế của cá nhân để rồi... cung cấp thông tin lịch sử sức khỏe khi khách hàng yêu cầu. Các đơn vị kinh doanh bảo hiểm không nên “ôm rơm nặng bụng” như thế!

Trong một xã hội hiện đại, người dân luôn được khuyến khích việc lưu giữ và theo dõi lý lịch sức khỏe của cá nhân. Khi cần, mỗi người có thể truy tìm hoặc cung cấp cho đơn vị y tế mà mình cần sử dụng dịch vụ.

Công ty bảo hiểm không thể lưu giữ hồ sơ y tế gốc, đặc biệt là sổ khám bệnh, để đẩy khách hàng vào tình huống không còn mã bệnh nhân hay có chăng chỉ là thông tin “bản sao” khi đến với các cơ sở y tế trong các lần sau đó. Hợp đồng bảo hiểm không phải là hợp đồng... bán thông tin cá nhân và càng không phải là hợp đồng... bán quyền sở hữu thông tin sức khỏe của cá nhân.

Cho nên, quyền sở hữu, nắm giữ thông tin cá nhân của bệnh nhân cần được tôn trọng. Đơn vị kinh doanh bảo hiểm không thể vì sự tiện lợi cho mình mà nắm giữ thông tin “gốc” rồi mặc kệ người mua bảo hiểm đã... mất và không thể lấy lại hồ sơ và thông tin đó.

Quy định hiện tại

Điều đáng tiếc nhất là các quy định hiện tại của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành không đề cập đến vấn đề này. Điều đó có nghĩa, mọi yêu cầu và thủ tục thanh toán bảo hiểm phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nội dung của hợp đồng bảo hiểm và quy tắc chi trả bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã chuẩn bị. Giả sử, trong tình huống xấu nhất, hồ sơ yêu cầu chi trả bảo hiểm bị đòi hỏi cung cấp khá nhiều điều kiện hay có thể là cung cấp chứng từ y tế gốc để đơn vị bảo hiểm lưu giữ thì người mua bảo hiểm cũng khó có lựa chọn nào khác nếu không muốn từ bỏ việc nhận tiền chi trả.

Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp dù khẳng định trong nội dung thông tin sản phẩm bảo hiểm là chỉ yêu cầu khách hàng kẹp vào hồ sơ yêu cầu chi trả bảo hiểm chứng từ y tế gốc để... đối chiếu, kiểm tra, nhưng sau đó không chịu trả lại với lý do đó là quy trình và yêu cầu nghiệp vụ chung của... công ty.

Một trong những bấu víu hiện tại chính là quy định về phê duyệt các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm. Theo quy định hiện tại tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP thì sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe thuộc danh mục được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai. Có thể xem đây là khâu “chốt chặn” khả dĩ, vì Bộ Tài chính có thể rà soát nội dung quy định về hồ sơ yêu cầu chi trả bảo hiểm mà doanh nghiệp đề cập trong sản phẩm bảo hiểm được đệ trình.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý sẽ cần phải tiếp tục sâu sát hơn đối với quá trình thực hiện tại các doanh nghiệp. Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp dù khẳng định trong nội dung thông tin sản phẩm bảo hiểm là chỉ yêu cầu khách hàng kẹp vào hồ sơ yêu cầu chi trả bảo hiểm chứng từ y tế gốc để... đối chiếu, kiểm tra, nhưng sau đó không chịu trả lại với lý do đó là quy trình và yêu cầu nghiệp vụ chung của... công ty. Đó không phải là tình huống mà quy tắc sản phẩm bảo hiểm hay hợp đồng bảo hiểm đã quy định. Nhưng để khách hàng có thể lấy lại hồ sơ, chứng từ của mình thì có khi... được vạ má đã sưng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Chuyên gia của ILO (Tổ chức lao động quốc tế) khẳng định quỹ bảo hiểm xã hội VN rất bền vững, vài chục năm nữa cũng không có vấn đề mất cân đối. Vậy mà các vị quản lý cứ liên tục lên tiếng cảnh báo vỡ quỹ ? Trong khi đó, việc chi trả các loại hình bảo hiểm cho người dân thì liên tục gặp rắc rối, kết dư nguồn thì nhiều, các kênh chi trợ cấp thì quá ít, khiến tình trạng rút bảo hiểm một lần tăng lên bất ngờ. Vai trò của màng lưới an sinh xã hội đang trở nên rất bất cập.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới